Lên núi cùng nhau

Những ngày giữa năm cũ và mới là một khoảng nhiều tâm tư. Năm dương lịch thì hết rồi, nhìn trên lịch đã sang tháng mới, năm mới. Vài dự án theo thời gian đồng hồ cũng đã kết thúc, đã gói ghém và đóng lại. Mà năm lịch ta thì chưa qua. Cái thời gian tâm lý cuối năm còn mang nhiều tâm trạng. Thế thì đi leo núi khoảng này, có cơ hội lắng lại, tự ngắm nghía cái nao nao, cái bồi hồi cuối năm của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Ngắm mây lưng chừng núi.
Ngắm mây lưng chừng núi.

Sự lắng dịu nhờ vào thiên nhiên

Những khu rừng già ở đỉnh Tả Liên (Lai Châu) hay đỉnh Nhìu Cồ San (Bát Xát, Lào Cai) đều như cổ tích. Từng đoạn đi qua là từng cảnh rừng thay đổi. Khi thì cây bụi thấp, khi thì cây cổ thụ già khi sừng sững choáng ngợp, hay chỉ có nửa cây còn sống, nửa cây đã khô xác trở thành nơi sinh sống cho các cây ký sinh, cho nấm, mộc nhĩ. Sự sống và cái chết đan xen vào nhau, nương tựa vào nhau.

Ta cứ đi từng bước, hết khoảng rừng già rồi tới khoảng rừng trúc, hay lên lưng chừng là rừng thảo quả ở đỉnh Putaleng, đỉnh Nhìu Cồ San, rồi lên cao nữa là bụi cây thấp ở Lùng Cúng, hay rừng đỗ quyên hồng rực ở Putaleng. Đi chậm, đi nhanh tùy sức từng người. Quãng đường ngắn thì hơn chục cây, dài thì hai chục, lúc dốc nhiều, lúc dốc thoải, lúc lại bằng phẳng dễ đi. Cảnh sắc thay đổi thì cứ tận hưởng. Chìm vào hơi sương mỗi đợt gió thổi qua bảng lảng, kỳ quái như trong “Tây du ký”. Hơi nước hít vào lạnh tới tận phổi, ai không quen thường phải đeo khẩu trang để tránh lạnh tê cả mũi. Mà chỉ lạnh khi dừng lại thôi, chứ khi đi thì rất nóng. Dân thành phố quen ngồi bàn giấy vận động ít, nên đi có chút xíu đã thở, đã mồ hôi nhễ nhại. Chắc vì thế mà cơ thể có cơ hội thải độc tố tích lũy trong người, lấy vào làn không khí trong lành của núi rừng.

Anh Quốc Anh, một trong những người sáng lập của một dịch vụ leo núi đầu tiên, kể với tôi về những ngày đầu leo núi cách đây chục năm. Anh bảo những lần đầu leo Bạch Mộc Lương Tử, Kang Nam Ho Tao hay Tả Liên rồi Putelang, anh bị choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng. Lần đầu được thấy biển mây trắng tầng tầng lớp lớp dưới chân mình, bao chung quanh bởi sự sạch, lành của bầu trời, của không khí, của dòng suối, của cây xanh và gió, anh cảm thấy mình như được thanh lọc. Cũng từ đó anh phát triển sở thích leo núi cá nhân thành tổ chức dẫn đoàn leo núi. Mỗi tour chừng ba, bốn ngày. Có đỉnh tháng leo hai lần mà chẳng lần nào giống lần nào. Lần nào cũng đem lại những trải nghiệm sâu sắc.

Với người hay chú ý đến mầu sắc, đường nét như tôi thì mỗi chuyến leo núi còn tuyệt vời qua mầu sắc thay đổi của từng chặng đường trong suốt mấy ngày leo. Chặng thì khiến tôi sững người với mầu xanh bàng bạc của những nét ấn tượng, mạnh mẽ đầy sức sống của những tán lá thảo quả (và cả mùi nồng ấm khi len lỏi giữa những tán lá). Chặng khác lại ngưỡng mộ pha chút nể sợ khi thấy những thân cây cằn cỗi, đen lỳ trơ trụi sừng sững trong biển sương mờ ảo. Khi sương đi để lộ ra những cành cây khẳng khiu, vẽ lên những nét sắc lạnh, dứt khoát. Chặng khác lại rực rỡ những đỗ quyên hồng tím từng chùm chi chít trên cây hay rải thảm dưới mặt đất toàn cánh hoa rơi mỏng manh. Ngay cả đến cỏ dại, rong rêu cũng có vẻ đẹp riêng. Lúc xanh rờn, khi đỏ quạnh trên các thân cây đổ suốt dọc đường đi.

