Kỳ 1: Vận hội quốc gia và trung tâm tài chính
Được khởi động từ 1979 nhưng tới năm 2009, tròn 30 năm, Thâm Quyến mới chính thức được đưa vào danh sách các trung tâm tài chính toàn cầu (The Global Financial Centres Index 6/ GFCI6). Với thị trường khổng lồ là Trung Quốc đại lục phía sau, Hồng Công đứng kế bên “bảo trợ”, liên thông và đối ngẫu, tốc độ phát triển như vậy đã là rất nhanh.
Nhưng bên cạnh các con đường phát triển của Hồng Công, Thâm Quyến, Singapore… còn có những con đường của London, Washington D.C., New York, Bắc Kinh và Thượng Hải, con đường truyền thống của nhân loại sẽ sớm cho chúng ta có được những trung tâm tài chính toàn cầu với vị thế vững vàng.
Cần cách tiếp cận mới
Nói đến Trung tâm tài chính toàn cầu London, New York thấy xa xôi, nhưng Thâm Quyến rất gần về khoảng cách, bối cảnh, thể chế và có thể hiểu được đối với Việt Nam chúng ta.
Vào khoảng năm 1993, chúng ta chứng kiến sự phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc của Thâm Quyến. Sự phát triển “thần kỳ” này không phải tự nhiên mà có. Bí quyết đầu tiên có thể nhắc đến liên quan đến Nghiên cứu và Phát triển (mô hình R&D truyền thống, nay có xu hướng chuyển sang RDI/ Nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo) với phương châm “Nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện nhanh chóng”. Thực tế, tại Thâm Quyến có những dự án nghiên cứu 3 năm, thực hiện 3 tháng, thu lời gấp 3 vốn đầu tư chỉ sau 1 tháng đi vào hoạt động. Làm nhanh mới kiểm soát thời cơ.
Bí quyết thứ hai là phân cấp. Trong quản trị rủi ro thì rủi ro của mô hình tự do/ phi tập trung là Hỗn loạn, rủi ro của mô hình tập trung là Lạc lối. Bí quyết thành công nằm ở nghệ thuật trung đạo, sao cho Tự do mà không Hỗn loạn, Tập trung mà không Lạc lối. Ở giai đoạn đỉnh cao, đây là cải cách cơ bản và thành công nhất của Trung Quốc.
Bí quyết thứ ba là bí quyết Đối ngẫu với 3 hợp phần. Hợp phần thứ nhất là đối ngẫu vi hành (bất đối xứng), hợp phần thứ hai là đối ngẫu thực hành (truyền thừa mô hình, chuyển giao công nghệ), hợp phần thứ ba là đối ngẫu song hành (chia sẻ, bình đẳng, cộng sinh cùng phát triển). Tương thích với 3 giai đoạn phát triển.
Hiện nay, Hồng Công và Thâm Quyến luôn duy trì thứ hạng cao, nằm trong tốp 10 trong bảng xếp hạng theo Chỉ số GFCI.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên là một công việc đòi hỏi những nỗ lực lớn và quyết tâm cao. Có rất nhiều việc phải làm, hệ thống hạ tầng cần được hoàn thiện, trong đó hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội và hạ tầng kinh tế phải được đầu tư phát triển đồng bộ và tương xứng. Trong hạ tầng kinh tế, hạ tầng tài chính, ngân hàng đóng vai trò chủ chốt, là yếu tố cốt lõi duy trì sức sống của nền kinh tế. Định hướng chiến lược về tập trung xây dựng, hình thành trung tâm tài chính quốc gia và quốc tế với thứ hạng cao toàn cầu là chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. Nhưng làm gì, ở đâu, bao nhiêu, như thế nào là những câu hỏi phải có lời giải, hơn thế, phải là lời giải tối ưu về thời gian và tầm vóc tương ứng.
