Mục tiêu hàng đầu

Phát biểu ý kiến trong cuộc thảo luận cấp cao tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) cuối tuần trước, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi một lần nữa kêu gọi xóa nợ cho các nước có thu nhập trung bình và bảo đảm quyền tiếp cận các công nghệ mới một cách công bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MASSIMO SOMMA
Biếm họa: MASSIMO SOMMA

Với khoảng 110 nước, chiếm ba phần tư dân số thế giới và gần một phần ba GDP toàn cầu, nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình được đánh giá là động lực trung tâm của sự phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, các nước này đang phải đương đầu những thách thức vô cùng lớn. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chỉ rõ: Một số nước chịu cảnh hạn hán và sa mạc hóa thường xuyên, trong khi những nước khác phải đương đầu với các cơn bão nhiệt đới và tình trạng mực nước biển dâng. Nhưng tất cả các nước cùng đối mặt thách thức chung, đó là bảo đảm khả năng ứng phó những điều kiện khắc nghiệt trong bối cảnh nỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Ông Csaba Korosi nhấn mạnh, trong dòng chảy các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, một số quốc gia đã buộc phải ưu tiên các mục tiêu kinh tế ngắn hạn hơn. Ở nhiều quốc gia, nợ công cao đang lấn át đầu tư vào chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Và để hỗ trợ, đã đến lúc các bên cần nghiêm túc hơn trong việc thực hiện cam kết giảm và xóa nợ cho các quốc gia có thu nhập trung bình, nơi có phần lớn người nghèo cùng cực trên thế giới.

Theo ông Csaba Korosi, có nhiều công cụ giảm nợ khác nhau. Trong đó, tăng cường hành động vì khí hậu để đổi lấy việc giãn hoặc xóa nợ không chỉ cho các bên mắc nợ, mà còn cho chính chủ nợ và nhà tài trợ, thúc đẩy mục tiêu phát triển quốc gia phù hợp các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của LHQ. Các quốc gia có thu nhập trung bình cũng cần được tiếp cận công bằng với công nghệ mới để thúc đẩy khả năng phục hồi bền vững và lâu dài hơn. Để thực hiện được các mục tiêu trên, quan hệ đối tác quốc tế chính là chìa khóa.

Là mục tiêu cuối cùng trong danh sách 17 đề mục SDG của LHQ, song ở thời điểm hiện tại, việc tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu lại là mục tiêu hàng đầu. Theo ông Csaba Korosi, cơ chế Quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững lại càng quan trọng hơn trong bối cảnh quốc tế nhiều thách thức hiện nay.