Ngăn tình trạng “té nước theo mưa” sau tăng giá điện

Giá điện bình quân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng 3%, lên mức 1.920,3732 đồng/kWh kể từ ngày 4/5. Từ đó, giá điện sinh hoạt cũng tăng thêm từ 50-88 đồng mỗi số điện, tùy bậc thang (biểu giá sáu bậc thang). Dù mức tăng không lớn, nhưng những lo ngại về việc “té nước theo mưa” vẫn đáng được lưu tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra đồng hồ đo đếm điện. Ảnh: NGUYỄN MINH
Kiểm tra đồng hồ đo đếm điện. Ảnh: NGUYỄN MINH

Lo chi phí đội lên cao theo giá điện

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% là mức tăng khá thấp, chưa thực hiện được nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất điện khi giá thành điện năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021. Tuy nhiên, ông cho rằng, mức tăng này đã thực hiện được yêu cầu của thường trực Chính phủ là “việc điều chỉnh giá điện phải bảo đảm không giật cục, có lộ trình, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân”.

Vị chuyên gia tính toán, mức tăng giá điện lần này sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%. Nếu xem xét tác động đến giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện thì ngành thép sẽ tăng 0,18%, xi-măng tăng 0,45%, dệt may tăng 0,4%...

Tuy nhiên, mức tăng thực tế có như vậy hay không, cao hay thấp hơn còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, của cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho hay, tác động của việc tăng giá điện lần này không đáng kể. Ông cũng cho biết, mức tăng này chỉ giúp EVN “dễ thở” chứ họ vẫn khó khăn về tài chính.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, dù mức tăng không lớn, nhưng những lo ngại về việc “té nước theo mưa” vẫn đáng được lưu tâm.

Ông Trần Thanh ở xã Xuân Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, bình thường mỗi tháng, gia đình ông phải trả khoảng 600.000 đồng tiền điện, nhưng hai tháng trở lại đây, tiền điện ngốn hơn 1 triệu đồng/tháng khi ông lắp thêm máy bơm nước. Ông lo lắng, chi phí tiền điện của gia đình có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba vào những ngày hè, khi phải sử dụng nhiều máy bơm do nước giếng cạn kiệt.

Cùng chung nỗi băn khoăn chi phí gia tăng, bà Nguyễn Mai Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trung bình một tháng, gia đình bà phải trả 2,5-3 triệu đồng tiền điện, mùa hè dùng nhiều hết khoảng 4 triệu đồng. Mấy ngày qua, bà phải giảm thời gian bật điều hòa để tiết kiệm chi tiêu. Theo bà, năm nay việc kinh doanh buôn bán của gia đình khó khăn, doanh thu giảm gần một nửa, nên việc tiêu dùng điện cũng phải tính toán.

Gia đình bà Trần Thị Nguyệt Nga ở Thạch Thất (Hà Nội) trồng gần một mẫu hoa, tất cả đều sử dụng hệ thống tưới tiêu bằng điện. Việc giá điện tăng sẽ khiến cho gia đình bà rơi vào tình trạng tăng chi phí đầu tư, nhưng không có hiệu quả khi mà giá hoa liên tục “phập phù”. “Thông thường, những tháng nắng nóng, tiền điện sẽ tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp hai lần. Đây là điều người dân lo lắng, bởi đang là mùa khô, lượng điện tiêu thụ nhiều, cộng thêm tăng giá sẽ khiến chi phí của gia đình tăng lên”, bà Nga nói.

Ngăn tình trạng “té nước theo mưa” sau tăng giá điện ảnh 1

Không để việc lợi dụng tăng giá điện nhằm tăng giá các mặt hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cách nào ngăn tình trạng “té nước theo mưa”

Ghi nhận thực tế cho thấy, dù giá điện tăng không đáng kể nhưng giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, do đó, việc tăng giá hàng hóa theo giá điện thời điểm này là “có vấn đề”.

Trao đổi ý kiến với PV, ông Dương Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất két sắt Việt Tiệp và An toàn kho quỹ (Hà Nội) cho biết, việc giá điện tăng 3% trong thời điểm này tác động không đáng kể vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Theo ông Đông, mỗi tháng chi phí tiền điện của công ty hết khoảng 20-25 triệu đồng. Hiện, hàng hóa tiêu thụ chậm, nguyên liệu đầu vào giảm khoảng 20% so với trước, như mặt hàng tôn, sắt năm ngoái nhập 18 triệu đồng/tấn; năm nay nhập 16 triệu đồng/tấn. “Nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, nên việc tăng giá điện 3% không tác động nhiều đến sản xuất cho tới thời điểm này”, ông Đông nói.

Ông Đông cũng nhấn mạnh, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào đang giảm, trong khi, hàng tồn kho rất nhiều khi thị trường tiêu thụ chậm, nên doanh nghiệp chưa tính toán đến giá hàng hóa sản phẩm bán ra và cũng không có kế hoạch tăng giá sản xuất, ông Đông nói và cho biết, dù vậy, doanh nghiệp của ông cũng thực hiện tiết giảm chi phí, sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn.

Tương tự, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Công ty CP Thiết bị điện MBT cho biết, trung bình mỗi tháng chi phí tiền điện của doanh nghiệp hết khoảng 200 triệu đồng. Khi giá điện tăng 3%, doanh nghiệp cũng tính toán lại các chi phí sản xuất, thay thế thiết bị cũ, sản xuất tránh vào khung giờ cao điểm… để tiết giảm chi phí. Ông cũng khẳng định, đơn hàng đang ảm đạm, giá nhiên liệu đầu vào cũng đang ở xu hướng giảm nên không có ý định tăng giá bán sản phẩm, thậm chí ông vẫn tìm cách để tiết giảm chi phí hơn nữa để giảm giá thành sản phẩm.

Về thị trường bán lẻ hàng hóa thiết yếu, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết, hiện nay hệ thống siêu thị BRG phủ sóng khá rộng và lượng tiêu thụ điện năng trong một tháng tương đối lớn. Tuy nhiên, để đánh giá tác động của tăng giá điện tới giá thành sản xuất, kinh doanh thì phải sau một - hai tháng mới có dữ liệu về mức tiêu hao năng lượng.

Song, theo bà Dương, trong bối cảnh chung hiện nay, các siêu thị đều mong muốn tiếp tục kích cầu tiêu dùng, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm. “Vì thế, hệ thống siêu thị BRG sẽ cố gắng tiết giảm và thay thế trang thiết bị để tiết kiệm điện và vận hành hiệu quả nhất hoạt động kinh doanh để giữ giá sản phẩm”, bà Dương cho hay.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, ngoài chính sách bình ổn giá, thì Nhà nước cũng cần nghiêm túc với việc công khai, minh bạch giá. Trước hết, cần yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất, kinh doanh những mặt hàng Nhà nước định giá để tránh việc “giá điện tăng bao nhiêu thì hàng hóa tăng bấy nhiêu”. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.