Ăn mục đồng

LTS: Bài viết “Hồi sinh lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu” đăng trên Thời Nay số 1497, 20/5/2024 của tác giả Anh Đào nhận được nhiều chú ý của bạn đọc với những chia sẻ rằng, phong tục tôn vinh hay dành ra một ngày để chăm nom “trẻ trâu” cũng có ở một số địa phương. Nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình có gửi đến Thời Nay bài viết về nghi lễ “Ăn mục đồng” ở quê hương ông. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhớ thời thơ ấu. Ảnh: NAM HẢI
Nhớ thời thơ ấu. Ảnh: NAM HẢI

1/Mấy chục năm công tác xa nhà, mỗi lần về quê, tôi đều tranh thủ đến chơi, thăm hỏi bà con trong họ. Không đi được nhiều thì cũng phải đến được những chỗ thân tình. Tới thăm ông bác họ suýt soát 80 tuổi lần này, từ câu chuyện trong làng, ngoài xóm, người này còn, người kia mất, bác tôi thở dài: “Đời người chả mấy tí, chưa kịp quên chuyện trẻ con thì đã là người già”… Từ đấy mới ra cái chuyện “ăn mục đồng”. Quá ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên tôi được nghe đến chuyện “ăn mục đồng” của trẻ con ngày xưa.

Mục đồng là trẻ chăn trâu. Ăn mục đồng không phải là ăn trẻ chăn trâu mà là trẻ chăn trâu ăn tập đoàn, như là ăn liên hoan bây giờ. Trước năm 1945, trong làng chỉ những gia đình trung nông trở lên mới có trâu, ít thì một con, nhiều thì vài ba con. Trẻ chăn trâu thường từ 10 đến 15 tuổi, có cả trai cả gái. Con nhà nghèo không có trâu để chăn thì mang quang sọt đi theo hót phân trâu về ủ bón ruộng và cũng được coi là mục đồng. Và đôi khi trẻ con đi lấy phân trâu lại phải chăn trâu nhiều hơn trẻ có trâu. Vì đã nhận phân của con trâu nào mà không chịu khó chăn, trâu không no thì cũng không có phân mà lấy. Nếu đến tận lúc trâu về làng rồi mà không có thì hôm ấy trẻ đi lấy phân cũng thất bại. Đã có trường hợp cuối chiều, trẻ lấy phân phải dắt trâu xuống ruộng lầy cho nó đi nhiều vòng để đợi lấy phân.

Hằng năm, thường vào khoảng tháng 4 và tháng 7 âm lịch, chọn ngày đẹp trời, người lớn đứng ra tổ chức bữa liên hoan cho mục đồng, gọi là ăn mục đồng. Đây là cách gọi tắt như “ăn đồng niên”, “ăn đồng ngũ”, “ăn đồng thợ”, “ăn đồng môn”… Cứ mỗi lần ăn mục đồng như thế đều được người lớn của một trong số các mục đồng đứng ra lo từ khâu tổ chức, quyên góp và thực hiện. Ngoài các gia đình tự nguyện cho mục đồng nào gạo, thịt, rau, muối thì thành phần không thể thiếu là vô số những hoa quả. Mà hoa quả lại do các mục đồng đóng góp là chính. Mục đồng đến các gia đình có hoa quả để xin. Thậm chí vào cả chùa lấy hoa quả mà nhà chùa không trách cứ.

2/Ngày trước, cánh đồng làng Văn Nội, tổng Xốm quê tôi (nay là phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) thuộc loại “đồng xôi ruộng mật” thẳng cánh cò bay và được chia làm các man, mỗi man xây một cái nhà ngói khoảng chừng 15 m2 gọi là cầu ngói. Cầu ngói là nơi trú ngụ khi mưa, nghỉ chân khi nắng của người đi làm đồng. Ban đêm, cầu ngói là chỗ trực trông đồng của những người bảo vệ đồng mà trước đây gọi Tuần và sau này là thủy lợi. Tuần là một đội gồm 9 trung niên khỏe mạnh, uy tín giữ vai trò như lực lượng dân quân sau này. Nhiệm vụ của Tuần là bảo vệ làng, bảo vệ đồng áng, mùa màng. Hằng năm, làng trích ra một khoản trả công cho lực lượng này. Cầu ngói là chỗ nghỉ đêm của Tuần. Và tất nhiên, ban ngày cầu ngói là chỗ tụ tập chính của mục đồng. Cách mạng Tháng Tám thành công, lực lượng Tuần được chuyển thành dân quân, sau đó thành lực lượng bảo vệ đồng. Ở quê tôi, con số 9 người trong Tuần ngày xưa vẫn được duy trì nhưng chuyển thành 9 cụ ông cao niên nhất trong làng và gọi là Hội đồng cụ Nhất. Hội đồng cụ Nhất được chính quyền, đoàn thể tôn trọng và tham khảo ý kiến trong các công to, việc lớn của làng. Mỗi khi có một cụ qua đời thì lại tôn cụ ông cao niên tiếp theo vào cho đủ 9 cụ trong Hội đồng cụ Nhất.

3/Ngày ăn mục đồng được tổ chức tại các cầu ngói. Người lớn đến phiên sẽ lo cơm nước cho đám mục đồng. Lũ trẻ vây quanh góp chân góp tay nhộn nhịp. Giữa cánh đồng mênh mông, tiếng cười nói trong trẻo quyện vào nắng gió mà bay cao, vang xa. Một mâm đầy đủ thức ăn chín và hoa quả được bày đặt trên bệ cao trong cầu ngói để cúng thần đồng, cầu mưa thuận gió hòa mang lại yên lành cho tất cả mục đồng trong làng và cho mùa màng tốt tươi. Sau lễ khấn của người lớn thì đến các mục đồng ra lễ vái, đứa nọ ẩy vào lưng đứa kia mà cười khúc khích.

Tuần nhang vừa hết thì các mâm được bày ra và đám mục đồng ăn uống vui vẻ. Cũng như cách ăn cỗ, ăn tập đoàn ở nông thôn trước đây, các mục đồng cũng chia phần gói mang về. Có mâm bảo nhau chia phần, gói trước thức ngon để mang về, sau đó mới cùng ăn, vì ở nhà có em nhỏ đang chờ anh hay chị đi ăn mục đồng mang phần về.

Không biết lệ “ăn mục đồng” có từ bao giờ. Chỉ biết trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trẻ em ở nông thôn không có tổ chức hay đoàn thể gì ngoài việc một năm hai lần tổ chức ăn mục đồng. “Ăn mục đồng” có thể xem như một hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh của trẻ em nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ trước Cách mạng Tháng Tám.

Trong lúc đợi hết tuần nhang, người lớn căn dặn các mục đồng đoàn kết, không đánh nhau, không đào hang bắt chuột làm hỏng bờ, đìa, không ăn đòng đòng và đặc biệt không để trâu ăn lúa hay phá hoại hoa màu… Các mục đồng phát biểu và hứa hẹn.