Theo Le Monde, Malawi là một trong những nước ít sử dụng điện nhất trên thế giới. Ước tính, trung bình 10 người Malawi mới có một người được tiếp cận điện năng; 90% dân số còn lại chủ yếu vẫn dùng đèn dầu để thắp sáng. Việc sử dụng đèn dầu cũng phải rất hạn chế vì nhiên liệu đắt đỏ, có thể chiếm tới 20% thu nhập bình quân mỗi tháng của người dân. Không những vậy, loại đèn này còn thải ra nhiều khí độc không tốt cho sức khỏe. Do đó, hoạt động của người dân chủ yếu diễn ra ban ngày, khi còn có ánh sáng tự nhiên.
“Trước đây, chúng em thường cố gắng làm bài tập về nhà trước khi trời tối. Nếu không kịp, chúng em phải dùng nến để học bài. Tuy nhiên, em thường xuyên phải thắp đi thắp lại khi có gió thổi qua. Không những thế, nến cũng không đủ chiếu sáng và dùng nến để học tập còn gây ra nhiều tác hại cho mắt và làm tăng nguy cơ cháy”, Gift Mfune, một học sinh ở Yobe Nkosi chia sẻ.
Nhận thấy “nỗi khổ thiếu điện” tại Yobe Nkosi, kỹ sư điện Colrerd Nkosi (38 tuổi) đã quyết định phải hành động. Anh Nkosi cho biết: “Sau khi đi học tại một thành phố cách đây 40 km, tôi trở về làng quê và thấy không thể tiếp tục cuộc sống thiếu điện. Từ đó, tôi nảy ra ý định mang điện về làng”. Colrerd nhanh chóng nhận ra rằng sông Kasangazi đang chảy qua nhà anh với một lực đủ để đẩy bàn đạp của một chiếc xe đạp. Colrerd đã tự chế tạo một chiếc máy nổ từ máy nén của tủ lạnh và tận dụng thời điểm con sông chảy xiết để đẩy turbine của máy nén, từ đó tạo ra điện cho ngôi nhà của mình.
Sau khi Colrerd mang điện thành công về nhà, nhiều người dân trong làng đã sang nhà anh để sạc nhờ điện thoại di động của họ. Vì vậy, anh kỹ sư 38 tuổi đã quyết định nâng cấp hệ thống phát điện để mang điện đến cho nhiều ngôi nhà hơn nữa trong làng. Colrerd đã sử dụng động cơ của máy tách hạt ngô bỏ đi để làm một turbine lớn hơn, nguồn điện sau khi được tạo ra được truyền qua hệ thống dây cáp kim loại được cột giữa các thân cây để nối tới nhiều ngôi nhà hơn trong vùng. “Colrerd không lấy tiền điện của chúng tôi, mà chỉ tính phí bảo trì hằng tháng là một euro. Số phí này là quá ít ỏi để trang trải chi phí sửa chữa. Chủ yếu Colrerd tự lấy tiền túi để duy trì nguồn điện cho ngôi làng”, một hàng xóm của Colrerd tiết lộ.
Kể từ khi có điện, cuộc sống tại Yobe Nkosi đã hoàn toàn thay đổi. Một học sinh cho biết: “Trước đây, các em phải đốt nến để học và khi không có tiền để mua nến thì không thể học. Bây giờ, tất cả chúng em không có lý do gì khác ngoài việc vượt qua kỳ thi của mình”. Không chỉ với các em học sinh, đời sống tinh thần của nhiều người dân cũng cải thiện. Mỗi tối, tiếng cười xuất hiện từ các ngôi nhà có điện, khi người dân làng cùng tập trung để xem một chương trình hài kịch của người Zambia trên một chiếc tivi nhỏ. “Tôi không thể giải thích bằng lời rằng điều này đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào. Chúng tôi thật sự cảm ơn Colrerd. Nhờ có điện, tôi bây giờ có thể làm rất nhiều thứ vào buổi tối”, Satiel - một người dân trong làng, cũng là anh họ Colrerd chia sẻ.
Bất chấp những thách thức, Colrerd hy vọng sẽ nhân rộng hệ thống của mình cho các làng chung quanh. Theo Colrerd, việc đem lại nguồn điện cũng có lợi cho môi trường. Khi có điện, mọi người sẽ không còn chặt cây để lấy than nữa. Trong khi đó, Ủy viên Hội đồng địa phương, ông Victor Muva đánh giá cao ý tưởng của Colrerd. Ông cho biết, chính quyền địa phương đã vận động chính phủ hỗ trợ Colrerd nâng cấp hệ thống cấp điện. Bộ Năng lượng Malawi đã cam kết sẽ giúp “thiết kế một hệ thống sản xuất điện năng phù hợp” và “xây dựng các đường dây điện an toàn và đáng tin cậy” trong thời gian tới.