Cái nhìn của một người khiếm thị

Khuyết tật hạn chế khả năng của con người, hầu hết chúng ta đều nghĩ vậy. Thế nhưng, Michael Forzano (gọi thân mật là Mike) - một người khiếm thị bẩm sinh, đã chứng minh điều ngược lại, khi anh phát huy tối đa “khiếm khuyết” của bản thân để ứng tuyển thành công vị trí kỹ sư phần mềm tại Amazon - kênh bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới.

Cái nhìn của một người khiếm thị

Hạnh phúc là không đơn độc

Ngay từ khi sinh ra, Michael Forzano đã hoàn toàn không có khả năng nhìn, bởi một hội chứng rối loạn di truyền hiếm gặp. Họa vô đơn chí, đến khi lên 5 tuổi, khả năng nghe của Mike cũng dần yếu đi, để rồi cuối cùng anh trở thành một người vừa khiếm thính vừa khiếm thị. Song, “Tôi đã trưởng thành hoàn toàn vui vẻ hạnh phúc, bởi bố mẹ tôi luôn cố gắng bảo đảm rằng, tôi có thể làm mọi việc giống như một người bình thường” - Mike vẫn luôn yêu thương quá khứ của mình.

Mười lăm tuổi, tham khảo kinh nghiệm từ một người chú cũng bị khiếm thính và đã phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, Mike cùng gia đình đã quyết định thực hiện can thiệp y học tương tự. Và anh đã phải học lại cách nghe từ đầu. “Mất đến tám tháng hay gần một năm gì đó, tôi mới có thể làm quen hoàn toàn với âm thanh”, Mike chia sẻ về quá trình tìm lại một phần giác quan.

Thính giác có thể cậy nhờ máy móc, thế nhưng thị giác lại hoàn toàn không thể cải thiện. Trước đó, Mike sử dụng gậy dò đường để tới những nơi công cộng, sau thì anh được ghép cặp với Delta - một “cô” chó dẫn đường giống Labrador mầu vàng, “cô bạn” đã thay đổi cuộc sống của anh. Nhờ sự thông minh của Delta, Mike có thể đi tàu điện ngầm, vượt qua đường phố đông đúc, tới mọi nơi anh muốn.

Cánh cửa đại học rõ ràng là một ước mơ xa vời. Song, khi “hạ quyết tâm”: “Đây chính là nơi dành cho mình!” trong một lần đến thăm trường của em gái, ước mơ của Mike trở thành hiện thực. Vốn đã tự mày mò với khá nhiều sáng tạo nho nhỏ về công nghệ thông tin từ thời học trung học, lá đơn xin vào Trường đại học Binghamton của Mike được chú ý, và được chấp thuận. Ở đó, Mike gặp một vị “phúc tinh”. Đó là Eileen Head - Trưởng khoa chuyên ngành Khoa học máy tính. “Bà luôn mở rộng cửa và sẵn sàng có mặt để đưa ra lời khuyên, về những lớp học và những kỳ thực tập phù hợp. Hơn hết, bà cho tôi hiểu rằng khiếm thị và khiếm thính lại cũng chính là ưu điểm độc đáo khiến tôi trở thành duy nhất!” - Mike hồi tưởng.

Cho dù nhận được sự động viên tuyệt vời đó, Mike cũng vẫn phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thí dụ như chuyện lạc đường trong một khuôn viên rộng lớn như Binghamton. Rất may, Văn phòng Dịch vụ dành cho sinh viên khuyết tật (SSD) hết lòng giúp đỡ tất cả những gì có thể, như lấy sách của các lớp học cho Mike, làm việc với các giáo sư để bảo đảm các ghi chú ở định dạng anh ấy có thể tiếp cận được. B.Jean Fairbairn, Giám đốc SSD kể: “Hợp tác và giúp đỡ Mike là một niềm vui cho toàn bộ nhân viên văn phòng. Sau đó, Mike hợp tác với SSD và Khoa Khoa học Máy tính để khám phá các lĩnh vực tiếp cận mới cho khuôn viên trường, và thật sự trở thành người tiên phong trong việc phát triển chữ nổi cũng như các phương thức tiếp cận xúc giác với các tài liệu học thuật. Mike đã chấp nhận những thách thức một cách lạc quan, nhờ đó anh ấy đã phá vỡ mọi giới hạn!”.

