Một năm đối ngoại, ngoại giao sôi nổi

Tại Hội nghị Ngoại giao (HNNG) lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” đang diễn ra từ ngày 15 đến 23/12 tại Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai những chủ trương và định hướng lớn về đối ngoại toàn quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị.

Nhiều “điểm sáng” trong hoạt động đối ngoại

2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) và cũng là năm Việt Nam có nhiều hoạt động đối ngoại, ngoại giao sôi nổi. Chủ đề của HNNG lần thứ 32 vì thế đã đặt ra yêu cầu cao và có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành ngoại giao, mà còn với các ban, bộ, ngành liên quan ở cả cấp T.Ư và địa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, nhờ đó củng cố và tạo thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Cùng những hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, Việt Nam đã nâng khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng lên tầm cao mới, củng cố sự tin cậy và ngày càng mở rộng hợp tác theo hướng thực chất và hiệu quả hơn.

Trong đối ngoại đa phương, Việt Nam đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại các tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), LHQ, tiểu vùng Mê Công, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hay gần đây là tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP); đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột.

Xác định nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một nội dung quan trọng, qua đó ngoại giao kinh tế đã góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác với nhiều đối tác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới và ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài.

Về văn hóa, theo số liệu của Bộ Ngoại giao, đến nay, 60 di sản, địa danh, danh nhân… của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận. Trong đó, riêng ba năm qua có thêm 13 danh hiệu được UNESCO công nhận. Ngoài ra, ngành ngoại giao cùng các ngành, các cấp đã kịp thời tham mưu xử lý nhiều vấn đề đối ngoại trước những biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, cũng như nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng thành các nhiệm vụ, biện pháp triển khai trước mắt và lâu dài.

Một năm đối ngoại, ngoại giao sôi nổi ảnh 1

Giới thiệu sản phẩm địa phương bên lề Hội nghị Ngoại giao.

Đổi mới, sáng tạo công tác ngoại vụ

Trong khuôn khổ “tuần lễ ngoại giao” năm nay, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của địa phương” đã diễn ra ngày 18/12, với sự tham dự của gần 500 đại biểu từ các ban, bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo các địa phương, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, đại diện doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Tại hội nghị, các đại biểu là trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhất trí cho rằng công tác đối ngoại của các địa phương trong thời gian tới cần có sự đổi mới, sáng tạo.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đề xuất các địa phương và ngành ngoại giao, ngoại vụ tham gia đưa ra giải pháp cụ thể để tăng cường kết nối, xây dựng các mô hình hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng; nghiên cứu triển khai các dự án thí điểm làm hình mẫu cho hợp tác đầu tư xanh. Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam, để bảo đảm hiệu quả của các mối quan hệ hợp tác ở cả cấp trung ương và địa phương, phía Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn lực và quan tâm đến nhu cầu, ưu tiên của phía bạn. Theo đó, mỗi địa phương cần triển khai công tác xúc tiến đầu tư cần có “trọng tâm” về sản phẩm, lĩnh vực, “trọng điểm” về đối tác tiềm năng, “chuyên nghiệp” trong phương thức thực hiện.

Về phía đại diện doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty nhận định, trong bối cảnh Việt Nam từng bước tiến hành các chuyển đổi quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường, địa phương có thể tham khảo các cơ chế kêu gọi nguồn vốn huy động trên thị trường tài chính với mục đích thúc đẩy những dự án nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Torben Minko đánh giá cao tiến bộ quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, đồng thời đề nghị các địa phương xem xét hợp tác trong lĩnh vực này.

Bên lề Hội nghị, đại diện các địa phương đã đề xuất, kiến nghị nhiều ý kiến thực tiễn quan trọng về tình hình đầu tư, thương mại tại mỗi địa phương, qua đó các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng trực tiếp trao đổi và yêu cầu tháo gỡ nhiều vướng mắc. Trong đó, phiên kết nối giữa các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã tổ chức giới thiệu nhiều mặt hàng, sản phẩm “made in Việt Nam”; các phiên giải đáp những thắc mắc xoay quanh thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng và kinh nghiệm đầu tư, làm ăn tại các nước như Mỹ, châu Âu hay tiềm năng phát triển Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) ở thị trường Trung Đông - châu Phi…