Lấy bản sắc để thoát “đồng phục” khi xây trường

Không ít công trình trường học xây dựng giống nhau, rất ít các công trình mang dấu ấn sáng tạo của kiến trúc sư. Trong khi đó, việc xây trường cần tôn trọng tính bản địa, văn hóa địa phương, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi địa phương. Làm sao để người dân mỗi địa phương tối đa hóa việc bảo tồn những giá trị bản địa trong phát triển và phát huy tốt nhất khả năng tham gia của họ.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi ngôi trường đều có thể gợi liên tưởng về những điều thân thuộc gắn bó với người dân vùng cao.
Mỗi ngôi trường đều có thể gợi liên tưởng về những điều thân thuộc gắn bó với người dân vùng cao.

Nương vào tự nhiên và văn hóa

Trường tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) là một trong những điểm trường đầu tiên được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 thiết kế. Ban đầu, ngôi trường được thưng bằng ván, lợp fibro xi-măng và chắp vá bởi các vật liệu thô sơ góp nhặt. Ngôi trường mới được xây bằng các vật liệu thân thuộc như gạch đất, tre, trúc… sẵn có ở địa phương. Từ trên cao nhìn xuống, công trình là những nếp nhà liên gian khiêm nhường, mái oval nhà đa năng kết nối hai dãy phòng học. Công trình bảo đảm các tiêu chuẩn chiếu sáng, thông gió, cách âm… linh hoạt, uyển chuyển trong-ngoài đủ các phòng chức năng như thư viện, bếp nấu, nhà nội trú, nhà vệ sinh…

Cô Đinh Thị Hoa, người dân tộc Tày, phụ trách điểm trường Lũng Luông với 129 học sinh, cho biết: Đến bây giờ, sau gần 10 năm cơ sở vật chất vẫn khang trang. Những viên gạch vẫn còn đẹp, nguyên mầu, các em học sinh cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Trường Na Pản, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, Sơn La nằm trên khu đất trung tâm, cổng tiếp giáp với đường liên thôn, phía sau nhìn ra con suối Nậm Vạt quanh năm chảy róc rách. Ngôi trường cũ trước đây được xây dựng với 3 khối nhà bằng gỗ, lợp fibro xi-măng nay được xây mới với dãy phòng học bằng gạch không nung kết hợp nhà đa năng làm từ đá suối. Ngôi trường được xây dựng với sự góp sức của các kiến trúc sư và người dân địa phương. 297 hộ, 1.489 nhân khẩu, hơn 3.000 ngày công, mỗi người nhặt từ suối 30 viên sỏi cuội, cuối cùng gom lại được gần 80 nghìn viên, đủ để xây nhà đa năng, lát sân và trang trí các hạng mục. Nhìn ngôi trường mới khang trang mọc lên, cô giáo và học sinh thích đến trường hơn mỗi ngày, các bậc phụ huynh thì nhận ra rằng “trường lớp và chữ nghĩa quan trọng không kém miếng ăn. Bỏ công xây dựng trường cũng là cách mỗi gia đình vun đắp cho tương lai của bản”.

Nhìn từ xa, điểm trường Thâm Luông, thuộc xã Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang trông giống như một cụm núi nhỏ nhấp nhô, hài hòa, vừa giống như các ngôi nhà của người H’Mông quây quần nằm cạnh nhau. Cuộc sống của người H’Mông gắn liền với cao nguyên đá, với những căn nhà trình tường đất, với mái âm dương xô lệch, với bờ rào đá… Ngôi trường mới của con em họ cũng giản dị, không gian sinh hoạt uyển chuyển, kết nối với nhà văn hóa, “như một thực thể đồng hiện cùng tự nhiên, phản chiếu núi đá, gió, mây và ánh sáng”. Vật liệu để xây dựng trường chủ yếu là đá hộc được khai thác tại chỗ, có sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương cùng cách thức xây dựng truyền thống. Xen lẫn các bức tường đá là những mảng sỏi cuội và gạch đất, như cách người H’Mông dệt thổ cẩm. Trong một hình hài mới nhưng điểm trường Thâm Luông vẫn giữ được nét giản dị bởi lối kiến trúc nương theo tự nhiên, mô phỏng tự nhiên.

Để các em muốn đến trường nhiều hơn

Là một trong những người đi khảo sát các điểm trường tại vùng cao, được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, anh Trần Trung Hiếu cảm nhận: “Bà con - những người sử dụng lại nhìn kiến trúc với góc nhìn khác. Với họ, kiến trúc không phải là kết cấu, vật liệu, không gian… Chỉ đơn giản là mỗi ngày họ cảm thấy muốn đến, muốn gắn bó với công trình đó, được sờ vào nó và cảm thấy ấm áp, với một điều gì đó thuộc về… để người ta tựa vào, chống chọi với những khó khăn của thiên nhiên và nhiều trở ngại khác trong cuộc sống”.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, xây trường ở vùng cao không nên giống như dưới xuôi, bởi các yếu tố địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và tập tục văn hóa mỗi vùng, miền đều có những đặc trưng khác nhau. Sẽ tốt hơn nếu ngôi trường đó tạo ra sự hứng thú cho học sinh, để các em được “học” mọi lúc mọi nơi, bất cứ nơi đâu khi đặt chân đến trường. Tuy vậy, thực tế hiện nay lại đang có nhiều điểm trường vùng cao khi xây dựng, phần lớn lại giống như trường dưới xuôi. Mô hình phổ biến là các dãy nhà hai, ba tầng chạy dài.

Còn đối với các ngôi trường ở đồng bằng hay các đô thị, kiến trúc trường học cũng đang được “mặc đồng phục” với các dãy nhà hai, ba đến năm tầng, diện tích lớp học không còn phù hợp với nhu cầu học và tương tác của thầy và trò. Riêng ở đô thị, không ít ngôi trường đang ở tình trạng chật hẹp, thiết kế kiến trúc không rõ ràng nên cần có giải pháp cải tạo, bảo đảm không gian học tập lý tưởng cho các em. Thiết kế trường học nên phù hợp với văn hóa vùng, miền cho từng địa phương. Điều này sẽ phát huy sự sáng tạo của kiến trúc sư, góp phần tạo nên những không gian an toàn, thân thiện, khơi gợi cảm hứng cho các em học sinh.

Công trình điểm trường Thâm Luông đã được trao giải xuất sắc hạng mục Trường và Đại học của Giải thưởng Kiến trúc quốc tế IAA năm 2024, với ý nghĩa về kiến trúc xanh, phát huy giá trị văn hóa địa phương.