Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
Tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có mạng lưới 310 cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác). Tỷ lệ học sinh - sinh viên và học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70-80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt so chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1,13% so năm 2021.
Bên cạnh đó, thị trường lao động của Hà Nội luôn có sự biến động và thu hút mạnh mẽ lực lượng lao động tham gia thị trường. Số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 400.000 chỉ tiêu (tăng 55,3% so cùng kỳ năm 2021). Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành thương mại - dịch vụ (chiếm khoảng 49,1%, tăng khoảng 80.000 chỉ tiêu so năm 2021); nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 50,9%. Về trình độ, có 24,5% nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí công nhân kỹ thuật/thợ, như: Công nhân may, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, thợ hàn; 7,6% nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí lãnh đạo/quản lý trong đơn vị và nhà chuyên môn bậc cao; 16,5% nhu cầu tuyển dụng tập trung vào vị trí nhà chuyên môn bậc trung và 14,5% nhu cầu tuyển dụng là các công việc giản đơn.
Theo bà Hương, xác định được tầm quan trọng của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu và giải quyết việc làm. Tính đến tháng 12/2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với gần 1.000 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 50.000 học sinh - sinh viên đến thực hành, thực tập; tham gia xây dựng, chỉnh sửa hơn 400 bộ chương trình, giáo trình; đặt hàng đào tạo với hơn 75.000 người. Đồng thời, tuyển dụng 45.560 học sinh - sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
Đặc biệt, 30 doanh nghiệp tham gia ký kết tại Hội nghị năm 2021 đã tiếp nhận toàn bộ học sinh - sinh viên mà doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đến thực hành thực tập có trả lương và tiếp nhận toàn bộ học sinh - sinh viên tốt nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký kết có nhu cầu vào làm việc tại doanh nghiệp với mức thu nhập đạt từ 8-15 triệu đồng/tháng. “Để đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp, chính doanh nghiệp là “cán cân” đánh giá chính xác và thúc đẩy hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, trong thời đại số hóa và bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm của đổi mới sáng tạo”, bà Hương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Tiến, Hiệu trưởng Trường trung cấp Quốc tế Hà Nội cho biết, năm 2022 là lần thứ ba nhà trường tham gia Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động. “Hội nghị lần này có quy mô lớn hơn nhiều, chúng tôi được gặp gỡ và tư vấn cho các em về học nghề từ đó thúc đẩy công tác tuyển sinh; chúng tôi cũng ký kết hợp tác đào tạo với 13 doanh nghiệp, trên cơ sở thống nhất thỏa thuận về giải quyết việc làm cho học sinh, bảo đảm điều kiện thực hành, thực tập đối với các mã ngành liên quan”, ông Tiến nói.
Còn em Nguyễn Mạnh Huy, học sinh lớp 9 Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Em yêu thích ngành công nghệ ô-tô nên đã đến đây tìm hiểu. Em được các cô giáo ở Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật và Nghiệp vụ Hà Nội giới thiệu, tư vấn kỹ về ngành nghề mà mình đang quan tâm, em dự định sẽ nộp hồ sơ theo học nghề mà mình yêu thích tại trường này sau khi tốt nghiệp lớp 9”. Nhiều phụ huynh tham dự Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 đều cho rằng đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa và sát thực tế, khi các nhà trường và doanh nghiệp được ký kết hợp tác, tiếp xúc với học sinh để định hướng ngành học và việc làm.
Doanh nghiệp cung cấp nhu cầu nhân lực
Tuy nhiên, theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thách thức không nhỏ là tỷ lệ người lao động Việt Nam qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ thấp (26,2%) so với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cân đối cung-cầu lao động chưa thật sự hiệu quả, dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất, tiềm năng (còn thiếu -thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…). “Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang phản ánh việc thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động”, ông Dũng nói.
Để tăng cường hiệu quả gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, ông Dũng cho rằng, Hà Nội cần có các chương trình, đề án về phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động trên cơ sở định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động, đặc biệt là các ngành khoa học - kỹ thuật công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai.
Đây là dữ liệu quan trọng để phân tích, dự báo nhân lực và nhu cầu kỹ năng tương lai. Một khi thông tin về cầu nhân lực được xác định cụ thể, thì kế hoạch và phương án cung sẽ ngày càng tiệm cận với cầu của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, doanh nghiệp cũng cần tham gia sâu vào các khâu của quá trình đào tạo, từ xây dựng chuẩn đào tạo, trao đổi chuyên môn, cập nhật các tiến bộ khoa học - công nghệ đến tổ chức đào tạo. Thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, trả lương, trả công theo kỹ năng tay nghề cao để thúc đẩy người lao động tham gia học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
“Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, phương thức kết nối; linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đào tạo, đánh giá, tuyển dụng, cùng với đó là điều chỉnh ngành nghề, chương trình đào tạo, mở rộng quy mô và tăng cường các điều kiện bảo đảm để nâng cao chất lượng đào tạo… ”, ông Dũng thông tin thêm.