Thiếu trạm sạc cho xe
Vài năm trở lại đây, thị trường xe điện tại Việt Nam đã phát triển mạnh, nhiều thương hiệu xe điện đã tham gia vào “miếng bánh” này. Điểm danh có thể kể đến như Wuling, BYD, VinFast hay một vài mẫu xe điện của các thương hiệu Hyundai, Honda.
Nhưng nay các doanh nghiệp nước ngoài đang “lắc đầu” kêu khó, bởi hạ tầng của Việt Nam đang hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp xe điện. Mới đây, Wuling đã ra mắt dòng Wuling Bingo với nhiều phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, dòng Bingo đang bị đặt dấu hỏi lớn khi bộ sạc không tích hợp với các đầu sạc hiện tại của Việt Nam. Các trạm sạc nhanh dành riêng cho xe VinFast hay các trạm sạc công cộng khác của bên thứ ba đang đầu tư tại Việt Nam đều dùng tiêu chuẩn đầu sạc CCS2 tương tự thị trường châu Âu. Trong khi đó, cổng sạc nhanh loại GB/T trang bị trên Wuling Bingo chỉ có ở thị trường nội địa Trung Quốc. Dù người dùng của Wuling Bingo có thể mua thêm bộ chuyển đổi, nhưng sẽ là bất tiện. Chưa kể phải sử dụng trạm sạc của bên thứ ba cũng khiến chi phí chi trả cao hơn.
Trước đó, Wuling cũng đã ra mắt thị trường Việt Nam dòng xe Wuling Hongguang MiniEV. Tuy nhiên, việc thiếu hạ tầng trạm sạc đã khiến dòng MiniEV của Wuling thất thế trước các xe điện của VinFast, khi đến nay cũng chỉ có 500 xe dòng MiniEV được bán ra. Còn với VinFast, với việc thành lập Công ty cổ phần Phát triển trạm sạc toàn cầu V-GREEN, hãng này đang muốn chuyên nghiệp hóa trong phát triển hạ tầng trạm sạc. Được biết, công ty này sẽ tiếp tục đẩy mạnh hệ thống trạm sạc với mô hình nhượng quyền cho người dân có nhu cầu hợp tác.
Quan sát cho thấy, người dân đang chủ yếu lựa chọn xe điện VinFast thay vì các hãng khác. Theo số liệu từ VinFast công bố ngày 12/11, trong tháng 10, hãng này đã bàn giao hơn 11 nghìn ô-tô điện các loại cho khách hàng, tăng 21% so tháng trước, nâng tổng số lũy kế từ đầu năm lên hơn 51 nghìn chiếc. VinFast chính thức trở thành thương hiệu ô-tô bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam, vượt qua cả các hãng xe động cơ đốt trong truyền thống như Toyota và Hyundai.
Chính sách có nhưng…
Khó khăn về hạ tầng và hệ thống trạm sạc là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển trạm sạc xe điện. Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh) đã đặt ra yêu cầu về phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện. Nghị định 95 hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở cũng đã tạo hành lang cho việc phát triển trạm sạc ở khu cung cư. Hay Thông tư 09/2024 vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành yêu cầu trang bị trạm sạc cho các trạm dừng nghỉ.
Ngoài ra, thực tế, với khoảng 51 nghìn xe điện VinFast lưu thông, nhưng mới chỉ có khoảng 1.800 trạm sạc được xây dựng, trung bình mỗi trạm sạc đang phải gánh gần 30 xe, con số này cao gấp 3 lần so trung bình thế giới (10 xe/trạm sạc) và 5 lần so Trung Quốc (6 xe/trạm sạc).
Có thể thấy rằng, thị trường trạm sạc xe điện Việt sẽ rất tiềm năng chờ được khai thác thời gian tới. Hiện tại, ngoài V-GREEN của VinFast, thị trường trạm sạc xe điện có sự xuất hiện của các doanh nghiệp khác như nhóm trạm sạc công cộng có thể kể đến EV One, EverCharge. Tiếp đến là nhóm cung cấp sạc tại nhà, công ty thì đông đúc hơn như EverEV, GreenCharge, Star Charge, Autel… Tuy nhiên, khác với phát triển xe điện, cần nền tảng công nghệ và am hiểu cơ khí, phát triển trạm sạc sẽ liên quan nhiều hơn đến yếu tố hoạt động bán lẻ, luật pháp và an ninh năng lượng, nên đây có thể nói là cuộc đua của các doanh nghiệp nội địa. Trong đó, 3 doanh nghiệp có tiềm năng trong lĩnh vực này đang được đề cập đến là VNPT, EVN và Viettel.
Tuy nhiên, đầu tư bài bản hệ thống trạm sạc là bài toán khó. Tận cùng, doanh nghiệp kinh doanh cốt yếu vẫn là bài toán lợi nhuận. VinFast xây dựng hệ thống trạm sạc để tương hỗ với hệ thống phát triển xe điện. Còn các doanh nghiệp khác vẫn đang “dò đường” bởi thị trường xe điện chưa đạt đến quy mô cần bên thứ ba cung cấp, vì chủ yếu xe điện của VinFast sử dụng trạm sạc VinFast. Nghịch lý là, các dòng xe điện khác lại đang chờ các bên thứ ba phát triển hệ thống trạm sạc. Bởi nếu không có trạm sạc thì các hãng chắc chắn sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe.
Theo ông Nghiêm Việt Cường, Giám đốc tiếp thị của CG Charging, thị trường trạm xe điện vẫn đang là bài toán con gà và quả trứng, tức các doanh nghiệp sản xuất xe đang chờ sự phát triển của các đối tác trạm sạc điện nên tốc độ phủ, thời gian triển khai sẽ là từ khóa chính trong thời gian tới.