1/Nhưng có lẽ, âm thầm một sự nể trọng của nhiều người khác đối với ông, ngày càng đầy lên cùng năm tháng, lại chính là ở những gì ông dành để hướng tới những người khác - những con người tinh hoa, những dòng chảy lớn của đất nước!
Ông dành sự ngưỡng mộ đặc biệt, bền bỉ với những tài năng lớn của đất nước, những văn nghệ sĩ có đóng góp cho đời sống văn nghệ, xã hội, những gương mặt đã thể hiện được thành quả và khí chất của mình. Điều đó thì cố nhiên là thái độ chung, hầu hết mọi người, ai cũng quý trọng người tài. Nhưng với nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha, thì ông dành phần không nhỏ đời mình để nói về họ, tôn vinh họ. Nói và tôn vinh bằng tác phẩm, bằng công trình lao động sáng tạo để lại, có giá trị sử dụng và lan tỏa, chứ không phải qua những cuộc phiếm đàm, những cuộc trà dư tửu hậu.
Trên một chuyến xe về Hải Phòng dự cuộc ra mắt sách của một người tù đã mãn hạn, bước ra làm lại cuộc đời, Nguyễn Thụy Kha nói với chúng tôi về thành phố cảng ăn sóng nói gió và những con người góp thi ca của mình vào diện mạo thành phố quê hương ấy. Những con người như Thanh Tùng “Thời hoa đỏ”, như Văn Cao… mà để hiểu, yêu hơn, biết sống hơn và biết giữ gìn hơn cho Hải Phòng, không thể không đọc thơ ca của họ. Ông nói về trường ca “Những người trên cửa biển” của Văn Cao với những câu thơ mồ hôi, lam lũ và sức vóc. Câu thơ Văn Cao “Ở đây một con cá ném lên trời cũng sống”, chính là Hải Phòng đó! Cuốn sách “Văn Cao: Người đi dọc biển”, cuốn truyện ký nhân vật độc đáo được xuất bản từ năm 1992 tại NXB Lao động, vừa mang màu sắc tư liệu, lịch sử, vừa có dáng dấp hồi ký, lại có cả sự hư cấu khi Nguyễn Thụy Kha vừa thiết tha kể chuyện đời Văn Cao ở cái “thời thanh niên sôi nổi”, vừa hăng say như “mượn” tuổi trẻ Văn Cao cho tuổi trẻ của chính mình để được sống trong cái không khí sôi sục đầy hoài bão, đầy dồn nén mà thế hệ của ông chưa thể có mặt.
Tôn kính Văn Cao, Nguyễn Thụy Kha cũng miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, suy ngẫm, hòa với tình cảm ngưỡng mộ của hậu bối với nhiều nhạc sĩ khác để có những cuốn sách, trang sách về Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Huy Du, Hoàng Việt, Phạm Tuyên, Nguyễn Thiện Đạo… Ông cũng dành những cuốn sách và nhiều trang viết khác giới thiệu, đánh giá và ghi nhận những thành quả và tài hoa của thời kỳ Tân nhạc Việt Nam, âm nhạc nước nhà. Và nữa, nhiều người sau này nhìn lại, sẽ càng có “chứng cứ” để quý mến ông thêm nữa, bởi không hề “trú ngụ” dưới chân những chân dung thiêng liêng vừa kể trên, nhạc sĩ, nhà báo Thụy Kha trong nhiều năm liền đã gắn bó ngòi bút của mình với nhiều chuyển động của đời sống âm nhạc để trân trọng các nhạc sĩ tài năng cùng lứa, khích lệ nhiều giọng ca trẻ từng bước khẳng định mình.
2/Nhiều năm, ông có một “văn phòng nhỏ” trên phố Tràng Thi (Hà Nội), nơi thường lui tới trao đổi công việc văn thơ, nhạc, báo chí, chuẩn bị cho các chương trình, hoạt động biểu diễn và tiếp đón bạn bè. Tôi nhớ hình ảnh một buổi trưa nhạc sĩ giản dị cùng nhóm văn nghệ sĩ với mấy suất bún chả và chia sẻ về một chương trình âm nhạc sắp cùng làm ở Quảng Trị, nơi mà suốt nhiều chục năm sau khi rời chiến trường ấy, ông vẫn thấy mình mắc nợ.
Vài lần khác, kể chuyện bài hát mới viết về Hoàng Sa, theo lời thơ Nguyễn Hoa, ông nói mới đọc báo Văn Nghệ, có lời bình của nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển về bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hoa. Thấy thôi thúc quá, ông viết ngay. Với những câu mở đầu thơ-nhạc: Bãi cát vàng, bãi cát vàng, bãi cát vàng. Hoàng Sa, Hoàng Sa, Hoàng Sa, ông nói, cứ cảm thấy như một chiếc miệng lớn ở giữa biển đang thét lên, gọi về Tổ quốc. Đó cũng là cái ý chủ đạo của ông trong toàn bài hát.
Tôi cũng nhớ lần ngồi ở căn phòng nhỏ đó trả lời phỏng vấn, ông gọi tên “ngũ hành” âm nhạc truyền thống đồng bằng trung du Bắc bộ với chèo, xẩm, quan họ, hát xoan và ca trù. Theo quan điểm của mình, ông cho đó là một hệ thống đặc sắc có sự liên thông với nhau trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Còn cụ thể thế nào, ông hóm hỉnh: xin gợi ra để các nhà nghiên cứu chuyên sâu suy ngẫm.
Nhiều năm trước, nhiều năm sau, Thụy Kha vẫn thong dong một phong thái “người chơi” xem chừng nhàn tản, phóng khoáng, nhưng ông đã làm việc rất nhiều, cống hiến rất nhiều. Trong ông, dường như thường trực các ý tưởng, thường xuyên một việc đang làm. Với những việc đó, ở tư cách một người làm thơ, viết nhạc, phê bình âm nhạc, ông muốn đồng nghiệp, bạn đọc, công chúng hiểu hơn, biết quý hơn dòng chảy âm nhạc, thơ ca, văn hóa của đất nước, nơi có nhiều ngôi sao lấp lánh, nhiều di sản độc đáo. Thêm nhiều cảm phục với 22 tập thơ, 22 tập văn xuôi, 1 tập ca khúc và 2 CD âm nhạc, cùng 12 bộ phim mà ông đã xuất bản, viết kịch bản, thực hiện. Có lẽ thời gian nữa, những đóng góp của ông cho văn học và âm nhạc sẽ được nhìn nhận đầy đủ hơn, đặc biệt là sự trân trọng, tôn vinh của ngòi bút Thụy Kha với những ngôi sao văn nghệ khác.
Cùng với 3 giải thưởng cho phim, ông còn có 3 giải thưởng văn học và hơn 20 giải thưởng trong lĩnh vực âm nhạc. Năm 2023, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Chia sẻ trên báo Thời Nay vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/2024, có lẽ cũng là một trong những dịp trò chuyện cuối cùng với báo chí, ông tâm niệm: Những người lính Điện Biên đã bất tử cùng chiến công vang dội hành tinh của họ. Tôi là người lính, là thế hệ tiếp nối của họ, góp phần kéo dài sự bất tử ấy bằng thơ ca, âm nhạc của mình, đó là điều tôi phải làm. Đấy là sự hàm ơn đặc biệt đối với sự dâng hiến và hy sinh của thế hệ cha anh.