Làm giàu có thêm mầu dân tộc

Họa sĩ Vũ Công Trí (sinh năm 1976) hiện là giảng viên mỹ thuật Trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang. Với loại hình điêu khắc, gò đồng, liên tục nhiều năm qua, anh đã có tác phẩm đạt giải thưởng mỹ thuật khu vực và toàn quốc. Nhiều nhà sưu tập đã tìm mua tác phẩm của anh. Họa sĩ chia sẻ về góc nhìn hướng tới những giá trị chuẩn mực về văn hóa mang tính dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Làm giàu có thêm mầu dân tộc

Phóng viên (PV): Thưa anh, nghệ thuật luôn cần hướng tới công chúng, nhưng vì sao anh lại sử dụng từ “SEM” tranh Đông Hồ trên một tạp chí nghệ thuật?

Họa sĩ Vũ Công Trí: (cười) Đó là bài “SEM” tranh “Đám cưới chuột”. “SEM” ở đây là từ viết tắt của Search Engine Maketing - nghĩa là tiếp thị và tối ưu hóa qua các công cụ tìm kiếm, nó đồng âm nhưng khác nghĩa hoàn toàn với “xem” thông tục… “SEM” để trong ngoặc kép được coi như là “chìa khóa” để cùng người đọc tiếp cận mở vào bức tranh dân gian rất nổi tiếng là Đám cưới chuột. Tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Đông Hồ nói riêng, cùng là nghệ nhân tranh dân gian nhưng nghệ nhân sáng tác là bậc thầy của nghệ nhân cắt ván in (ngày nay gọi là khắc ván). Xưa người nghệ nhân sáng tác thường là nhà Nho, là người có học, am hiểu văn hoá, lịch sử, xã hội, có tài quan sát, có khiếu thẩm mỹ…

Chính vì thế mà tranh dân gian có nội dung rất phong phú, ngoài yếu tố hình còn kèm theo các chữ Hán, chữ nôm theo kiểu “Thư họa đồng nguyên” cùng xuất hiện trong một bức tranh. Điều đặc biệt là trong các tranh lợn đàn, lợn độc, lợn ăn lá dáy và cả con lợn trong thổ công, Táo quân, con trâu… mỗi con vật đều có hai cái khoáy cách điệu của biểu tượng âm-dương. Từ xa xưa, qua trải nghiệm cuộc sống, người phương Đông đúc rút ra triết lý âm-dương, ngũ hành… Khi dùng từ “SEM” là để gói những mục tiêu của việc thẩm bức tranh dân gian cụ thể là tranh Đông Hồ là như vậy.

Làm giàu có thêm mầu dân tộc ảnh 1

Tác phẩm “Chuyện kể về lưỡng cư”, gốm.

PV: Có người thắc mắc rằng, khi đã nói đến tranh dân gian Đông Hồ thì phải gọi là “màu dân tộc” có “nguyên tính dân tộc”. Anh có thể làm sáng tỏ việc này ở từ góc nhìn của họa sĩ?

Họa sĩ Vũ Công Trí: Xin thưa, dưới góc nhìn đặc điểm tâm sinh lý thị giác thông thường, Màu dân tộc không có trong bảng mầu tranh dân gian Đông Hồ. Bởi vì, trong bảng mầu - nguyên vật liệu để in ra một tờ tranh chỉ có các mầu xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, trắng, đen, lý, lam, tràm, tím… và những mầu này được chế biến từ các mầu có gốc trong tự nhiên như xanh từ lá cây tràm (không phải chàm), đỏ từ sỏi son, đất sét đỏ, cây vông vang, vàng từ hoa hoè, quả chi tử (dành dành), đen từ than lá tre (không phải từ than tre), than rơm, than cói chiếu (được đốt dưới sự giám sát của người có kinh nghiệm, nếu để quá than sẽ thành tro mất độ đen), mầu trắng được chế từ vỏ sò, bột xương động vật, bột ngà voi (bột sò không thể gọi là mầu điệp), mầu trắng điệp được chế từ vỏ con điệp - một loài nhuyễn thể vỏ mỏng trắng ánh bạc lấp lánh… không thấy có “mầu dân tộc” là mầu gì (!?).

Tôi dám khẳng định “mầu dân tộc” ở đây chỉ bắt đầu xuất hiện cùng với bài thơ “Bên kia sông Đuống” với câu thơ “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” của nhà thơ Hoàng Cầm. Như “lá diêu bông” xuất hiện thì khá nhiều độc giả nhất định tin rằng có một loài cây gọi là “diêu bông” trong tự nhiên... Nhà thơ đã sáng tạo ra mầu khái quát tinh thần không có trong bảng mầu thị giác.

PV: Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập và phát triển chung, trước vấn đề bảo tồn và phát triển văn hoá ở thời đại mới, thì “mầu dân tộc” theo anh được hiểu thế nào cho phù hợp?

Họa sĩ Vũ Công Trí: Bác Hồ đã dạy, đại ý: cần tiếp thu văn hóa tinh hoa của nhân loại để hoàn thiện văn hoá dân tộc. Văn hóa Việt Nam nối tiếp nhau trong lịch sử đã hội nhập nhiều chiều, của Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Nga… tạo nên sự phong phú đa dạng và phát triển trong sự hội nhập đa phương. Với nhận thức từ thực tế đến chủ trương của Đảng và nhà nước hiện nay về con đường phát triển văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” để xây dựng con người mới, phát triển bền vững đất nước là đúng đắn.

“Mầu dân tộc” chính là mầu sắc tâm hồn của người Việt, là lòng nhân ái, nhân văn, yêu nước… chứ không phải là mầu xanh, đỏ, tím vàng ở bề ngoài. Vì vậy, để văn hóa Việt phát triển và mang đậm bản sắc dân tộc thì mỗi cá nhân phải mở rộng tầm cảm quan, sự hiểu biết cặn kẽ thêm văn hóa các dân tộc khác thì mới có thể thụ cảm được sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. “Mầu dân tộc” đã ở trong máu, trong tim, trong mạch nguồn cuộc sống từ mỗi người nghệ nhân, mỗi người yêu văn hóa Việt, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt ra cộng đồng và thế giới rồi.

PV: Cảm ơn họa sĩ! Chúc anh sức khỏe và nhiều cống hiến cho nghệ thuật!