Cảnh báo từ sự cố máy tính toàn cầu

Ngày 19/7, nhiều hệ thống lớn tại sân bay, bệnh viện, doanh nghiệp sử dụng hệ điều hành Windows bất ngờ gặp lỗi "màn hình xanh chết chóc" (Blue Screen Of Death - BSOD).
0:00 / 0:00
0:00

Vấn đề được xác định bắt nguồn từ bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh màn hình xanh và nhận xét "đầy ám ảnh". CrowdStrike đã xác nhận bản cập nhật phần mềm Falcon Sensor, dùng để bảo vệ máy tính Windows, gây ra sự cố.

Chiều 19/7, Microsoft tuyên bố sự cố đã được khắc phục, nhưng có thể vẫn còn ảnh hưởng nhất định. Theo các nhà phân tích, đây có thể là lỗi mất kết nối lớn nhất và có tính "tàn phá" nhất từ trước đến nay. Reuters dẫn lời Giáo sư Ciaran Martin tại Trường Chính phủ Blavatnik thuộc Đại học Oxford, kiêm cựu Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh, cho biết: "Đây là minh họa rất, rất khó chịu về sự mong manh của cơ sở hạ tầng internet trọng điểm của thế giới".

Từ nhiều nguồn thông tin tổng hợp, thiệt hại do sự cố này gây ra ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, không chỉ là ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của công dân tới nhiều quốc gia, thiệt hại tới lĩnh vực kinh tế, tài chính, nó thậm chí ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người khi khiến cho việc điều trị của nhiều bệnh nhân bị chậm trễ.

Tại Việt Nam, theo đánh giá từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, chỉ trong quý I/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện tổng số 32.265 vụ tấn công mạng và mạng công nghệ thông tin trọng yếu, tăng 18,7% so với cùng kỳ 2023. Trong lịch sử, chúng ta cũng đã từng gặp phải nhiều sự cố do các hệ điều hành bị tấn công bằng nhiều phương thức. Dù nó chưa trực tiếp ảnh hưởng tới tính mạng của mỗi cá nhân, song cũng đã có lúc đe dọa tới an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội khi tội phạm tấn công vào các hệ điều hành của các cơ quan quan trọng.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) là điều mà chúng ta chấp nhận vì những tiện ích của nó mang lại, song chính điều đó cũng tạo ra những nguy cơ lớn hơn về an ninh mạng. Thách thức lớn nhất đối với công nghệ này là lừa đảo và tấn công có chủ đích APT, với mức độ ngày một gia tăng về số lượng và cả mức độ phức tạp của các kịch bản lừa đảo, nhất là khi tội phạm sử dụng kết hợp Deepfake và GPT. Khả năng thu thập và phân tích dữ liệu người dùng thông qua AI tạo ra những chiến lược lừa đảo tinh vi. Tấn công APT tiếp tục gia tăng khi dữ liệu quan trọng từ các tổ chức luôn trở thành đích ngắm của tội phạm mạng toàn cầu.

Từ sự cố này, có thể thấy đòi hỏi về sự tăng cường phòng thủ an ninh đối với các hệ thống trọng yếu. Đồng thời cho thấy nguy cơ mà mỗi quốc gia phải đối mặt khi phụ thuộc quá nhiều vào AI.