Nghề xưa, người cũ mùa Trung thu

Từ bao giờ, làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực) đã nổi tiếng với nghề làm đồ chơi cho trẻ em mỗi dịp Trung thu. Nơi ấy từng một thời là “thủ phủ” của đèn ông sao, tò he, trống bỏi trong và ngoài tỉnh Nam Định…
Ông Trần Đức Hưởng với những chiếc trống bỏi.
Ông Trần Đức Hưởng với những chiếc trống bỏi.

Tò he còn trong ký ức

Báo Đáp - tên xưa của làng, giờ không còn trên bản đồ hành chính. Nhưng thay vì gọi thôn Nam Quang 1, Nam Quang 2, người làng và ở khắp nơi vẫn quen gọi thân thuộc là Báo Đáp. Xa xưa hơn nữa, đây là làng Hóp. Thời vua Lê - chúa Trịnh, người làng có công đóng góp dưới ngọn cờ “phò Lê diệt Trịnh”, nên đến năm Quý Mùi 1763, Vua Lê Hiển Tông xuống chiếu đặt tên cho làng Hóp là Báo Đáp, với ý nghĩa biết ơn công lao của dân làng.

Vài tuần trước Trung thu, Báo Đáp đã nhộn nhịp không khí làng nghề. Khách xa đến đây, sau khi trầm trồ trước khung cảnh đẹp như tranh của ngôi đền thánh, sẽ cảm nhận được sự rộn rã, khẩn trương trong nhịp sản xuất từ các hộ dân hai bên con đường tỏa vào các xóm. Đó là tiếng ới gọi nhau; là chiếc xe lôi chở hàng lướt qua và lấp lánh những hoa, những đèn trong từng căn nhà nhỏ.

Nhìn những chiếc máy ép, sấy và nhiều túi lớn đựng hoa giấy, hoa vải trong sân, chúng tôi không hình dung được đó lại là nhà của ông Hoàng Văn Quang, nghệ nhân nặn tò he nổi tiếng của làng. Nhưng đã nhiều năm nay, ông không còn làm tò he để bán nữa. “Đến tôi thì nhà cũng phải có đến 3-4 đời nặn tò he. Từ bé tí, tôi đã theo bố đi khắp các lễ hội ở miền bắc. Lớn lên, tôi là người con duy nhất trong nhà nối nghiệp cha. Lóc cóc trên chiếc xe máy, tôi đến hội, công viên, cổng trường trên các thành phố để bán cho trẻ em. Gần thì sáng đi tối về, xa thì xin người dân cho ngủ nhờ, ngủ trọ, cứ lang thang vậy…”, ông Quang hồi tưởng. Ông gọi tò he là “con bánh” vì xưa, nó không chỉ là món đồ chơi con trẻ, mà chơi chán là… ăn được luôn. “Con bánh” làm bằng bột nếp, khi tạo hình sẽ được trộn mầu từ thiên nhiên. Chẳng hạn, mầu đỏ lấy từ gấc, mầu xanh lá từ lá cây. Lá, quả giã ra, lấy nước trộn vào bột nếp, thế là ra một con tò he đủ sắc mầu.

Người nghệ nhân 50 tuổi cười bảo: Các cụ xưa nặn tò he là để “xem trăng”, chơi rằm Trung thu. Tò he xưa hay được gắn một cái còi nhỏ, thổi toe toe. Người nặn tò he không chỉ tạo hình, tạo mầu, mà còn là người kể chuyện, có thế mới thu hút được con trẻ. Thí dụ nặn Tôn Ngộ Không, người nặn kể những tích về Tề Thiên Đại Thánh, chung quanh là đám nhóc quây tròn lại, mắt, miệng mở to, háo hức vừa nghe vừa xem, chờ đến lúc con tò he thành hình. Xưa, niềm vui thơ bé chỉ giản đơn vậy.

Nhưng xã hội phát triển nhanh quá, sau này nghề tò he mai một dần. Đến khi là người cuối cùng trong làng còn gắn bó với “con bánh”, ông Quang cũng cố bám trụ, nhưng không nổi. Ông thở dài, bộc bạch: “Tôi đi bán hàng như đi câu, trông vào lễ hội và dịp Trung thu. Ngày thường thì hôm bán được, hôm không. Mỗi con tò he chỉ dăm nghìn, sau lên 10 nghìn đồng cũng chẳng đủ lo cho gia đình còn vợ, còn con. Rồi tôi cũng phải bỏ, xoay qua làm hoa giấy, hoa lụa để trang trải chi phí. Tiếc thì tiếc thật, nhưng đâu còn cách nào…”.

Nhiều năm nay, ông không còn đi bán tò he, kể cả những dịp lễ hội hay Trung thu. Lâu lâu, dịp xuân, ông được Bảo tàng tỉnh Nam Định mời lên trình diễn thao tác nặn tò he cho các cháu học sinh. Vậy cũng đỡ nhớ nghề…

Những người làm trống bỏi cuối cùng

Báo Đáp là làng Công giáo toàn tòng, người dân chăm chỉ, nhã nhặn, năng động. Từ thế kỷ 19, khi nghề buôn bán phát triển ở nơi này, nhiều gia đình đã bắt đầu nghề làm hoa giấy. Theo nhu cầu thị trường, làng nghề sau đó chuyển sang làm hoa bằng các vật liệu đa dạng hơn như hoa nhựa, hoa vải, hoa lụa. Đó mới là công việc thường xuyên, quanh năm của người dân. Nghề tò he, trống bỏi, hay đèn ông sao, đèn lồng sau này chỉ là “tăng gia” theo mùa vụ.

Trong sân ngôi nhà một tầng đơn sơ của vợ chồng ông Trần Đức Hưởng - bà Nguyễn Thị Nhị chẳng có túi hoa nào, thay vào đó là 2 cái nia lớn đầy những vòng tròn nhỏ bằng đất sét. Đó là thân trống bỏi. Tại làng Báo Đáp, ông Hưởng, bà Nhị là gia đình làm trống bỏi duy nhất, cuối cùng.

Ngay trên nền gạch hoa, vợ chồng ông Hưởng cặm cụi làm trống bỏi, thi thoảng dí dủm đôi câu chuyện tuổi già. Cầm lên chiếc trống bé bằng 2 ngón tay, mặt dán giấy có hình ngôi sao, chúng tôi thích thú khi được nghe tiếng “tách tách” vui tai mỗi khi cán nhựa được xoay qua, xoay lại.

Việc sản xuất được “chuyên môn hóa”. Bà Nhị có nhiệm vụ tạo khuôn trống, làm từ đất thịt, lấy từ đồng làng. Bằng các thao tác và dụng cụ thô sơ, bà tạo các vòng tròn đất nhỏ xíu, chính là thân trống. Ông Hưởng tỉ mẩn gá các quai kim loại vào thân trống. Được mỗi “mẻ” vài trăm chiếc đặt đầy nia, thân trống được đem đi phơi nắng cho khô đanh lại. Khi vòng tròn đất chuyển sang mầu trắng, vợ chồng ông sẽ mang vào, dán mặt trống, gắn cán nhựa và buộc dùi trống. Chiếc dùi chỉ là cái que nhỏ xíu, dài chừng 3 cm, đập tanh tách vào mặt trống bằng giấy.

Ông Hưởng biết làm trống bỏi từ khi mới lên 7, đến nay đã hơn 50 năm. Cả cuộc đời ông làm công việc này. Từ trước Trung thu vài ba tháng, ông bà đã bắt tay vào làm trống để kịp “đơn hàng” các nơi, chủ yếu là phố Hàng Mã (Hà Nội). Mỗi chiếc trống giá 5.000 đồng, mỗi mùa Trung thu nhà ông làm khoảng 30-40 nghìn chiếc. 5 người con đều đã ổn định gia đình, cùng ở trong làng Báo Đáp, nhưng không ai theo nghề cha mẹ vì “làm hoa giấy, hoa vải kinh tế tốt hơn”. Còn mỗi 2 ông bà, tuổi đã cao không “đua” được với nghề làm hoa, cứ túc tắc làm trống bỏi.

Ông cười: Trống bỏi là trò chơi con trẻ ngày xưa, chẳng có bí quyết gì cao siêu. Mấu chốt là phải dán mặt trống cho kín để tiếng kêu vang, đanh, nếu hở thì khi que dùi va vào, trống sẽ kêu “bộp bộp”. Mọi công đoạn đều được làm thủ công hoàn toàn, chỉ trừ phần cán nhựa được đặt riêng.

Ngay cả trước Trung thu, trong làng Báo Đáp cũng không nhiều nhà làm đèn ông sao. Họ chủ yếu chỉ làm hoa giấy, hoa vải. Anh Nguyễn Văn Nhất chia sẻ: Đèn ông sao bây giờ cũng không “chạy” nữa. Xã hội hiện đại nhanh quá, đồ chơi Trung thu ngoại nhập lại ngập tràn, giờ chúng tôi chỉ làm theo đơn đặt, mỗi vụ tầm 10 nghìn chiếc. Nếu không có đơn, mọi người chỉ trông vào nghề làm hoa trang trí cho các sự kiện, đám cưới, đám hỏi.

Trong tâm tưởng các thế hệ cũ, Trung thu xưa là dịp Tết, đám trẻ háo hức ngóng chờ đêm trăng tròn để múa sư tử, phá cỗ, chơi tò he, trống bỏi, đèn ông sao, đèn kéo quân… Nay, trong thời thiết bị công nghệ “lên ngôi”, những nét xưa dần mai một, không chỉ ở thành thị mà ở cả nông thôn. Trẻ con giờ chẳng nao nức chờ đêm rằm như trước. Người lớn cũng loanh quanh với chuyện mua bánh thắp hương, đi biếu là qua dịp.

Những tất yếu của quá trình phát triển không ai có thể tránh khỏi hoặc thay đổi. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều trăn trở về không gian quá khứ. Tò he, trống bỏi dần trôi vào ký ức. Đến mai này, liệu còn ai nhớ về chúng trong đêm trăng rằm tháng 8?

Hỏi chuyện nghề mai một, ông Hưởng trầm ngâm: “Trước kia, trong làng nhiều nhà làm trống bỏi lắm. Nhưng thời cuộc nó thế nào thì phải theo thế vậy. Mai này vợ chồng tôi già yếu, chắc cũng không còn ai làm, nghề sẽ mất hẳn đi…”.