Một biểu tượng của tình yêu và sự tha thứ

Nguyên mẫu của bức ảnh "Em bé Napalm" đã trải qua một hành trình dài từ tuyệt vọng đau đớn của một nạn nhân chiến tranh để trở thành người phụ nữ cống hiến cho hòa bình. 
0:00 / 0:00
0:00
Kim Phúc (bên trái) và Nick Út (thứ hai, trái sang) xem lại những bức ảnh lịch sử. Ảnh: SƠN HẢI
Kim Phúc (bên trái) và Nick Út (thứ hai, trái sang) xem lại những bức ảnh lịch sử. Ảnh: SƠN HẢI

Bắt đầu từ năm 1972, vào ngày mồng 8 tháng 6, ở Trảng Bàng, Tây Ninh.

Bom napalm khiến cô bé tám tuổi Phan Thị Kim Phúc trở thành nhân vật được quan tâm nhất trong bức ảnh của Nick Út - phóng viên trẻ Hãng Thông tấn Mỹ AP (Associated Press) sau khi được đăng trên trang bìa của tờ The New York Times. Ngay lập tức, bức ảnh đã gây ra một đám cháy lớn trong dư luận toàn thế giới.

"Bức ảnh xấu xí" và 25 năm chạy trốn

Bom napalm không chỉ thiêu cháy làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn mà đã thiêu cháy cả tuổi thơ của Kim Phúc. Cô bé bị tước đoạt hoàn toàn những vô tư nhí nhảnh hồn nhiên đuổi hoa bắt bướm và theo bạn đến trường. Tuổi thơ Kim Phúc gắn liền với bệnh viện, với bông băng, kim tiêm và nỗi sợ hãi đeo bám trong cả những cơn mơ. Một thời gian rất dài cô không hiểu nổi vì sao mình lại phải chịu đau đớn khủng khiếp như vậy… 14 tháng trời mê man, hàng chục cuộc phẫu thuật, khi tỉnh lại Kim Phúc cũng không đủ dũng cảm để nhìn mình trong gương.

Trong trí óc non nớt, cô cảm nhận rõ ngoài vết bỏng lớn trên thân thể, còn có vết bỏng nặng nề trong tâm hồn. Từ bệnh viện về nhà, lần đầu tiên được cha cho xem bức ảnh Nick Út chụp, Kim Phúc gần như ngất đi. Cô chia sẻ: "Đó là một bức ảnh xấu xí mà tôi chỉ muốn cố quên đi". Cô không muốn thừa nhận mình là cô bé trong đó.

Như mọi bệnh nhân khác, những tháng năm phải chống chọi với hậu quả bom napalm của Kim Phúc dài hơn mọi tưởng tượng và chẩn đoán chuyên môn. Những cơn nhức nhối trong da thịt mỗi khi trái gió trở trời và nỗi mặc cảm, tự ti đeo bám. Đã có những lúc Kim Phúc muốn được chết đi…

Nhưng chưa bao giờ Kim Phúc quên người mà mình chịu ơn sâu sắc suốt cuộc đời -"Chú Nick Út luôn là người hùng của tôi".

Trở lại ngày mồng 8 tháng 6 năm ấy, phóng viên ảnh chiến trường Nick Út mới hai mươi tuổi, là người đã thu trọn hình ảnh của "bó đuốc sống" vào máy ảnh. Lẽ ra, anh có thể về tòa soạn nhanh nhất để làm ảnh kịp đăng cho số báo ngày hôm sau. Nhưng người thanh niên đã không chọn cách đó. Nick Út nán lại sơ cứu cho cô bé bằng cách lấy nước trong chiếc bi đông mang theo người tưới lên vết bỏng, nhưng Kim Phúc càng bị đau hơn. Trong lúc nguy cấp, anh quyết định đưa cô bé lên xe chạy thẳng về Củ Chi. Thấy Kim Phúc tình trạng rất nguy kịch, nhân viên y tế ở đó từ chối cấp cứu và khuyên "đem về Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn" cách xa hàng trăm cây số. Nick Út đã lập tức rút thẻ phóng viên AP ra: "Nếu nạn nhân có mệnh hệ gì, ngày mai chuyện này sẽ đưa lên mặt báo!". Nhờ vậy, Kim Phúc đã sống sót. Và hành trình chữa trị cho vết bỏng đã không dừng lại…

Có thể nói, bức ảnh "Em bé Napalm" đã công khai trước nhân loại một sự thật phũ phàng về cuộc chiến mà người Mỹ thực hiện tại Việt Nam - nơi mà phụ nữ và trẻ em đã bị tấn công, bị dồn vào đường cùng. Giải Pulitzer năm 1973, giải thưởng báo chí danh giá nhất nước Mỹ đã xướng tên Nick Út. Do thấy bức ảnh "không có lợi cho Việt Nam Cộng hòa" nên phóng viên ảnh Nick Út thậm chí đã bị cản trở việc đi nhận giải. Nhờ có sự can thiệp của nhà báo Phạm Xuân Ẩn, Nick Út mới được cấp visa. Và không chỉ vậy, tác phẩm ảnh đã tiếp tục đón nhận những vinh danh đặc biệt: được Đại học Columbia xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, được tờ The New Statesman đánh giá là bức ảnh ấn tượng nhất mọi thời đại…

Không chỉ Nick Út, trong mắt Kim Phúc, những y, bác sĩ áo trắng tựa những anh hùng đã cứu giúp cô khỏi cái chết. Giữa những cơn đau cùng cực, cô nuôi khát khao sẽ được khoác tấm áo blouse trắng cứu người…

Nhưng rồi, dù thi đỗ Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, giấc mơ cũng tuột khỏi tầm tay bởi Kim Phúc luôn phải chạy trốn khi ai đó nhận ra cô chính là cô bé trong bức ảnh "Em bé Napalm" năm xưa. Cho đến khi cô được một lãnh đạo Nhà nước cao cấp can thiệp gửi đi du học, may mắn trở thành sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, cuộc đời Kim Phúc đã sang một trang khác, nhất là khi tình yêu khiến trái tim cô ấm áp…

Một biểu tượng của tình yêu và sự tha thứ ảnh 1
Tháng 10/2022, sau 50 năm, lần đầu Nick Út (bên trái) và Kim

Phúc gặp lại nhau tại Việt Nam.

…Và ơn nghĩa, và tình yêu đã chiến thắng

Một chàng trai quê Vĩnh Phúc, sinh viên ngành Ngôn ngữ và văn học tại Cuba đã đến và lựa chọn ở lại bên Kim Phúc dù cả hai bên gia đình đều cấm đoán. Một trong những lý do là vết thương và sức khỏe sinh sản của Phúc. Trên thực tế, khi lấy nhau, họ đã sinh được hai người con trai, và hiện đã là ông bà nội với ba đứa cháu nội ngoan ngoãn, đáng yêu. Tình yêu và mái ấm gia đình như liều thuốc thanh tẩy tâm hồn cô, giác ngộ con người cô, giúp em bé Napalm năm xưa biết đến đức tin để dần có được sự thanh thản, yêu thương và tha thứ…

Sự thực là bức ảnh của Nick Út càng nổi tiếng bao nhiêu thì đi cùng với nó cái giá phải trả của người trong ảnh càng lớn bấy nhiêu. Cô trở thành người bị săn đuổi, ngay cả khi đã định cư tại Canada. Có thời điểm chỉ trong hai năm, vợ chồng Kim Phúc phải khốn đốn chuyển nhà năm lần bảy lượt để chạy trốn những ống kính máy ảnh đen ngòm.

Trốn đến mức không thể trốn được nữa, phải quyết định dừng bước và chấp nhận đối diện với sự thật. Sau 25 năm, cuộc trốn chạy mới thực sự kết thúc.

Bắt đầu từ năm 1997, có một Kim Phúc khác. Một Đại sứ Thiện chí vì hòa bình của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Quỹ từ thiện quốc tế Kim Phúc (Kim Phuc Foundation International) ra đời để cứu giúp trẻ em nạn nhân chiến tranh và trẻ em nghèo trên thế giới.

Câu chuyện của "Em bé Napalm" một lần nữa lay động lương tri và tình cảm toàn thế giới. Kim Phúc trở thành nguyên mẫu để nhà văn Denise Chong chấp bút viết cuốn "The Girl in the Picture" (Bé gái trong bức ảnh), cuốn sách lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Văn chương của Toàn quyền Canada. Năm 2003, toàn bộ tiền thu được của các cuộc biểu diễn nhạc phẩm "The Girl in the Picture" nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Bỉ Eric Geurts đều được chuyển vào Quỹ từ thiện quốc tế Kim Phúc.

Năm 2006, tổ chức YWCA (Mỹ) tôn vinh Phan Thị Kim Phúc là một trong sáu phụ nữ có những đóng góp tích cực thiết thực nổi bật trong cộng đồng. Nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới trao bằng Tiến sĩ danh dự cho bà.

Tháng 10/2022, sau 50 năm, lần đầu Nick Út và Kim Phúc gặp lại nhau tại Việt Nam. Cùng có mặt ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Kim Phúc từ tốn chia sẻ rằng, cô bé năm xưa sinh ra không đúng chỗ. Cũng như rất nhiều những trẻ em không may mắn khác, vốn được sinh ra không phải để trở thành nạn nhân của chiến tranh, của bom napalm, của sự hủy diệt tàn khốc hay của nạn buôn người. Nhưng rồi, cũng chính Kim Phúc đã chia sẻ: "Lúc này, tôi đã nhìn thấy trong bức ảnh hình tượng của một bé gái đầy sức sống. Điều đó đã thúc đẩy tôi làm việc, cống hiến nhiều hơn cho hòa bình". Một Kim Phúc thật sự được lột xác, vĩnh viễn thoát khỏi hình ảnh bé gái tội nghiệp trong bức ảnh cũ.

Khi chia tay, Kim Phúc chỉ vào bức ảnh năm xưa và nói với người viết bài này: "Cô bé trong ảnh và Kim Phúc hôm nay hoàn toàn khác biệt: một bên chỉ biết gào khóc, một bên luôn có nụ cười trên môi!".

Chính trong bi kịch, người phụ nữ ấy lại tìm thấy cơ hội để hiểu và trân trọng hơn những giá trị của hòa bình, của cuộc sống không bom đạn, không hận thù. Và bởi vậy, "Em bé Napalm" hôm nay đã trở thành một biểu tượng đẹp của tình yêu và sự tha thứ...

12/2022