Lợi ích không dễ từ bỏ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang công du Trung Đông (từ ngày 13 đến 16/7), trong chuyến thăm được ông Biden mô tả là sẽ khởi đầu chương mới, nhiều hứa hẹn trong chính sách của Washington với khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: KAL
Biếm họa: KAL

Tuy nhiên, lần đầu trong nhiệm kỳ, Tổng thống Biden thăm khu vực có lợi ích chiến lược của Mỹ, song lại vấp phải sự hoài nghi của chính dư luận “xứ cờ hoa”.

Mấu chốt nghi ngại là chặng dừng chân của Tổng thống Biden tại Saudi Arabia, cụ thể là liên quan lập trường của ông về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Cơ quan tình báo Mỹ từng công bố báo cáo sơ bộ cho rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có liên quan vụ sát hại và vụ việc khiến quan hệ đồng minh Mỹ-Saudi Arabia trở nên lạnh nhạt. Quan hệ hai nước dần được cải thiện, sau khi Saudi Arabia đồng ý tăng sản lượng dầu và ủng hộ gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen. Đây là hai vấn đề ưu tiên của Tổng thống Biden.

Tuy nhiên, việc chọn Saudi Arabia là một điểm đến trong chuyến công du Trung Đông lần đầu vẫn bị chỉ trích là đi ngược quan điểm “bảo vệ nhân quyền” mà ông Biden cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Ông Biden nhắc lại cam kết ủng hộ bảo vệ nhân quyền và cho biết, các biện pháp trừng phạt mới liên quan vụ nhà báo Jamal Khashoggi đã được ban hành. Tổng thống khẳng định, chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Saudi Arabia vì lợi ích của chính nước Mỹ.

Trong bài viết trên tờ The Washington Post, ông Biden nêu rõ: Nhiệm vụ của Tổng thống Mỹ là giúp đất nước vững mạnh và an toàn, sẵn sàng đương đầu thách thức, duy trì sức cạnh tranh và bảo đảm ổn định tại các khu vực có ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Mỹ. Washington phải làm việc với những quốc gia có thể tác động đến mục tiêu trên và Saudi Arabia là một trong số đó.

Thực tế, Mỹ càng không dễ từ bỏ lợi ích từ quan hệ đồng minh với Saudi Arabia, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Mỹ đối mặt nhiều thách thức kinh tế xuất phát từ giá năng lượng leo thang. Ít nhất, tranh thủ tiếng nói của “vua dầu mỏ Saudi Arabia” thuyết phục các nước tăng sản lượng sẽ giúp hạ nhiệt “cơn sốt” giá nhiên liệu và lạm phát tại Mỹ.