Nâng tầm văn nghệ trong đời sống mới

Khép lại loạt bài “Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật” (từ số 1510 đến 1513), chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến hưởng ứng và đề xuất cụ thể, sinh động từ thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật. Thời gian qua, Quốc hội và ngành văn hóa đang đề ra những định hướng quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, củng cố các điều kiện sáng tạo cho văn nghệ sĩ, phát triển công nghiệp văn hóa, mở đường cho các không gian sáng tạo… Mong rằng, việc xây dựng các bảo tàng nghệ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động các bảo tàng văn học nghệ thuật hiện có sẽ là hướng đi được chú trọng nhằm phục vụ thật tốt cho chiến lược nâng cao vai trò, vị thế, giá trị văn hóa, văn nghệ trên hành trình phát triển đất nước, con người.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có bảo tàng nghệ thuật để vừa trưng bày hiện vật vừa biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng tham quan.
Cần có bảo tàng nghệ thuật để vừa trưng bày hiện vật vừa biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng tham quan.

Chị Nguyễn Tú Hằng - Sáng lập Mạng lưới lưu trú sáng tác Việt Nam (AiRViNe), Managing Partner (đồng sở hữu) của Hanoi Grapevine:

“Tham khảo các bảo tàng nghệ thuật tư nhân thành công”

Thông tin rất đáng chú ý là ngày 10/7 vừa qua, Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (còn được gọi là Bát Tràng Museum), một trong số ít bảo tàng tại Việt Nam được giới thiệu trên nền tảng Google Arts & Culture - Bách khoa toàn thư về văn hóa và nghệ thuật toàn cầu của Google. Bảo tàng này hoạt động rất hiệu quả thời gian, cùng một số bảo tàng, không gian nghệ thuật đương đại khác như Bảo tàng Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) ở Huế, Bảo tàng nghệ thuật Quang San - bảo tàng tư nhân về nghệ thuật đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh…

Việc xây dựng các bảo tàng nghệ thuật có thể sẽ gặp cái khó liên quan đến diện tích đất công. Tuy nhiên cái khó này có thể được tháo gỡ bằng việc nâng cao chất lượng bảo tàng thông qua hoạt động nghiên cứu, xây dựng các bộ sưu tập tốt, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài trong việc trao đổi nghệ thuật.

Các bảo tàng văn học nghệ thuật nói chung nên tham khảo cách làm của những bảo tàng tư nhân trên, hoặc một bảo tàng không có chữ “nghệ thuật” nhưng rất “mở” về nghệ thuật là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tôi đã đến bảo tàng văn học, nhưng cảm thấy việc sử dụng lời có vẻ còn lấn át. Nên quan tâm hơn đến vấn đề diễn ngôn của hiện vật để việc trưng bày, truyền tải cho người xem được sâu sắc hơn.

Ngoài ra, rất nên khai thác các trung tâm lưu trữ, nơi giữ gìn nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến nghệ thuật. Nếu được biến hóa linh hoạt, bổ sung, phát huy chức năng bảo tàng, thì các bộ sưu tập giá trị ở những trung tâm này sẽ đến được với đông đảo công chúng.

Nghệ sĩ Lại Thanh Minh, Nhà hát Chèo Nam Định:

“Cùng với trưng bày, phải có nơi biểu diễn”

Rất cần bảo tàng cho các ngành chứ không riêng lĩnh vực nghệ thuật. Đó là nơi lưu giữ, quảng bá và cả phát triển nữa. Riêng về bảo tàng dành cho sân khấu, tôi nghĩ rằng nên dành cho tất cả các bộ môn, đưa vào đó tư liệu, hình ảnh các thời kỳ phát triển sân khấu của đất nước, cùng với trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, tư liệu âm thanh, âm nhạc… sân khấu. Rồi tư liệu về các vở diễn tiêu biểu. Trong bối cảnh công nghệ, mạng xã hội phát triển như hiện nay, bảo tàng cần tích hợp chức năng hoạt động trực tuyến để lan tỏa các giá trị được lưu giữ.

Cùng với trưng bày, cần phải có không gian biểu diễn. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật, các nhóm nghệ sĩ có thể cộng tác luân phiên, giúp người xem hiểu hơn về tuồng, chèo, cải lương, kịch, múa rối… Thậm chí có thể thử sức với nghệ thuật sân khấu.

Có thể xây dựng các bảo tàng quy mô vừa phải cho các bộ môn tiêu biểu của vùng miền. Thí dụ như chèo ở miền bắc, tuồng ở miền trung, cải lương ở miền nam… Nhà nước cần đứng ra đầu tư, mời gọi sự tham gia của các nhà tài trợ, những người có tâm huyết bảo tồn. Theo tôi thấy, có nhiều người đều chung tấm lòng với nghệ thuật sân khấu của đất nước.

