Nghề không được mặn mà
Từ nhiều năm nay, có một thực tế là vai trò phê bình phim đã được chuyển giao một cách “vô thức” cho báo chí với những bài viết thân thiện, khiến các nhà làm phim nức lòng (nếu được khen) với sự tham gia tích cực của công nghệ PR từ nhà sản xuất. Nhưng khi gặp “giông gió” từ dư luận, các nhà làm phim và cả nhà sản xuất lại rất mong chờ sự vào cuộc của giới phê bình điện ảnh.
Nhà lý luận phê bình điện ảnh, TS Ngô Phương Lan nói về lý do các nhà phê bình điện ảnh “bỏ mặc” các phim quay cuồng trong bão tố dư luận: “Một người lên tiếng thì quá đơn độc. Một bài viết phê bình điện ảnh cũng không xoay chuyển được tình thế. So với hàng trăm nhà báo viết về điện ảnh và hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu người tham gia mạng xã hội “soi phim” thì nhà phê bình điện ảnh hiện quá đơn độc. Chúng tôi cần một diễn đàn lớn để làm điều này; cần sự vào cuộc của nhiều người với tư cách là nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp”.
Nói về độ “mỏng” của đội ngũ phê bình điện ảnh, GS, TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội nhìn lại, với công tác đào tạo chuyên ngành lý luận phê bình sân khấu và điện ảnh, việc tuyển sinh rất khó khăn. Số người thi ít hơn chỉ tiêu được tuyển. Các thí sinh không muốn chọn một nghề mà khi ra trường họ khó tìm việc. Đó là nghề không dễ kiếm tiền, dù được coi trọng trên lý thuyết nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. “Khi chúng ta quan niệm điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, sản phẩm điện ảnh dẫu có đặc thù nhưng về bản chất vẫn là hàng hóa thì nhà sản xuất thông qua thông cáo báo chí hay các tác giả viết theo hoặc chạy theo cộng đồng mạng là điều dễ hiểu. Không ai khẳng định được trong cộng đồng mạng có bàn tay ẩn hình của nhà sản xuất; hoặc đối thủ cạnh tranh của các nhà sản xuất phim”, GS Trần Thanh Hiệp nhận định.
Đừng để tuột mất tiếng nói phê bình
Là đạo diễn bộ phim tạo nên cơn sốt phòng vé - “Ma Dai” và bộ phim đình đám có bối cảnh Đà Lạt sương mù - “Quý cô thừa kế”, đạo diễn trẻ Hoàng Duy đánh giá cao vai trò của các nhà lý luận phê bình điện ảnh. Theo anh, đó là những người am hiểu kiến thức điện ảnh và có cái nhìn đúng đắn về một bộ phim. Hiện nay, một bộ phim khi đến với công chúng thường được đánh giá bằng doanh thu. Thực tế thì không phải doanh thu cao đã là phim hay, mà có những phim doanh thu thấp lại là phim có chất lượng nghệ thuật, thể hiện rõ được “bước tiến” của điện ảnh nước nhà. “Hiện nay, mạng xã hội phát triển quá mạnh nên việc một bộ phim được hoặc bị cộng đồng mạng soi xét, bàn tán là chuyện không tránh khỏi. Điều đáng sợ là có không ít người chưa xem phim; không xem phim nhưng bình luận, đánh giá phim theo trào lưu số đông. Ở một vài trường hợp, họ đã vô tình “giết” một tác phẩm tốt mà họ chưa từng xem mà không hề biết cái chết ấy mình cũng can dự”, Hoàng Duy cảm nhận.
Theo đó, đạo diễn Hoàng Duy cho rằng, vì lý luận phê bình điện ảnh có vai trò quan trọng trong định hướng dư luận và phát triển điện ảnh nên mong các nhà lý luận điện ảnh có nhiều hoạt động hơn để thúc đẩy sự phát triển của phim Việt. Đồng quan điểm, GS Trần Thanh Hiệp khẳng định: “Trong bối cảnh cầu nối giữa sản phẩm điện ảnh và người xem là quảng cáo thì việc quan trọng là phải định vị lại vai trò, vị trí của lý luận phê bình. Mặt khác, không nên để người làm lý luận phê bình đơn độc lên tiếng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Viện Phim Việt Nam, Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh có Viện Sân khấu và Điện ảnh. Các đơn vị này cần tham gia với vai trò nòng cốt vào lĩnh vực này, có tiếng nói, có bài viết khách quan với mục đích duy nhất vì sự phát triển của điện ảnh”.
Nhìn ra thế giới, các nước có nền điện ảnh tiên tiến cũng đang sống trong cơ chế thị trường, có những thách thức của cơ chế cạnh tranh và lợi nhuận. Nhưng ở đó có những tạp chí về nghệ thuật uy tín, có những bài viết phê bình chất lượng, kể cả những thống kê khoa học góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng phát triển. Vì thế, không thể đơn giản đổ cho cơ chế thị trường. Lý luận phê bình điện ảnh tiếng nói còn yếu là do thiếu cách tổ chức lực lượng hiệu quả. Còn có ý kiến gửi đến các nhà làm phim rằng, thay bằng thấy mình quá vĩ đại ở sân nhà, hãy nghĩ mình quá nhỏ bé nếu nhìn sang láng giềng để phát huy điểm mạnh của mình mà lớn lên. Cần tôn trọng vai trò của các nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp.