Mối đe dọa kép

Các tổ chức tài chính quốc tế và các chuyên gia kinh tế cảnh báo, lạm phát leo thang và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị đứt gãy đang là “mối đe dọa kép” đẩy nhiều nước châu Á và châu Phi đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Dự báo khoảng 60% số quốc gia kém phát triển trên thế giới nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu không được tái cơ cấu nợ.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: NDARAMA MARK
Biếm họa: NDARAMA MARK

Chuyên gia Mikhail Nikolaev, Giám đốc Nhóm phân tích xếp hạng tín nhiệm thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm của Nga (ACRA) nhận định, một số quốc gia ở châu Á và châu Phi có thể sắp vỡ nợ như Sri Lanka do tác động tiêu cực của các yếu tố bên ngoài như chi phí đi vay và giá nhiên liệu cũng như lương thực tăng. Sri Lanka đã tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài từ tháng 4 vừa qua.

Theo các chuyên gia của ACRA, việc các chính phủ thực thi chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giá năng lượng cũng như lương thực tăng cao, ngân sách bị thu hẹp đã khiến nền kinh tế của nhiều nước bị suy yếu đáng kể. Tác động tiêu cực của các yếu tố này có thể gây áp lực và khiến các quốc gia vốn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Trước thực trạng nêu trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải mở các cuộc đàm phán với Pakistan, Ai Cập và Tunisia về khả năng tái cơ cấu nợ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cũng cảnh báo, một số quốc gia sẽ bị vỡ nợ do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Malpass cho biết, đối với nhiều quốc gia, suy thoái kinh tế “sẽ khó tránh khỏi”. Cùng chung nhận định như trên, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cũng dự báo, khoảng 60% số quốc gia kém phát triển trên thế giới có khả năng sẽ vỡ nợ.

Để đối phó “mối đe dọa kép” nêu trên và tránh nguy cơ vỡ nợ, giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo chính phủ các nước cần dự trữ tài chính và hàng hóa thiết yếu đủ để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm tỷ giá đồng nội tệ ở mức hợp lý và duy trì kỷ luật tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, muốn “diệt tận gốc” nguy cơ khủng hoảng kinh tế, các quốc gia cần đoàn kết chặt chẽ để “hạ nhiệt” cuộc chiến ở Ukraine và cùng vực dậy kinh tế toàn cầu.