Ngăn chặn tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tha hóa quyền lực, tham nhũng là mặt trái của quyền lực. Xã hội còn giai cấp, còn Nhà nước, tức là còn quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước thì tất yếu còn tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Nhưng nếu có hệ thống cơ chế, chế tài đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đủ mạnh và khả thi thì sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực sẽ ở mức thấp nhất.
0:00 / 0:00
0:00

Kỳ 3: Vì một nền tảng pháp lý vững chắc

Giải pháp thứ hai được đề xuất là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực phục vụ công tác phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực.

1/Theo đó, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng chi tiết và cụ thể hóa cao hơn nhằm hạn chế đến mức tối đa việc lạm quyền và lợi dụng những kẽ hở có thể lợi dụng, đồng thời phân định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan trong cùng lĩnh vực để hạn chế đến mức tối đa tình trạng một cán bộ cùng lúc có cả chức quyền cao trong Đảng, trong lập pháp và trong hành pháp nhằm giảm bớt khả năng che chắn, né tránh và chi phối chính sách khi một cán bộ nào đó có thể lạm quyền, lộng quyền và khi đó khả năng hình thành hành vi lạm quyền, lộng quyền, cửa quyền, tiếm quyền, thâu tóm, thao túng quyền lực, dẫn đến tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực cũng giảm theo.

Để khắc phục những hạn chế ngay trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thậm chí là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để “tham nhũng” chính sách, cơ chế, thời gian tới cần tập trung lãnh đạo việc xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Trước mắt, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân công rõ ràng, cụ thể hơn quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tăng cường pháp chế để mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định, còn người dân được làm những gì pháp luật không cấm nhằm bảo đảm quản lý xã hội bằng pháp luật và pháp chế một cách hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực nhà nước. Mặt khác, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần phân định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan trong cùng lĩnh vực. Thực tiễn cho thấy, khi xuất hiện các quy định “giáp ranh”, các quy tắc “đa ngả rẽ” thì cũng làm gia tăng tình trạng “cha chung không ai khóc” hoặc khi thấy có lợi thì ai cũng muốn giành phần về phía mình. Để khắc phục tình trạng khó xử lý này, cần phải xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tạo cho cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng nhận biết và hành động đúng các công việc thuộc lĩnh vực cơ quan đảm trách. Từ đó sẽ phát hiện, xử lý tình trạng cố tình “chồng lấn”, lạm quyền, lợi dụng quyền lực của các chủ thể trong hệ thống và giữa các hệ thống cơ quan trong bộ máy nhà nước. Không nên để tồn tại các quy định tạo sự tùy tiện của cơ quan, cán bộ cấp trên, thí dụ như “thấy cần thiết phải lấy lên để giải quyết”, vì đó là loại quy định dễ bị lợi dụng và khó xử lý. Muốn vậy, cần phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là Nhà nước kiến tạo phát triển.

2/Để có Nhà nước kiến tạo phát triển, theo Hồ Chí Minh, trước hết, Nhà nước phải là Nhà nước của nhân dân - nhân dân làm chủ. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và công chức, viên chức nhà nước là những công bộc, những đầy tớ của nhân dân, gánh vác công việc chung, phụng sự nhân dân, có trách nhiệm pháp lý bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”(1). Hai là, trong bộ máy nhà nước, Chính phủ phải trong sạch, liêm khiết, biết làm việc và toàn dân đoàn kết. Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất và khi có quyền lực, nếu không tu dưỡng rèn luyện và được kiểm soát, thường dễ tha hóa. Muốn phòng, chống tha hóa phải xây dựng Chính phủ liêm khiết và quốc gia phải có dân chủ, pháp quyền, đội ngũ cán bộ phải liêm khiết, công tâm, biết làm việc. Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái” và “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”, “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc”(2). Đó là Chính phủ hợp với lòng dân, biết khai thác và phát huy sức sáng tạo của nhân dân vào phát triển đất nước, là Chính phủ công khai, minh bạch có đội ngũ cán bộ nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và không tha hóa quyền lực, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không tham mê quyền lực. Ba là, trong Nhà nước phải có Đảng lãnh đạo và đội ngũ cán bộ biết lãnh đạo. Người đã khẳng định: “tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân”(3). Không có Đảng lãnh đạo thì không thể xây dựng được Nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng lãnh đạo Nhà nước được hiểu là các đảng viên ưu tú của Đảng giữ vai trò tiền phong, gương mẫu về đạo đức, lối sống, về bản lĩnh, trí tuệ để xây dựng các chủ trương, chính sách sát hợp và có phương thức tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả, được lòng dân. Đảng viên giữ vị trí, vai trò lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và xã hội là những người đầy tớ của nhân dân. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước cần phải biết lãnh đạo, quản lý: “muốn cho mọi người làm trọn nhiệm vụ, cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo”(4)... Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiến tạo phát triển có ý nghĩa to lớn đối với việc xây dựng Nhà nước ta hiện nay là thực thi đúng, đầy đủ quyền lực được giao và kiểm soát được quyền lực để thực hiện mong ước của Người: “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(5) và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đã đề ra.

(Còn nữa)

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 6, Tr 397.

2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 4, Tr 478.

3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 12, Tr 375.

4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 7, Tr 190.

5- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1989, Tr 50.