Mong “hệ sinh thái” từ nghị định văn học

Sau nhiều năm, việc “săn sóc” các hoạt động văn chương còn ở mức chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của ngành quản lý về văn hóa, văn nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học trên cổng thông tin bvhttdl.gov.vn. Thời Nay xin chia sẻ một số đóng góp với dự thảo này.
0:00 / 0:00
0:00
Công chúng mong đón nhận các tác phẩm văn học phản ánh toàn diện và đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Ảnh: MINH Lê
Công chúng mong đón nhận các tác phẩm văn học phản ánh toàn diện và đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Ảnh: MINH Lê

Phóng viên (PV): Các tác giả đánh giá thế nào về việc ngành văn hóa xây dựng văn bản pháp luật riêng về lĩnh vực văn học?

Mong “hệ sinh thái” từ nghị định văn học ảnh 1

Nhà văn Vũ Thanh Lịch (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình): Việc Bộ tham mưu xây dựng dự thảo trình Chính phủ là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý thực thi các chính sách hỗ trợ sáng tác, xuất bản và phát hành, bảo vệ tác quyền, giúp các nhà văn yên tâm sáng tác và thụ hưởng xứng đáng những thành quả của mình. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sáng tác cũng như khả năng tiếp cận độc giả của các tác giả và tác phẩm.

Mong “hệ sinh thái” từ nghị định văn học ảnh 2

Nhà thơ Đoàn Văn Mật (Trưởng ban thơ, tạp chí Văn nghệ quân đội): Với 7 chương, 33 điều, dự thảo đã phác họa một “hệ sinh thái văn học” khá hoàn chỉnh, khoa học. Đây có thể xem là một bước chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo”, mở ra những cơ chế giúp văn học phát triển chuyên nghiệp và hội nhập.

Lâu nay, hoạt động văn học phần lớn vận hành theo mô hình khá tự do, mà chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước hay xã hội. Người viết chủ yếu tự thân vận động trong một thị trường xuất bản nhiều thách thức, chịu áp lực thương mại vừa đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Dự thảo nếu được hiện thực hóa, sẽ mở ra một bước tiến mới cho văn học.

Mong “hệ sinh thái” từ nghị định văn học ảnh 3

TS Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử - Trường đại học Khoa học, Đại học Huế): Với dự thảo này, tôi hy vọng sẽ có những chính sách rõ ràng và hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ sáng tác, tổ chức các cuộc thi, trại viết, cũng như quảng bá, đặc biệt là giới thiệu ra quốc tế, giúp các tác phẩm của chúng tôi có thể tiếp cận độc giả rộng rãi hơn… Và như thế, văn học Việt sẽ có sự phát triển tương xứng, tạo ra giá trị mới, thành quả mới trên một nền tảng vững và được đón nhận rộng rãi.

PV: Có thể thấy dự thảo nghị định đã đề cập đến hầu hết các hoạt động trọng tâm của văn học, đã nêu lên vai trò của Bộ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội nghề nghiệp, chính quyền địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ, kiến tạo các hoạt động văn học. Các tác giả muốn đóng góp gì thêm cho dự thảo này?

Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Cần triển khai những vấn đề cụ thể hơn nữa như xây dựng các quỹ đầu tư cho tài năng văn chương, giúp phát hiện và bồi dưỡng những tác giả tiềm năng ngay từ đầu, thay vì chờ đợi họ tự vươn lên trong khó khăn, tự khẳng định mình rồi mới được công nhận, được đầu tư... Hay như hệ thống đánh giá văn học, đặc biệt là giải thưởng, cần phải công khai, minh bạch hơn và nên có hệ thống đánh giá theo tiêu chí đa chiều, kết hợp cả hội đồng chuyên môn và bình chọn từ công chúng nhằm tránh sự chủ quan của một nhóm, một hội đồng chuyên môn. Hoặc cần có quy định hỗ trợ xuất bản số, sách nói, văn học tương tác… thay vì chỉ dừng lại ở hỗ trợ in ấn truyền thống.

Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Dự thảo có quy định chi tiết về chủ đề, đề tài viết, sáng tác tác phẩm văn học tại khoản 2, điều 9, cho thấy mong muốn chúng ta sẽ có các tác phẩm văn học phản ánh toàn diện và đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi tự hỏi có nhất thiết phải kể chi tiết từng chủ đề, từng đề tài như thế không khi cuộc sống hiện tại cũng như cuộc sống trong trí tưởng tượng của các nhà văn vô cùng phong phú, sinh động, và việc quy định chi tiết như ra đề bài cho người sáng tạo có cần thiết không!

Tất nhiên điều này cũng sẽ tác động đến các điều khoản ở phần tiếp theo là quy định về quy trình, tiêu chuẩn tuyển chọn, hỗ trợ các tác phẩm văn học. Có lẽ đây vẫn là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước khi lựa chọn tác phẩm xứng đáng để tôn vinh hay hỗ trợ, quảng bá.