Hòa hợp với chính mình

Ngày cuối năm nay, chúng tôi quyết định lại leo núi, lần này là đỉnh Nhìu Cồ San.

Sự mệt mỏi xảy ra ngay từ những bước đầu tiên. Đôi chân chúng tôi vốn chỉ quen đi đường bằng, khoảng cách ngắn giờ đi vài bước là thấy có tín hiệu. Nhưng sự háo hức còn nhiều để động viên bản thân tiếp tục. Rồi sự mệt mỏi tăng dần. Các cơ căng lên, bước chân nặng nề. Chiếc ba-lô để vài chai nước và ít đồ ăn vặt sau lưng như nặng thêm theo từng chặng. Mồ hôi túa ra và hơi thở phì phò. Đi được chừng nửa đường thì suy nghĩ nản chí bắt đầu xuất hiện. Lúc nó chống đối, chả muốn bước nữa, lúc lại tự dỗ mình đi tiếp đi. Lúc bình yên dừng lại ngắm cảnh mây cảnh núi cảnh rừng, lúc lại nhấp nhổm hỏi anh porter (người địa phương đi theo dẫn đường và phụ giúp mang đồ, nấu nướng) xem còn bao lâu nữa thì tới lán nghỉ?

Có những khi sự thối chí lên cao, tôi lại ngẫm nghĩ, tự trách mình sao không ở nhà ngồi quán cà-phê khô ráo, êm ấm nhấm nháp từng ngụm nóng hổi, mà lê lết ở đây lúc nóng nực lúc lạnh băng (khi dừng lại), rồi chân tay người ngợm mệt mỏi, đau nhức từ bờ vai tới ngón chân. Sự bực bội gia tăng, chung quanh cảnh đẹp như cổ tích cũng chẳng vào được mắt. Đều là vì cái sự mệt mỏi của cơ thể và tâm lý nó khiến con người khó chịu, khó ở. Nhưng cũng có làm gì được, đã trên đường rồi. Mệt thì nghỉ rồi đi tiếp chứ không bỏ cuộc được. Vậy là lại bước đi.

Cho đến khi sự chống đối trong tâm trí dần lắng xuống, tôi cũng (buộc phải) chấp nhận là chẳng còn đường nào khác là cứ đi tiếp thôi, thì sự khó chịu lại tự nhiên giảm bớt đi. Lúc này ta chỉ còn chú ý tới từng bước chân của mình. Cảm nhận sự mềm mềm, êm êm của lớp lá mục dưới chân, mùi thơm của những bụi hoa dại hay của rừng thảo quả, sự căng cứng của cơ đòi hỏi được nghỉ hay nhịp tim đập nhanh lên rồi dịu đều dần sau mấy hơi thở. Đầu tôi bắt đầu có những suy nghĩ đi tới đi lui:

Ồ, mệt quá.

Mệt thì nghỉ đi.

Ôi, tim đập nhanh quá, có sao không nhỉ? Hay là đi chậm lại một tí.

Hít vào thở ra dần dần xem sao?

Ồ, đỡ đập nhanh rồi này.

Ồ, mùi gì thơm thế nhỉ?

À, là thảo quả.

Cứ như thế, các dòng suy nghĩ xoay quanh sự có mặt của thân thể trên từng chặng. Tôi thấy mình dần xa những lo toan ở nhà, tập trung nhiều hơn vào cơ thể ở đó, hơi thở ở đó, bước chân ở đó. Suy nghĩ cũng bớt đi những chống đối, những thách thức, chối bỏ. Suy nghĩ bớt phán xét, bớt đánh giá, bớt “nếu”, “mà”, cảm thấy như có một chút khoảng cách với chính dòng suy nghĩ của bản thân. Lúc này, tôi có thể quan sát sự mệt mỏi mà không còn khó chịu như lúc trước, dù sự mệt nhọc thì càng lúc càng tăng.

