Mảnh ghép còn thiếu

Trong bối cảnh bạo lực liên tiếp gia tăng ở khu vực Bờ Tây cũng như Trung Đông, cuộc họp sơ bộ mang tính chất hòa giải, nhằm tìm cách gắn kết các phe phái trong nội bộ Palestine, tổ chức tại Ai Cập ngày 30/7, có thể xem là một bước đi cực kỳ quan trọng và cần thiết đối với cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân Palestine. Tuy nhiên…
0:00 / 0:00
0:00

"Tôi coi cuộc họp hôm nay là bước đầu tiên và quan trọng để hoàn tất cuộc đối thoại của chúng ta, mà chúng tôi hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu mong muốn càng sớm càng tốt" - Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu bế mạc.

Ông cũng kêu gọi thành lập một ủy ban, để hoàn tất cuộc đối thoại về các vấn đề đã được thảo luận trong cuộc họp hòa giải ấy, nơi hai lực lượng chính trị quan trọng nhất của người Palestine là Phong trào Giải phóng Palestine (Fatah) đang cầm quyền và tổ chức vũ trang Hamas (đang kiểm soát dải Gaza) đã "ngồi lại với nhau".

Ở đó, Fatah và Hamas bước đầu cố gắng chấm dứt sự chia rẽ giữa các phe phái của Palestine, để hướng tới xây dựng một chính phủ Palestine đoàn kết, cũng như tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và tổng tuyển cử.

Chắc chắn, nếu tiếp tục được thúc đẩy, những phác thảo tươi sáng cho tương lai Palestine tại cuộc họp này sẽ có nhiều cơ hội trở thành hiện thực hơn.

Bởi lẽ, trong quá khứ, cuộc đấu tranh bền bỉ và chính đáng của nhân dân Palestine dường như chưa bao giờ tập hợp được toàn bộ sức mạnh, đặc biệt là thứ sức mạnh vô hình nhưng vô giá được tạo nên từ sự đoàn kết.

Những khác biệt về phương thức đấu tranh cũng như tôn chỉ hành động giữa Fatah (chủ trương đấu tranh chính trị) và Hamas (lựa chọn đấu tranh vũ trang) đã luôn tạo nên một vết hằn lớn, từ khi Tổng thống Yasser Arafat còn đang nắm giữ các cương vị Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và là người đứng đầu Nhà nước Palestine (PA) cũng như thủ lĩnh Fatah lúc sinh thời.

Sự chia rẽ nội tại cũng có thể xem là một nguyên nhân khiến càng lúc, Palestine càng gặp nhiều khó khăn, trước những áp lực từ phía Israel, để bảo vệ quyền lợi chính đáng được luật pháp quốc tế công nhận của mình.

Mặc dù vậy, tại cuộc họp ở New Alamein này, vẫn thiếu một mảnh ghép quan trọng, trong cả bức tranh toàn cảnh: Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad/PIJ).

Thành lập năm 1981, có quy mô và tầm ảnh hưởng nhỏ hơn một chút so với Fatah và Hamas, nhưng PIJ vẫn là một lực lượng vũ trang và chính trị chủ chốt cần được tính đến, khi liên tục hiện diện trong những cuộc xung đột với Israel ở cả Gaza lẫn Bờ Tây.

Bất chấp việc PIJ bị phương Tây liệt vào danh sách "tổ chức khủng bố", vẫn có một lời mời gửi đến họ từ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, về việc tham gia cuộc họp ở Ai Cập.

Tuy nhiên, PIJ đã từ chối. Thủ lĩnh của họ - ông Ziyad al-Nakhalah, đã nêu điều kiện tham gia cuộc họp, theo đó các thành viên của nhóm này và những người thuộc các phe phái khác bị lực lượng an ninh Palestine ở Bờ Tây giam giữ phải được trả tự do. Khi những yêu cầu này không được đáp ứng, PIJ tuyên bố tẩy chay cuộc họp. Cùng với họ, là Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PLF), một nhóm chính trị khác phản đối quan điểm của PA.

Sự vắng mặt của PIJ cũng như PLF, một lần nữa, gợi lên những ưu tư, về thống nhất và chia rẽ, đối với mục tiêu tối thượng của cuộc đấu tranh mà nhân dân Palestine vẫn đang tiếp tục.

Trong bối cảnh xung đột không ngừng leo thang (đã khiến ít nhất 203 người Palestine và 27 người Israel thiệt mạng) từ hai tháng qua, sự gắn bó về quan điểm cũng như hành động giữa các phe phái Palestine lại càng trở nên quan trọng, nhất là trước những toan tính tất yếu của các trung tâm quyền lực khu vực cũng như quốc tế.

Càng manh mún chia rẽ, các phe nhóm Palestine càng khó tạo dựng được sức mạnh, cũng như gia tăng sức nặng cho các tuyên bố về lập trường của mình. Nhưng dù sao, dù thiếu PIJ, ít nhất, Hamas cũng đã đối thoại với Fatah…