Mua dây buộc mình

Đức đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ gánh nặng hỗ trợ Ukraine, đồng thời kêu gọi EU đoàn kết hơn nữa để ứng phó thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: KAZANEVSKY
Biếm họa: KAZANEVSKY

Theo AFP, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 8/1 kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường hơn nữa nỗ lực viện trợ cho Ukrane, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Berlin đối với vấn đề này. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, việc nước này hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine không có nghĩa là các cường quốc khác tại châu Âu sẽ đóng góp ít hơn.

Hiện, EU là bên viện trợ quân sự chính cho Ukraine với số vũ khí và trang thiết bị có trị giá lên tới 25 tỷ euro. Thủ tướng Scholz bày tỏ hy vọng, tại hội nghị cấp cao đặc biệt của EU dự kiến diễn ra vào ngày 1/2 tới, các nước thành viên khối sẽ nhất trí thông qua gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine. Tuy nhiên, gói viện trợ này có nguy cơ bị đổ bể do đến nay Hungary và Slovakia vẫn phản đối, trong khi Ba Lan muốn ngừng cung cấp vũ khí “miễn phí” cho Kiev. Muốn thông qua khoản tiền khổng lồ này, EU cần phải đạt được sự đồng thuận của toàn bộ thành viên.

Hiện, Đức là một trong những quốc gia châu Âu tích cực nhất trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine. Hồi cuối năm ngoái, Berlin đã quyết định tăng gấp đôi viện trợ quân sự của nước này cho Kiev trong năm 2024 lên 8 tỷ euro. Mặc dù ngoài Đức, Mỹ và Nhật Bản cũng có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong năm 2024, song cho đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua khoản viện trợ mới cho Ukraine, trong khi Nhật Bản mới dừng ở mức “cam kết”.

Ukraine đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ kinh tế từ phương Tây. Chính phủ Ukraine dự kiến thâm hụt ngân sách khoảng 43 tỷ USD trong năm 2024 và có kế hoạch trang trải khoản thâm hụt này bằng viện trợ tài chính từ các đối tác phương Tây. Bộ Tài chính Ukraine ước tính sẽ nhận được 41 tỷ USD viện trợ quốc tế, trong năm nay. Năm ngoái, con số này là 30,9 tỷ USD.

Cuộc xung đột tại Ukraine càng kéo dài thì ngân sách của các nước phương Tây, trong đó có Đức, cũng “phình to” thêm. Trong bối cảnh đó, việc Đức kêu gọi EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine chẳng khác nào “mua dây buộc mình”, nhất là khi còn không ít thành viên của khối ngày càng bày tỏ sự bất đồng với chính sách viện trợ dài hơi cho cuộc xung đột này.