Nâng cao kỹ năng tác nghiệp có góc độ giới

Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng các vấn đề xã hội, do đó cần khai thác thế mạnh của báo chí để nâng cao nhận thức công chúng. Tuy nhiên hiện nay, vẫn có nhiều sản phẩm báo chí vô tình củng cố hoặc làm nặng thêm các định kiến giới.
0:00 / 0:00
0:00
Tập huấn kỹ năng tác nghiệp có góc độ giới cho các nhà báo. Ảnh: QUANG HÙNG
Tập huấn kỹ năng tác nghiệp có góc độ giới cho các nhà báo. Ảnh: QUANG HÙNG

Vẫn còn nhiều “sạn giới”

Ngày 18/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn “Kỹ năng nâng cao về tác nghiệp có góc độ giới cho phóng viên, biên tập viên” tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tại buổi tập huấn, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên của hơn 20 cơ quan báo chí đã chỉ ra vẫn còn nhiều nhầm lẫn, “sạn giới” trong một số tác phẩm báo chí. PGS, TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam là một trong hai giảng viên giảng dạy trong khóa học, nêu bật yêu cầu cần xây dựng năng lực thực hiện lồng ghép giới, phản ánh các góc nhìn về giới, có nhạy cảm giới hơn trong tổ chức, thực hiện sản phẩm báo chí.

Tuy nhiên, theo TS Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, ở góc nhìn về giới, một số bài báo vô tình làm nặng thêm định kiến giới sẵn có, chẳng hạn như phụ nữ gắn với việc nhà… “Nếu khai thác không cẩn thận có thể mắc lỗi củng cố hoặc vô tình làm nặng thêm các định kiến giới, tạo ra định kiến giới hoặc khuôn mẫu giới mới, hoặc dẫn đến coi thường, đánh giá thấp về vai trò, đóng góp, đặc điểm hoặc khả năng của một giới nào đó…”, ông Sơn chia sẻ.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề góc nhìn về giới trong báo chí, nhạy cảm giới, bình đẳng giới, sử dụng hình ảnh… đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh khỏa thân, hở hang của cả phụ nữ và nam giới, để thu hút, “câu view”, hay lỗi bao biện cho người gây bạo lực và đổ lỗi cho nạn nhân thường gặp trên báo chí, truyền thông hiện nay. Để hạn chế điều này, TS Lê Văn Sơn khuyến nghị khi đưa tin cần chú ý nhạy cảm giới, đưa hình ảnh và khai thác góc độ cân bằng giữa các tuyến nhân vật, bảo đảm nhạy cảm giới trong sản phẩm báo chí, khai thác chủ đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Nâng cao kỹ năng tác nghiệp có góc độ giới ảnh 1

Tìm hiểu lịch sử báo chí về giới trên báo chí Việt Nam xưa và nay. Ảnh: LÊ SAN

Giải pháp bảo đảm nhạy cảm giới trong sản phẩm báo chí

Các cơ quan báo chí Việt Nam trong suốt nhiều năm qua đã triển khai sôi nổi nhiều hoạt động tuyên truyền về chủ đề bình đẳng giới. Song nhiều nhà báo cho rằng, việc thực hiện sản phẩm báo chí nhạy cảm giới trước tiên phụ thuộc vào hiểu biết, năng lực của người thực hiện tác phẩm, đội ngũ biên tập viên, kiểm duyệt; cũng như nhiều yếu tố khách quan, trong đó có các điều kiện như ngân sách, đối tượng công chúng, tiêu chí đánh giá của các đơn vị.

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức đã triển lãm chuyên đề “Lịch sử báo chí về giới trên báo chí xưa và nay”, qua đó giới thiệu nhiều hiện vật, tư liệu quý về đề tài phụ nữ và bình đẳng giới trên báo chí Việt Nam qua các thời kỳ.

Nhìn chung, một số tiêu chí để đánh giá sản phẩm báo chí về đề tài nhạy cảm giới có thể dựa trên tính trung thực, chính xác về nhạy cảm giới, không có “sạn giới” trong tác phẩm; bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử; lựa chọn các tuyến đề tài, chuyên đề, chủ đề góp phần xóa bỏ định kiến, truyền cảm hứng về bình đẳng giới… Ngoài ra, để bảo đảm nhạy cảm giới trong các tác phẩm không phải về giới, phóng viên, biên tập viên có thể cân nhắc sử dụng hình ảnh có nhạy cảm giới, không dùng hình ảnh tạo ra định kiến mới… Chẳng hạn, trong lĩnh vực năng lượng, có thể dụng ý cân bằng hình ảnh có cả nam và nữ dù đây là lĩnh vực mà đàn ông chiếm ưu thế, nhằm tác động để độc giả hiểu rằng lĩnh vực này không chỉ có nam giới mà phụ nữ cũng tham gia.

Theo TS Lê Văn Sơn, cách tiếp cận thứ hai là khai thác và sử dụng câu chuyện truyền cảm hứng, đưa ra thông điệp tích cực khi xây dựng các sản phẩm báo chí về chủ đề bình đẳng giới. Đồng ý với nhận định này, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định: “Báo chí đưa tin tích cực, khơi nguồn truyền cảm hứng, nhưng cũng phản ánh, phản biện xã hội với tính xây dựng, đóng góp tích cực”. Theo nhà báo Thu Hằng, đây là yêu cầu chung đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên và các nhà quản lý báo chí nói chung.