Bài học từ những mô hình thành công trên thế giới và thực tiễn phát triển của TP Hồ Chí Minh trong hơn 20 năm qua đã chỉ ra rằng: Đ ể hiện thực hóa tầm nhìn 2045, Việt Nam cần một cách tiếp cận mới trong việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế, lấy sức mạnh kết nối và khả năng tạo lập mạng lưới đa chiều làm nền tảng phát triển bền vững.
Những mong ước chưa trọn vẹn
Từ năm 2002, Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực (ASEAN). Nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16/BCT về TP năm 2012. Thủ Thiêm luôn được chọn làm địa điểm để phát triển trung tâm này.
Sau 22 năm nhận trách nhiệm Trung tâm tài chính, TP Hồ Chí Minh vẫn đang còn trong quá trình “khởi động”. Vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng suy giảm xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước (thí dụ tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội, 34%).
Đô thị TP Hồ Chí Minh càng lúc càng đối diện với khó khăn nội tại như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm ngày càng nặng, chưa tính tới các nguy cơ từ biến đổi khí hậu, cùng với đó là thế hệ các khu vực phát triển động lực trước đây (chủ yếu là các khu vực công nghiệp, chế xuất thế hệ cũ) đã lạc hậu, mất dần sức hấp dẫn và tốc độ tăng trưởng đã suy giảm và chậm lại. Trong chín tháng đầu năm 2024, tỷ trọng tổng thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh trên cả nước đã thấp hơn Hà Nội (25,6% so với 26,1%).
Nếu nói một cách ngắn gọn, TP Hồ Chí Minh đang không có được động lực và đà phát triển tốt. Theo lý thuyết thông thường, để quay lại vị thế cũ cần một chu kỳ ít nhất 15-20 năm. Trong khi thời hạn tầm nhìn 2045 của Việt Nam cũng chỉ còn 20 năm nữa. Việc tái phát triển sẽ rất khó khăn, cần thêm nhiều bí quyết và trợ lực đến từ bên ngoài.
Thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam hướng đến việc tái định vị Việt Nam như một cửa ngõ cho các nhà đầu tư toàn cầu trong thị trường khu vực ASEAN và cạnh tranh được với Singapore và Hồng Công (Trung Quốc). Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có các yếu tố cạnh tranh khác biệt cũng như thiết lập được một khung khổ pháp lý cho phép TTTC Việt Nam có câu trả lời rõ ràng với các nhà đầu tư quốc tế, rằng “Tại sao lại lựa chọn Việt Nam để đầu tư, tại sao phải đưa dòng tiền vào Việt Nam?”.
Cùng thời gian TP Hồ Chí Minh hụt hơi, Phố Đông Thượng Hải đã vươn lên trở thành một thế lực kinh tế mới với TTTC luôn ở trong tốp 20 của thế giới, có sự đồng pha với vị thế của quốc gia. Trung Quốc đã vươn lên thứ 2 thế giới về quy mô nền kinh tế. Trong khi vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng lặng lẽ vươn lên cùng với xu hướng công nghệ thế hệ mới thì vùng Đông Nam Bộ không theo kịp xu hướng do mất động lực thúc đẩy tăng trưởng từ đầu tàu là TP Hồ Chí Minh.
TTTC giống dòng chảy, nơi nào được khơi thông, nơi đó thu hút được nguồn nước dồi dào; nơi nào ách tắc, bế khí nơi đó bị tránh xa. Các TTTC đóng vai trò là các đầu mối (hub) liên kết cho các dòng chảy tài chính đi qua. Không phải cạnh tranh trực tiếp, xây dựng lòng tin, sức mạnh kết nối, sự liên kết hoạt động mới quyết định vị thế và thứ hạng của các trung tâm tài chính toàn cầu.
Vì vậy, cần phải nói ngược lại. Hồng Công - Thâm Quyến, London - Singapore là đối ngẫu/truyền thừa phát triển, không phải đối thủ cạnh tranh.
(Còn nữa)