Lan tỏa giá trị nhân văn của Phật giáo

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX diễn ra đúng vào dịp Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày thành lập.
0:00 / 0:00
0:00
Thượng tọa Thích Nhật Tứ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, dặn dò nhóm tình nguyện viên Phật giáo trước lúc nhóm lên đường hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN
Thượng tọa Thích Nhật Tứ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, dặn dò nhóm tình nguyện viên Phật giáo trước lúc nhóm lên đường hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Sau hơn 40 năm trưởng thành, phát triển, hội nhập cùng đất nước, đồng hành cùng dân tộc, cùng với các tôn giáo khác ở Việt Nam, Phật giáo đã và đang xây dựng tiền đồ vững vàng, khẳng định uy tín ở trong nước và trên thế giới. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với gần 55 nghìn tăng ni, 18 nghìn ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ phật tử. Hội đồng Chứng minh là biểu tượng tinh thần Đạo pháp, Hội đồng Trị sự điều hành 13 Ban, Viện và 63 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xiển dương đạo pháp, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo. Điều cốt lõi nhất làm nên sức mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các thành viên Giáo hội đã luôn luôn thực hiện tốt lời dạy của Đức Phật: Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật, trong đó giá trị nhân văn, nhân ái mà Giáo hội đã và đang xây dựng rất cần tiếp tục được lan tỏa và tôn vinh.

Mỗi năm, Giáo hội Phật giáo cả nước đóng góp hàng nghìn tỷ đồng trong bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giáo dục, chăm sóc y tế đối với cộng đồng. Nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, cùng với sự ủng hộ trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, quỹ vaccine, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiều tăng, ni đã khoác áo blouse, tình nguyện vào các tuyến đầu chống dịch, cùng các y, bác sĩ chăm sóc, giúp đỡ người bệnh đang điều trị ở các bệnh viện dã chiến. Ở khắp mọi miền đất nước, các cơ sở phật giáo, các nhà chùa… thường xuyên, liên tục có những hoạt động từ thiện, nhân đạo, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong xã hội.

Giá trị nhân văn của Phật giáo là hướng về con người, lấy con người làm trung tâm. Các lĩnh vực hoạt động xã hội đều hướng tới các giá trị vì con người, giúp mỗi người vượt qua khó khăn về vật chất, làm chỗ dựa về tinh thần, qua đó mong muốn xây dựng một xã hội an lạc, toàn thiện và hạnh phúc.

Đạo đức Phật giáo nổi bật với các giá trị lòng từ bi, đem tình yêu thương đến với mọi người, tu tâm, hành thiện… đã góp phần định hướng lý tưởng sống của nhiều người và trở thành kim chỉ nam hướng con người về chân-thiện-mỹ, với những phẩm chất nhân ái: từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha. Phật giáo mang trong mình trọng trách, sứ mạng đồng hành cùng dân tộc, là nền tảng để mỗi người suy ngẫm, cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc vững bền.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có lúc, có nơi, có cá nhân trong Giáo hội đã có những hành vi không đúng mực, vi phạm giới luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh tốt đẹp, truyền thống cao quý của Phật giáo Việt Nam. Trước thực trạng này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tăng sự Trung ương đã kịp thời xác minh, xử lý nghiêm minh, qua đó tăng cường giữ gìn kỷ cương, giữ gìn giới luật. Đồng thời khẳng định rõ tinh thần không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, kể cả các chức sắc Phật giáo nếu vi phạm.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tôn giáo phù hợp, tiến bộ để phát huy vai trò tích cực các giá trị, đạo đức Phật giáo, qua đó nâng cao sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh tinh thần nhân văn, nhân ái trong cuộc sống của nhân dân. Phát huy, tôn vinh, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cao quý của Phật giáo là công việc quan trọng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.