Làm sạch những dòng nước đen

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, tình trạng kênh mương ô nhiễm, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân trên một số địa bàn đã được nêu lên. Đây là một trong những thực trạng nổi cộm. Cử tri nêu vấn đề có tính cấp bách về thực trạng chịu đựng nhiều năm của cư dân, cần giải pháp xử lý triệt để từ chính quyền, các đơn vị chức năng.
0:00 / 0:00
0:00

Từ lâu, nhắc đến nhiều con sông ở Hà Nội như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Đáy…, là nhắc đến ô nhiễm kéo dài và những hệ lụy đối với các địa bàn cư dân hai bên bờ. Cùng với đó, những con kênh, mương bẩn với nước tù và rác thải bừa bãi vẫn len lỏi trong nhiều tổ dân phố, thôn, cụm dân cư, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của rất nhiều hộ gia đình.

Nhiều kiến nghị đã được nêu lên trong dư luận; nhiều đề xuất giải pháp đã được đưa ra, từ những xử lý cụ thể cho địa bàn đến tổng thể hệ thống sông, hồ, kênh, mương… Theo đó, cần có cái nhìn bao quát để xử lý trong cả hệ thống bởi nhiều sông, hồ, kênh, mương liên thông với nhau, ô nhiễm nơi này sẽ lây lan sang nơi khác. Còn phải kể đến hệ thống cống từ các địa bàn dân cư và hệ thống thoát nước, xả thải của các cơ sở sản xuất bởi nhiều nơi nước thải xả thẳng ra sông, kênh, mương và việc xử lý đầu nguồn còn bất cập. Xây dựng kè, xử lý trên dòng chảy, lọc thô sơ từ hệ thống miệng cống… thực tế cũng chỉ giải quyết được phần nào. Trong suốt quá trình đó, thì rất đông cư dân vẫn phải hằng ngày sống bên những dòng nước bẩn. Thậm chí chính các hộ gia đình, hộ sản xuất cũng góp phần làm cho kênh mương ô nhiễm hơn, tự làm cho đời sống của mình càng chật vật.

Nhìn rộng ra, các quy định luật pháp liên quan đến môi trường cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, căn cứ từ những hiện trạng dai dẳng thời gian qua. Trong đó, cần nâng cao hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường của từng đối tượng liên quan, từ chính quyền đến người dân và cơ quan chức năng. Cần ràng buộc chặt chẽ đối với trách nhiệm của cơ quan chức năng, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn về tình hình môi trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý, công tác. Nên xây dựng, lắp đặt hệ thống giám sát, đo lường nhanh chóng và thuận tiện nhằm sớm phát hiện những bất cập về môi trường cũng như mức độ ô nhiễm trên các địa bàn để xử lý. Đặc biệt là những định hướng về việc nghiên cứu, triển khai các chương trình ngăn ngừa, giảm thiểu, triệt tiêu tình trạng ô nhiễm cụ thể với từng địa bàn dân cư, từng địa phương khác nhau. Như vậy nhằm tránh được những chỉ đạo chung chung hay chương trình thực hiện hao hao giữa các địa bàn khác nhau nhưng thiếu những kết quả cụ thể.

Rất nhiều mục tiêu, kỳ vọng được đưa ra, không ít hoạt động đã được triển khai liên quan đến việc giảm bớt tình trạng ô nhiễm kênh, mương trong quá trình phát triển đô thị. Nhưng hình ảnh nhiều gia đình vẫn hằng ngày đun nấu, ăn uống, giặt giũ, ngủ nghỉ bên cạnh những dòng nước đen suốt nhiều năm, thật sự là câu hỏi gây nhức nhối.