Nghịch lý tuyển dụng

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đi xin việc làm, chỉ có 56% số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành nghề được đào tạo, trong khi doanh nghiệp thì vẫn khó tìm đúng, tìm đủ nhân lực theo vị trí công việc phù hợp. Điều này dẫn đến sự lãng phí nhân lực không hề nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên học nghề kỹ thuật khi ra trường đều có cơ hội việc làm tốt.
Sinh viên học nghề kỹ thuật khi ra trường đều có cơ hội việc làm tốt.

Coi nhẹ định hướng ngành nghề

Chị N.T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học lớp 12 Trường THPT Yên Hòa, khi được hỏi về chọn ngành nghề cho con sau khi tham gia kỳ thi THPT năm 2023, vẫn còn lúng túng: “Có lẽ phụ thuộc vào sức học của cháu thôi. Sức học của cháu thi được trường nào, đỗ được đại học là mừng rồi. Còn việc làm sau này khoan khoan hãy tính”. Tâm lý còn coi nhẹ việc chọn nghề như của chị H. là khá phổ biến trong các bậc phụ huynh hiện nay. Câu hỏi: “Liệu ngành nghề đó có hợp với con em mình hay không? Hay các em học xong có làm đúng ngành nghề đã được học, đào tạo hay không?” lại không được mấy các bậc phụ huynh quan tâm.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, khi đi xin việc làm chỉ có 56% sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành nghề được đào tạo. Con số này chắc hẳn sẽ khiến cho nhiều phụ huynh và các thí sinh vừa hoàn thành kỳ tuyển sinh năm nay đắn đo, suy nghĩ. Số còn lại có vị trí việc làm chỉ liên quan đến ngành đào tạo là 25%, thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo là 19%. Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II/2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5%; trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...

Một tín hiệu vui là trong bối cảnh dịch bệnh, các em tốt nghiệp, ra trường và tìm được việc đã là rất thuận lợi rồi, chưa cần phải là đúng ngành, đúng nghề. Kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hai năm dịch Covid-19, khoảng 70% số sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, cơ hội việc làm lại chỉ đến với một số ngành nghề nhất định. Tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm cao hơn 85% là các ngành: Dịch vụ vận tải, nghệ thuật, thú y. Mức khá: Kiến trúc và xây dựng; sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản; thống kê, kế toán, sức khỏe. Mức trung bình là: Khoa học giáo dục và đào tạo, giáo viên, nhân văn, công nghệ kỹ thuật, máy tính và công nghệ thông tin. Mức thấp: Dịch vụ xã hội, môi trường, pháp luật, kinh doanh và quản lý, khoa học xã hội.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực miền bắc Navigos Search (tuyển dụng nhân sự Việt Nam) chia sẻ: “Chúng tôi đã làm một khảo sát với các bạn sinh viên mới ra trường để tìm hiểu về cơ hội tìm được những công việc phù hợp, đúng chuyên ngành đã học hay không, thì một thực tế phản ánh là hầu hết sinh viên học các khối ngành về kỹ thuật có khả năng tìm được công việc sớm cũng như công việc liên quan đến đúng ngành nghề đã được học, kể cả tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học. Còn những bạn học theo xu hướng cộng đồng, như các ngành kinh tế, xã hội thì khả năng tìm được đúng chuyên ngành của mình là không cao”. Bà Lan cũng lý giải: “Chúng ta đều biết, những chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật, nhu cầu của thị trường luôn thiếu vì chúng ta đang trên con đường CNH, HĐH nên thu hút được rất nhiều nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nhu cầu của thị trường đối với người lao động liên quan những mảng về kỹ thuật rất cao và những bạn được học liên quan đến ngành nghề này, phần lớn, phần nhiều đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng nên khi các bạn ra trường, các bạn đã có thể làm đúng được công việc mà nhà tuyển dụng yêu cầu rồi!”.

Thiếu lao động nghề

Hiện nay, ở một số ngành nghề phổ thông như điện, điện tử, kỹ thuật, may mặc, da giày... mặc dù số lượng đơn hàng sụt giảm nhưng các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp vẫn thiếu cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật. Hầu hết các nhà máy đều đăng biển tuyển dụng lao động và để phòng trường hợp thiếu lao động vào dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp còn tuyển nhiều hơn số lượng cần thiết. Đơn cử, một công ty ở Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cần 300 lao động phổ thông và 100 lao động kỹ thuật nhưng đã trưng biển đến cả mấy tháng nay mà vẫn chưa tuyển đủ. Một cán bộ tuyển dụng cho biết: “Tuyển dụng lao động kỹ thuật sẽ khắt khe hơn vì yêu cầu các bạn phải có bằng cấp thì mới vận hành được máy móc”.

Tại Bắc Ninh, nhiều năm nay tình trạng thiếu lao động kỹ thuật diễn ra liên tục mà chưa tìm được nguồn bù đắp. Ước tính cả tỉnh cần hơn 10 nghìn lao động kỹ thuật ở các ngành. Trong 5 năm qua, số lao động kỹ thuật hầu như không tăng trong khi các nhà máy mở ra ngày càng nhiều. Sự mất cân đối giữa tỷ lệ học đại học và học nghề dẫn tới sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều gây lãng phí, trong khi sản xuất không phát triển được vì thiếu người làm việc trực tiếp trong các nhà máy.

Do thiếu lao động nghề trầm trọng nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia, thúc đẩy quá trình đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phục hồi sản xuất cũng như chủ động liên kết với các trường để đào tạo lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp của mình. Giờ đây, doanh nghiệp trở thành một trường nghề thứ hai cho các thợ trẻ. Việc đào tạo được gắn chặt chẽ với nhu cầu tuyển dụng, phục vụ hoạt động sản xuất, cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại chính doanh nghiệp.

Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường thất nghiệp hay khó tìm được việc làm tốt. Nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành “quả bom hẹn giờ” tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đang là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội.

Hiện nay, có rất nhiều hướng học tập, phát triển nghề nghiệp và cơ hội việc làm. Thay vì nghĩ rằng con tôi học trường này, khoa này… thì các phụ huynh hãy cùng định hướng ngành nghề nào, lựa chọn nào phù hợp với con em mình trong tương lai. Tránh tình trạng học bốn năm đại học mà sau khi tốt nghiệp muốn có việc làm thì phải chấp nhận công việc trái với nghề được đào tạo, thậm chí là đi làm những công việc chẳng cần đến bốn năm ngồi giảng đường. Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò của các cơ sở giáo dục đào tạo, trường học, cơ quan liên quan trong việc hướng nghiệp, phân luồng, cung cấp thông tin thị trường lao động, nghề nghiệp để các em có các quyết định phù hợp trong quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Mới đây, tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XV, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: “Lãng phí nguồn nhân lực là lãng phí lớn nhất”. Theo ông, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp. Để bảo đảm sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị:

Thứ nhất, khẩn trương ban hành chiến lược phát triển nhân lực và chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Xây dựng chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Thứ ba, cùng với các chiến lược và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.