TS Lê Vũ Trường Giang: Từ quan sát và trải nghiệm của bản thân, tôi có một số ý kiến như sau. Thứ nhất, mong dự thảo có độ mở hơn trong việc chọn đề tài của các tác giả để chúng tôi có thể tự do khai thác những đề tài đa dạng và phong phú mà không bị bó hẹp vào một khuôn khổ nào đó. Nhất là những vấn đề liên quan đến xã hội hiện đại như con người và sự phát triển công nghệ, cuộc sống đô thị, vấn đề toàn cầu hóa, hay những câu chuyện về các thế hệ trẻ, gia đình, tình yêu và sự thay đổi trong đời sống tinh thần của con người.

Thứ hai, đầu tư vào các trại sáng tác và cuộc thi viết là rất khả quan, nhưng tôi nghĩ cũng cần phải chú trọng đến chất lượng của các hội đồng chuyên môn cũng như tính công bằng trong việc lựa chọn tác phẩm. Cần có cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm rằng những tác phẩm đáng giá nhất sẽ được hỗ trợ và không có sự thiên vị trong việc chọn lựa.

Thứ ba, việc dịch thuật và quảng bá văn học ra quốc tế cần được thực hiện một cách có hệ thống và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tổ chức quốc tế và các đại sứ quán. Cũng cần xây dựng các chương trình giao lưu văn hóa, giúp tác giả Việt Nam tiếp cận với cộng đồng văn học quốc tế và góp phần giới thiệu các giá trị văn học Việt Nam ra thế giới.

PV: Trong tương lai, ngoài nghị định có thể được ban hành, cần phải có sự triển khai cụ thể, sát thực và sáng tạo ở các địa phương, địa bàn. Theo các anh, chị, khi đó, các địa phương, hội nghề nghiệp cần áp dụng nghị định ra sao?

TS Lê Vũ Trường Giang: Các địa phương và hội nghề nghiệp cần có kế hoạch và cách thức triển khai sáng tạo, phù hợp đặc điểm và nhu cầu của từng vùng miền. Điều quan trọng là bảo đảm đồng bộ giữa các chính sách của Nhà nước và khả năng thực hiện ở cơ sở. Các địa phương cần nhắm đến các nhóm đối tượng như các tác giả trẻ, các nhà văn, nhà thơ gạo cội, hoặc những tác giả mới, triển vọng nhưng chưa có cơ hội phát huy. Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là các tác giả trẻ, những người thiếu điều kiện để phát triển… Và nếu được, có thể hỗ trợ các tác giả trẻ tham gia vào các hoạt động văn học quốc tế như các hội thảo, trại sáng tác quốc tế, hoặc các cuộc thi viết ở nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn và kết nối với cộng đồng văn học quốc tế.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Việc triển khai nghị định không nên chỉ là công tác hành chính, mà phải biến thành một làn sóng đổi mới sáng tạo thật sự. Trước khi nghị định được thực hiện thì phải hiểu và quan tâm đến “bản sắc văn học” riêng ở các địa phương, tránh tình trạng rập khuôn, áp đặt một cách chung nhất.

Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Đây sẽ là công cụ hữu ích giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động hỗ trợ sáng tạo như hỗ trợ tài chính và cơ chế tài trợ nhằm khuyến khích, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng sáng tác văn học; hỗ trợ xuất bản, quảng bá văn học đến độc giả; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo sự liên kết chặt chẽ, đa chiều giữa nhà văn, tác phẩm, độc giả. Đồng thời có thể lồng ghép văn học vào các chương trình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương như phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo…

PV: Chúng ta vẫn thường đề cao những nỗ lực sáng tạo của cá nhân nhà văn, nhà thơ. Nhưng việc hiểu về các quy định pháp luật liên quan có thể giúp ích hơn cho người viết một cách thiết thực. Các tác giả có gợi ý gì với các đồng nghiệp khác về vấn đề này?

Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Việc am hiểu pháp luật không chỉ giúp chúng ta bảo vệ quyền lợi mà còn chủ động trong việc phát triển sự nghiệp, quảng bá tác phẩm một cách chuyên nghiệp và bền vững. Theo tôi, các tác giả nên lưu tâm đến các chính sách khuyến khích sáng tác, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân; hiểu và thực thi các quy định về truyền thông và xuất bản cũng như chủ động và nắm chắc các quy định khi làm việc trên các nền tảng số để tránh những rắc rối không đáng có.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Tôi nghĩ rằng, các nhà văn cần trang bị kiến thức về bản quyền, hợp đồng xuất bản, quyền phái sinh để nuôi dưỡng và bảo vệ tốt hơn những “đứa con tinh thần” của mình. Nhà văn hãy biến tác phẩm của mình thành tài sản lâu dài, thay vì chỉ là một sản phẩm tiêu thụ ngắn hạn.

TS Lê Vũ Trường Giang: Tôi hy vọng các tác giả sẽ chủ động tìm hiểu về các vấn đề pháp lý, tận dụng các chương trình hỗ trợ sáng tác từ Nhà nước và các hội nghề nghiệp. Điều này sẽ giúp các tác phẩm được bảo vệ, quảng bá hiệu quả và giúp các nhà văn phát triển sự nghiệp bền vững, gặt hái nhiều thành quả văn chương giá trị, có đóng góp lớn cho văn học nước nhà.

PV: Xin cảm ơn các nhà văn, nhà thơ!