Trong giấc mơ mục đồng

LTS: Sau một số bài viết về chủ đề mục đồng trên Thời Nay được bạn đọc chú ý, Thời Nay nhận được bài viết với những hoài niệm của nhà thơ Lữ Mai về trẻ mục đồng ở quê hương Lĩnh Toại (Hà Trung, Thanh Hóa) của mình. Có thể thấy, ở nhiều nơi, trẻ mục đồng đều được “người lớn” ưu tiên với những săn sóc nhỏ bé mà ấm cúng.
0:00 / 0:00
0:00
Tranh: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Tranh: NGUYỄN VĂN ĐỨC

1/Ngày mùa, có những hôm chẳng may mưa dông bất thường, đám mục đồng không kịp dắt trâu về, đành cột trâu gần điếm canh đê rồi ngồi lọt thỏm giữa những người thợ cấy nói giọng làng này xã kia. Dấu vết lam lũ hằn in trên làn da sạm nắng, từng đốm tàn nhang lỗ chỗ, những đôi mắt trũng sâu nhưng nụ cười vẫn bừng tỏa. Có người hỏi mấy tuổi rồi, bữa cơm ăn mấy bát, bây giờ đã đói chưa… Mùi bùn non, mùi mồ hôi, mùi lam lũ nhọc nhằn… vẫn trong veo từ thuở ấy.

Mẹ tôi luôn có quà cho trẻ mục đồng, là những búp sen non mọc chen vào lúa. Để tránh hoa héo vì nắng hè, mẹ thường nhúng cả búp sen xuống nước rồi cài bên trong vành nón. Búp sen non phơn phớt sắc xanh, lũ trẻ vừa chăn trâu, vừa chụm đầu vào bóc từng lớp cánh để lộ ra nhụy vàng, tách lấy hạt non, gạo sen ăn cho vui miệng.

Nhớ mỗi sáng tinh mơ, từ 5 giờ kém 15 phút, mấy cái loa treo trên đầu cột điện vang vang: “Hôm nay, toàn xã đón nước vào đồng ruộng. Bà con nhân dân tập trung thăm nom cây trồng, đắp lại bờ vùng bờ thửa…”. Mục đồng thực ra đã dậy lâu rồi, nhưng lúc ấy mới chịu lộn nhào từ giường xuống đất, hí hửng ra mặt. Phải cho trâu đi tắm nước mới. Con mương ngày thường lặng phắc, nước cạn tới bắp chân nay ăm ắp, no nê. Từng dòng nước phăng phăng chảy từ trạm bơm nước sông, uốn lượn theo mương nước phía trước mỗi ngôi nhà rồi chia thành nhiều nhánh nhỏ tưới mát ruộng đồng. Trước khi trâu ăn cỏ, chúng cho người bạn tuổi thơ hưởng nguồn nước mát lành sau giấc ngủ nhọc nhằn giữa hè oi bức.

“Ê chúng mày, người ta toàn ví von những con trâu ăn no như quả sim chín”, giọng đứa trẻ cất lên lảnh lót, cả đám hùa vào: “Đúng quá còn gì! Chiều nay thi xem “sim” nhà ai mọng nhất!”. Đàn trâu ngoan hiền gặm cỏ, mục đồng tha thẩn tìm vui thú. Đầu tiên là những bụi cây mâm xôi quả chín màu đỏ cam thật thích mắt. Đám trẻ nhao nhao chui vào bụi hái quả đựng đầy vạt áo rồi chui ra chia phần.