Thạc sĩ Phạm Lê Trung, Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội:

“Thúc đẩy thật mạnh chính sách xã hội hóa”

Lịch sử nghệ thuật nước nhà trên nhiều lĩnh vực rất có bề dày. Nhưng việc phát huy các giá trị đó trong đời sống đương đại, trong hội nhập quốc tế thì còn hạn chế. Thí dụ như chúng ta có các hiện vật quý, các bảo vật quốc gia giàu giá trị mỹ thuật nhưng còn bất cập trong việc đưa ra trưng bày rộng rãi. Chúng ta có các “bảo tàng sống” về kiến trúc, chính là các di tích, đình, chùa, lăng tẩm… nhưng hiệu quả phổ biến trong các cấp học ở các địa phương thì chưa cao. Nhiều bộ sưu tập quý về cổ vật, điêu khắc, tranh, ảnh… của tư nhân và nghệ sĩ rất nên được kết nối, trao đổi, phục vụ công chúng, nhưng vẫn còn những khép kín, khoảng cách.

Chính bởi những thực tế được thí dụ như trên, mà tôi cho rằng, Nhà nước cần thúc đẩy thật mạnh chính sách xã hội hóa nhằm phát huy nguồn lực của tư nhân, xã hội; khai thác, tận dụng các giá trị ở khắp nơi, đặc biệt là các bảo tàng nghệ thuật tư nhân để phục vụ xã hội. Cũng như vậy, khi chúng ta chưa có được một bảo tàng kiến trúc chính thống, thì phải bù lấp bằng việc phát huy mạnh mẽ các giá trị giáo dục của các “bảo tàng sống”; cần thiết kế nhiều tour, tuyến du lịch trải nghiệm tại di tích, công trình kiến trúc nổi tiếng. Nhìn rộng ra, đó chính là nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa, nghệ thuật, về giá trị của bảo tàng. Khi đó, việc xây dựng, phát triển bảo tàng nghệ thuật mới nhận được sự ủng hộ, đóng góp, duy trì lâu dài.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang:

“Đừng bỏ quên Đồi Văn hóa kháng chiến”

Ở các nước phát triển, hệ thống bảo tàng còn là nơi tổ chức các hoạt động nâng cao giá trị của thiết chế này như trưng bày nghệ thuật, đấu giá tác phẩm, giới thiệu lịch sử xu thế nghệ thuật, tác giả-tác phẩm... Ở ta, chúng tôi nghĩ, mỗi tỉnh, mỗi vùng miền đều có thế mạnh và tiềm năng riêng khi xây dựng và phát huy giá trị của bảo tàng văn học nghệ thuật. Bắc Giang hiện đang có một bảo tàng tại thành phố, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, những năm gần đây có tổ chức các cuộc trưng bày nghệ thuật. Bắc Giang còn có địa chỉ tư nhân trưng bày các cổ vật thời Lý-Trần. Tuy nhiên, nhiều dấu ấn về văn hóa nghệ thuật vẫn đang bỏ ngỏ vì thiếu sự đầu tư lớn.

Đặc biệt, Bắc Giang có một khu vực rất ý nghĩa là thôn Cầu Đen gồm ấp (xóm) Đồi Vừng và Đồi Cháy. Trong kháng chiến chống Pháp, các văn nghệ sĩ tập trung tản cư chủ yếu ở Đồi Cháy. Nơi này lưu dấu những ký ức về hoạt động sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh, diễn viên, đạo diễn, được gọi là: Địa điểm Đồi Văn hóa kháng chiến. Hiện nay khu vực xã Quang Tiến, thuộc huyện Tân Yên đã quy hoạch khu Đồi Văn hóa kháng chiến với diện tích lớn nhưng chưa có điều kiện xây dựng tổng thể với quy mô đồng nhất. Nếu thiếu sự quan tâm kịp thời về môi trường, không gian thì sau này những cảnh quan tự nhiên sẽ khó giữ được.

Thôn Cầu Đen cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm thanh xuân của các văn nghệ sĩ, như buổi giã cốm làm bánh cho đám cưới của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hay những buổi mạn đàm văn chương, bàn tin tức kháng chiến trong các vùng. Tại Đồi Văn hóa kháng chiến đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong đời sống văn nghệ như công tác chuẩn bị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam để tiến tới tổ chức Đại hội Hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất tại làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, năm 1948. Tại ấp này, một số văn nghệ sĩ được kết nạp Đảng; dưới những ngọn đèn dầu ở cụm đồi này, số báo Văn nghệ đầu tiên được khởi thảo để ra đời năm 1948 trên chiến khu Việt Bắc.

Chúng tôi xin được đề xuất xây dựng hệ thống bảo tàng mở cho khu vực này. Việc kết nối các không gian trong hệ thống quy hoạch sẽ tạo nên giá trị thu hút về du lịch như: không gian trưng bày cùng nhà đọc sách-thư viện; vườn nghệ thuật và mô hình làng sơ tán của các văn nghệ sĩ; khu nhà văn học nghệ thuật với những kỷ vật… Nếu những thiết chế mang nội hàm văn hóa nghệ thuật, bản sắc truyền thống, vận hành trên quy trình hiện đại với không gian đẹp, văn minh thì thiết chế văn hóa nói chung, một bảo tàng hay một nhà văn hóa nói riêng sẽ được nâng tầm giá trị trong đời sống mới.