Cho đến khi tới lán nghỉ, cũng là vừa lúc hạ trại, nấu ăn và nghỉ tối.

Với nhau

Các điểm leo núi bây giờ hầu hết đều có lán gỗ do dân địa phương dựng để cho khách leo núi thuê hạ trại và nghỉ qua đêm. Trên các bãi rộng, bằng phẳng quanh khu hạ trại, mọi người bắc bếp, đun củi nấu bữa tối.

Nhờ có các anh porter mà đồ ăn tươi được mang lên từ dưới chân núi. Đủ cả gạo nấu cơm, nấu cháo, rồi rau xanh mùa nào thức nấy, có khi thêm mấy cái măng rừng hay ít khoai sọ đào trên đường đi, rồi gà, thịt lợn đã làm sạch, gia vị, ngô, khoai và cả chút rượu uống cho ấm bụng trời giá rét.

Củi thì sẵn rồi, mang theo chiếc bật lửa khò hay chút xăng để mồi thì châm lửa không khó mấy, dù mùa này củi khá ẩm ướt. Dĩ nhiên việc nấu nướng là do các anh chị porter và trưởng đoàn làm, chứ khách leo núi thì còn đang ngồi trong lán thở phì phò vì mệt sau cả ngày leo lên. Trong lúc chờ nướng gà, nướng thịt lợn và nấu cơm, cả đoàn tranh thủ chăm sóc cho nhau bằng cách ngồi thành hàng và mát xa lưng, vai cho nhau! Thật là sung sướng vì đôi vai sau cả ngày mang ba-lô đi đường trường thật nhức mỏi. Người sau mát xa cho người ngồi trước rồi quay ngược lại để đổi chiều. Sự chăm sóc lẫn nhau khi ấy sao thân thương, quý trọng thế. Cái mệt nhọc ban đầu khiến mọi người khó chịu, cự nự thì giờ đã trở thành điểm chung để tất cả có thể hiểu được sự mệt nhọc của người kia, để săn sóc lẫn nhau.

Khi đồ ăn đã sẵn sàng, bên bếp lửa cùng với ngô, khoai, thịt gà, thịt lợn, cả đoàn ôn lại chuyện leo ban ngày, đã đau nhức thế nào, đã nản chí ra sao, đã e dè, lo sợ hay tự vượt qua bằng cách nào. Chúng tôi đều trở nên cởi mở hơn, bao dung hơn với bản thân và với người khác.

Chị Chi, người bạn đồng hành cùng đoàn chúng tôi chia sẻ: “U50 rồi, nhiều đoạn đi mệt thấy trăng, sao quay mòng mòng trước mặt luôn. Có trải nghiệm cảm giác đôi chân nhũn như bún, không đỡ nổi người mới thêm hiểu cảm giác của mẹ mình U70 những khi đau chân. Nhưng tôi vẫn có thể tiếp tục nhờ những người bạn đồng hành dễ thương luôn động viên, khích lệ tinh thần và đặc biệt là người dẫn đoàn đã kiên nhẫn đi cùng dù tốc độ của mình có khi như sên bò vì mệt quá”. Không phải chỉ U50 mà cả U30, U40 của đoàn chúng tôi cũng đều có những lúc chân nhũn như cọng bún rồi lê lết xuống bằng mông. Nhưng thật hay là khác với khi mới bắt đầu, mọi người ít than phiền hơn mà tập trung trợ giúp nhau. Vợ chồng, anh chị em, bạn bè trở nên chú ý tới nhau hơn, để khích lệ hay chờ đợi nhau cùng đi (dù như thế mình sẽ mệt hơn), để san sẻ đồ ăn hay để hỗ trợ nhau cùng nhặt rác dọc đường do ai đó vô ý bỏ lại.

Ba, bốn ngày cùng nhau leo núi, ngắt kết nối qua điện thoại (có muốn cũng không được vì không có sóng) chúng tôi đã có với nhau những giờ phút quý giá và chất lượng, giúp lòng vơi nhẹ những bộn bề như lời chị Chi chia sẻ “khép lại một năm bận rộn. Đi vào rừng để trút bớt những buồn phiền của năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới!”.