Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 6.000 nhà đầu tư 6 lô trái phiếu “tai tiếng” của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nhận lại được hết số tiền gốc. Tuy nhiên, bên cạnh những người thấy nhẹ nhõm khi lấy lại được phần vốn gốc, thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng chưa thỏa đáng với những gì họ đã trải qua.
Nhận lại được tiền nhưng... chưa vui
Là một trong những nhà đầu tư cuối cùng được hoàn trả tiền đầu tư vào trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chị Quản Minh Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vẫn không quên được những ngày tháng “ngồi trên đống lửa” khi các lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố, cùng quá trình phải đi “gõ cửa” khắp nơi vì lo sợ mất tài sản.
Cũng theo chị Trang, dù đã nhận lại được toàn bộ số tiền gốc nhưng đối với nhiều nhà đầu tư, thiệt hại không chỉ dừng ở tiền lãi mà còn ở áp lực tinh thần khi phải chờ đợi kéo dài, làm đơn kiện, hoặc đối mặt với những bất đồng trong gia đình liên quan đến việc đầu tư. Thậm chí, có những nhà đầu tư vừa mới ký hợp đồng, chưa được nhận lãi thì lãnh đạo tập đoàn đã bị bắt.
“Nếu chỉ trả gốc thì vẫn là tiền của các nhà đầu tư, khắc phục hậu quả chỉ thực chất khi trách nhiệm bồi thường không chỉ với tiền gốc mà cả thiệt hại về tinh thần và giá trị trượt giá”, chị Quản Minh Trang cho biết.
Tương tự, chị Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân khi đầu tư 2 tỷ đồng vào các lô trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành năm 2021 với các kỳ hạn khác nhau. Trong số này, có một hợp đồng còn chưa kịp nhận lãi, không biết bao nhiêu ngày tháng chị cùng các nhà đầu tư đi kêu cứu, xuống đường căng băng-rôn đòi quyền lợi. “Chỉ khi được chi trả đầy đủ những tổn thất trong 3 năm qua mới thật sự gọi là khắc phục hậu quả”.
Cũng là một trong những vụ việc nổi cộm liên quan đến phát hành trái phiếu, vụ án Vạn Thịnh Phát đang trong quá trình tập trung xử lý tài sản, rà soát thông tin từ các nhà đầu tư để bảo đảm minh bạch và công bằng trong quá trình thi hành án. Nhiều nhà đầu tư của Vạn Thịnh Phát cũng cho biết, đã nhận được thông báo hướng dẫn về việc tra cứu quyền lợi và bồi thường.
Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy có trường hợp tiền gốc được hoàn trả thậm chí còn bị giảm so với giá trị ban đầu. Nhiều nhà đầu tư trái phiếu cho biết, trước khi diễn ra các phiên xét xử, thời gian bà Trương Mỹ Lan bị tạm giam bao nhiêu lâu thì tương ứng với từng đó thời gian họ sống trong lo lắng về quyền lợi của mình, không biết tiền có lấy lại được không.
“Cả tỷ bạc gom góp cả đời viên chức để dưỡng già khi nghỉ hưu, đồng tiền mồ hôi, sức lao động chứ không phải trên trời rơi xuống mà không biết có được nhận lại không, suốt 2 năm qua tôi “mất ăn, mất ngủ” chờ đợi đến ngày được nhận phán quyết của tòa”, bà Thục Anh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết.
Thậm chí, quá sốt ruột về quyền lợi của mình, trên một số diễn đàn về trái phiếu, nhiều nhà đầu tư còn rủ nhau tới cổng tòa án để “ngóng” bởi tại Thông báo thụ lý vụ án đưa ra xét xử, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã công bố việc tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, thay vì được tham dự, được lên tiếng tại tòa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) chỉ ra thực tế nhiều vụ án lớn có tính chất phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, dẫn đến tình trạng hao mòn tài sản, mất giá trị sử dụng. Đặc biệt, trong các vụ án liên quan đến ngân hàng thương mại, như vụ án Tân Hoàng Minh, khi bị cáo đã khắc phục hơn 8.000 tỷ đồng cho bị hại, đáng lẽ số tiền này có thể trả ngay cho họ, nhưng theo quy định, phải gửi vào kho bạc, gây lãng phí và bức xúc.
Khắc phục hậu quả cần thực chất hơn
Trước đó, tại thời điểm đang xét xử vụ án Tân Hoàng Minh, một số nhà đầu tư trong số 6.630 bị hại của vụ Tân Hoàng Minh cùng với luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, đã đề nghị được trả lãi từ việc mua trái phiếu của tập đoàn. Tương tự, các bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc sẽ được trả cả gốc lẫn lãi tiền họ bị lừa mua trái phiếu không? Tuy nhiên, như những gì đã diễn ra, việc này đã không được xem xét.
Trước thực tế này, có ý kiến cho rằng, những sự việc vừa qua không chỉ là bài học cho các nhà đầu tư về rủi ro thị trường trái phiếu mà còn là sự nhắc nhở về vai trò giám sát, bảo vệ quyền lợi của người dân của các cơ quan chức năng.
Việc hoàn trả vốn gốc chỉ là bước đầu, các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại cần được giải quyết minh bạch và dứt điểm để khôi phục niềm tin thị trường. Bởi lẽ, ngay sau khi xảy ra các sự việc liên quan đến Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, Bộ Tài chính cũng phải thừa nhận những đổ vỡ này đã tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư khiến thị trường chung bị ảnh hưởng.
Hiện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ tài chính lớn do khả năng trả nợ của nhóm bất động sản được các tổ chức phân tích đánh giá ở mức yếu. Theo ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc Khối xếp hạng và nghiên cứu của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), người chịu ảnh hưởng từ thực trạng này không chỉ là trái chủ, mà nhà đầu tư tại các dự án của các chủ đầu tư này cũng là những người gặp nhiều khó khăn, thiệt hại. Tuy nhiên, tác động lớn nhất hiện nay đến thị trường chung vẫn là tâm lý của các nhà đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Huy cho rằng, cần gỡ bỏ rào cản pháp lý với các dự án bất động sản bằng cách ngân hàng giải ngân vốn để tiếp tục triển khai, tạo dòng tiền thông qua bán sản phẩm; hoặc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể áp dụng phương án hoán đổi trái phiếu thành bất động sản.
Bên cạnh đó, cần mở rộng khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm áp lực tín dụng trung và dài hạn cho ngân hàng. Việc đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch và hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản từ cơ quan chức năng cũng là biện pháp cần thiết để giảm thấp nguy cơ chậm trả nợ.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử một số vụ án hình sự, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, trong những năm vừa qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã được phát hiện, xử lý như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…với nhiều tài sản bị tạm giữ và phong tỏa. Tuy nhiên, quá trình xử lý phải chờ hoàn tất thủ tục tố tụng trong một thời gian dài, khiến các vật chứng, tài sản bị đóng băng, gây lãng phí và mất cơ hội kinh doanh.
Do đó, các đại biểu đề xuất, cần có thêm biện pháp trong xử lý vật chứng, tài sản để không bị thất thoát tài sản của Nhà nước, tiền của người dân không bị trôi đi cùng tội phạm.