2/Nhịp chuyển mùa, khi cỏ ngoài đồng khô héo, mục đồng mang theo cơm để chăn trâu ở những bờ bãi xa hơn, tận làng khác, xã khác. Trong túi vải, giỏ nan be bé đeo bên hông lúc lỉu nắm cơm thật to, thật chắc, nhà nào sang thì có thịt rim mặn, bằng không thì muối vừng, thậm chí là muối trắng. Chăn trâu tới khi mặt trời ngà ngà, đỏ lựng đằng tây từ từ rúc xuống những vầng mây rực rỡ thì lại cho trâu tắm, đọ xem “sim” nhà nào “mọng” hơn về nhà còn khoe người lớn. Mùa đông, mục đồng còn mở cuộc thi trâu no, trâu béo. Đứa trẻ nào chăm chỉ, khéo léo tìm được chỗ nhiều cỏ, mang theo liềm cắt thêm cỏ cho trâu sẽ biết ngay. Ai xếp đầu bảng được người lớn thưởng quà. Quà thì cũng thật đặc biệt. Khi là cỗ xe đồ chơi được các ông thợ mộc trong xóm đẽo, bào từ gỗ mít; khi là những chiếc lược sừng thủ công mà đứa bé gái nào cũng ước mơ…

Những mùa đông giá lạnh, đôi khi cũng có những bữa đói, trẻ mục đồng đã quen cháo loãng với cá kho. Cá cả đám tát ở một đoạn mương cạn nước, vừa chăn trâu vừa quanh quẩn bên lùm cây bụi một loáng đã kiếm đủ lá cho món kho rồi. Rủ nhau chui cả vào bụi găng đầy gai hái lá, thêm cả quả già, rồi lại xuống mương nước bóp từng quả cho bọt nổi lên trắng xóa như xà-phòng, cứ thế thổi tung cho bay khắp không gian trong leo lẻo, xao động những vầng mây xam xám in bóng nước.

Thú vị nhất là khi Tết đến. Chiều mồng Một, đám trẻ đã giong trâu ra đồng. Người có Tết cớ gì trâu không đón Tết? Mỗi đứa trẻ được bố mẹ cho cái bánh chưng con, phong bánh khảo hoặc nhúm kẹo vị hoa quả tổng hợp. Mục đồng cùng bày tiệc trên bãi cỏ rộng góp chung. Những đứa trẻ ngoan sẽ véo ít bánh chưng, bánh khảo để sát mũi trâu cho trâu ngửi ngửi. Chiều giong trâu về, đứa nào đứa nấy quên luôn việc ban sáng vừa mè nheo nũng nịu muốn ở nhà nhận tiền mừng tuổi.

3/Lần nào kể chuyện cho đám trẻ, những người già cũng bắt đầu từ chuyện làng. Mục đồng như cây cầu nối chuyện này tới chuyện kia, chuyện hôm qua với chuyện hôm nay và mai sau. Dấu chân, tiếng cười mục đồng ngân nga mùa vụ. Mùa gặt phụ người lớn vác lúa lên bờ, cắt rạ xếp gọn gàng một góc ruộng để nhà có thể phơi khô làm chất đốt hoặc đan thành từng lớp phên gọn ghẽ lợp chuồng lợn, chuồng gà. Mùa nhổ lạc gom thân trên đầy những lá của cây lạc đã cắt rời khỏi gốc thành từng đống to để qua vài trận mưa to, người lớn ủ phân xanh bón cho đồng bãi vào mùa tới. Mùa bẻ ngô chặt thân ngô, phơi lên bờ đê, chờ khô giòn bó từng bó về đun bếp hoặc róc lá ngô, bẹ ngô mang về cho gia súc. Làm hết việc rồi thì đi mót lúa, mót ngô, mót khoai, mót lạc…

Trong giấc mơ mục đồng, tinh nghịch trò bẫy chuồn chuồn ngô khoang đen khoang vàng, đôi cánh thì trong suốt, lúc cụp lúc căng. Là những chiều hái lá nhuộm diều hệt mầu lũ cánh cam nấp trong từng bụi duối, bụi dứa dại trên đê. Mùa nào thì người quê cũng thường vội vã bán lúa mới và thồ từng xe thồ khoai, lạc… chèn cả những bó dây khoai, ngọn khoai đi bán ở chợ xa. Khói ngún từ những cái bếp nhỏ tự chế, ngai ngái, hoai nồng. Mục đồng ưu tư, mơ mộng nhìn khói. Bao nhiêu tưởng tượng xa xôi, mông lung vẽ ra mái đình nét cong, nàng tiên đang múa… trên lưng trâu khúc khích nắng mưa.