Chàng sinh viên “phi thường” ấy còn luôn nỗ lực kết bạn, nhằm cố gắng thay đổi cách nhìn của mọi người, bởi anh hy vọng: “Họ sẽ nhìn tôi như nhìn một người hoàn toàn bình thường, và trở thành bạn tốt!”. Cách thức Mike chọn để hòa nhập là chơi nhạc. Anh đảm nhiệm vị trí thổi saxophone cho ban nhạc của trường. Thật ra, từ nhỏ Mike đã rất thích những phần mềm âm thanh điện tử, niềm đam mê âm nhạc của anh cũng giúp anh có thêm ý tưởng phát triển các ứng dụng cho người khuyết tật.

22 tuổi, tốt nghiệp đại học, Mike nộp đơn xin việc tại Amazon và Facebook. Cho dù luôn cố gắng lạc quan, Mike vẫn không dám đặt hy vọng nhiều. Thậm chí, khi viết đơn ứng tuyển, anh còn không đề cập vấn đề mình là người khiếm thị. Anh kể: “Tôi được phỏng vấn trong khuôn viên trường học. Tôi đến gặp những người tuyển dụng với máy tính xách tay của chính mình, và hỏi họ rằng: Tôi có thể sử dụng đồ của riêng mình để viết mã thay vì bảng trắng của các anh không? Vì tôi bị mù. Tôi không dám tin rằng họ đã thật sự cho tôi cơ hội tới Seattle để làm việc!”.

Những chân trời rộng mở

Cái nhìn của một người khiếm thị ảnh 1

“Tôi nhớ rằng, ngày hôm ấy khi tôi gọi cho mẹ thông báo mình được nhận, mẹ đã òa khóc. Bà nói tôi là niềm tự hào của bà!” - Mike hãnh diện chia sẻ.

Ngay sau khi được nhận vào Amazon, Mike chuyển đến sống tại Seattle cùng Delta. Tại đây anh đảm nhiệm vị trí kỹ sư phần mềm, dùng chính những trải nghiệm của mình để thiết lập nên những chương trình giúp cho các đồng nghiệp có thể làm cho chuyện mua sắm trở nên dễ dàng hơn với người khuyết tật.

Hầu như tất cả mọi người đều sửng sốt: “Làm sao một người mù có thể thiết kế phần mềm?”. Công việc của Mike luôn gắn với một chiếc máy tính tiêu chuẩn, cài đặt sẵn phần mềm đọc màn hình, giúp chuyển mọi thông tin thành tín hiệu âm thanh. Chỉ đặc biệt hơn một chút, tốc độ truyền tải nhanh đến mức người bình thường khó có thể hiểu được máy tính đang đề cập nội dung gì. Erik Wang - một trong những đồng nghiệp của Mike thừa nhận: “Cậu ấy đọc và viết mã lập trình còn nhanh hơn cả tôi. Đôi khi tôi còn hoàn toàn quên rằng cậu ấy không nhìn được!”.

Sau mọi nỗ lực trong công việc, Mike đang tận hưởng cuộc sống của mình cùng Delta. Nhưng anh không tự thỏa mãn, mà vẫn luôn ấp ủ ước nguyện: “Tôi phải làm được nhiều hơn nữa. Bởi tôi còn cộng đồng người khiếm thị phía sau, họ đang nhìn vào tôi. Chúng tôi - những người khuyết tật sẽ luôn hoài nghi bản thân có thể làm được gì, có thể đi xa được đến đâu? Vậy nên tôi phải làm mọi việc tốt nhất, để cho cả thế giới có thể nhìn thấy, để cho người khiếm thị “nhìn” thấy!”.