Minh bạch là vấn đề then chốt

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế nếu được nâng hạng lên nhóm các thị trường chứng khoán (TTCK) mới nổi. Dòng vốn mới này kỳ vọng sẽ cải thiện cả về quy mô lẫn thanh khoản của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Một trong những giải pháp để nâng hạng TTCK chính là minh bạch thông tin. Ảnh: NGUYỆT ANH
Một trong những giải pháp để nâng hạng TTCK chính là minh bạch thông tin. Ảnh: NGUYỆT ANH

Chuyện nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp. Từ năm 2018, FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên Thị trường mới nổi, tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn ở trong nhóm chờ.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: Tiêu chí xếp hạng cụ thể của các tổ chức đối với từng loại thị trường có thể khác nhau, nhưng có một số tiêu chí tương đồng như: Quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu của doanh nghiệp ở nước sở tại; Khả năng tiếp cận thị trường, bao gồm cả khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ và mức độ mở cửa của dòng vốn đầu tư; Cơ sở hạ tầng cho giao dịch trên TTCK, bao gồm cả hệ thống thanh toán và bù trừ chứng khoán; Cơ chế giao dịch linh hoạt, có giao dịch bán khống và cho vay chứng khoán.

Nhắc đến câu chuyện “điểm nghẽn” nâng hạng, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: Các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện.

Ngược lại, nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính, với vướng mắc lớn nhất để FTSE Russell ra quyết định nâng hạng liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade). Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP dự kiến sẽ mất thêm một khoảng thời gian do sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định có liên quan, bao gồm cả các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng lưu ký.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng: Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán lớn tại Hàn Quốc đã triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot để cải thiện dịch vụ khách hàng và hỗ trợ giao dịch tự động. AI giúp phân tích dữ liệu và đưa ra các dự đoán thị trường, trong khi chatbot hỗ trợ khách hàng với các vấn đề thường gặp và cung cấp thông tin nhanh chóng.

Minh bạch thông tin

Trong chiến lược tổng thể về phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là đưa Việt Nam nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi. Thực hiện mục tiêu này, các cơ quan quản lý đang đẩy nhanh tiến nhanh tiến độ và lộ trình sửa đổi các văn bản liên quan. Đơn cử như trong dự thảo Thông tư mới đã sửa đổi yêu cầu nhà đầu tư phải có tiền vào giao dịch T+1 thành thời gian khoảng 9 giờ - 9 giờ 30 phút của T+2.

Tuy nhiên, câu chuyện nâng hạng, duy trì thứ hạng phụ thuộc vào đánh giá trải nghiệm của nhà đầu tư trên thị trường. Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng: Để tiếp tục duy trì thứ hạng, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý thì các công ty chứng khoán, doanh nghiệp thuộc tổ chức niêm yết, ngân hàng lưu ký sẽ phải chuẩn bị những điều cần thiết, tiếp tục đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao hơn.

Việc xếp vào nhóm các thị trường mới nổi sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của TTCK Việt Nam, góp phần tăng quy mô và chất lượng, nâng cao hình ảnh và uy tín của tất cả thành viên tham gia thị trường. Tuy nhiên, khi bước ra một sân chơi lớn hơn thì thách thức sẽ càng lớn hơn. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng: Trong lộ trình nâng hạng thị trường, các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa hoạt động quan hệ với nhà đầu tư (IR), tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh và chuẩn hóa theo các thông lệ quốc tế.

Về quản trị doanh nghiệp, ngoài triển khai áp dụng theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thì các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến tiêu chuẩn vận hành của hội đồng quản trị bao gồm các nghị quyết, chính sách, quy chế hoạt động theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, việc triển khai áp dụng xu hướng chuyển đổi số, áp dụng khung quản trị tích hợp ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) là tiền đề cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư có trách nhiệm trên thế giới.

Một trong những giải pháp để nâng hạng TTCK chính là minh bạch thông tin. PGS, TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng: Việc nâng cao tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trong nước không chỉ chờ đến nâng hạng thị trường mà đây là vấn đề then chốt. Hiện không có bất cứ doanh nghiệp niêm yết nào duy trì sự xuất hiện liên tục ở danh sách đạt chuẩn công bố thông tin trong hơn 10 năm. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp còn công bố thông tin sai lệch, trễ hạn, không công bố hoặc quá hạn gửi thông tin...

Mặt khác, chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh. Trong khi đó, chỉ có khoảng có 50 - 60% doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng IFRS hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi theo IFRS. Như vậy, điều quan trọng chính là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin. Vấn đề khác là giáo dục ngôn ngữ, tăng cường AI.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng: Nâng hạng giúp cho sự tín nhiệm thị trường, tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Bộ Tài chính sẵn sàng giữ vai trò tiên phong để thực hiện quá trình này. Tuy nhiên, cả thị trường chứng khoán không ai đi một mình, mà tất cả chúng ta đều phải đi cùng nhau. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết… đều phải cùng đi, hướng tới nâng hạng TTCK trong thời gian sớm nhất.