Hồi sinh lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu

Bị gián đoạn vì chiến tranh, vì nhiều điều kiện khách quan khác, đến nay, lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mới được phục dựng. Làng Phong Lệ - vùng quê bình yên với nhiều giá trị văn hóa, di sản của thành phố Đà Nẵng - thêm lần nữa được hồi sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ cúng xin rước Thần Nông tại cồn Thần về đình làng Thần Nông được các bô lão trong làng thực hiện nghiêm cẩn, trang trọng.
Lễ cúng xin rước Thần Nông tại cồn Thần về đình làng Thần Nông được các bô lão trong làng thực hiện nghiêm cẩn, trang trọng.

Đều do “trẻ trâu” đảm trách

Chúng tôi về thôn Phong Nam, nơi diễn ra sự kiện phục dựng lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ năm 2024, một không khí lễ hội đầy đủ ý nghĩa với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, họ, tộc. Theo truyền khẩu, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Một ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Người dân cho rằng, có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám đến cồn. Từ đó, cồn có tên là cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu đi lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không trẻ nào hề hấn gì. Từ đó, tiếng gần đồn xa là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, là nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Xuất phát từ câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần hình thành một lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu, gọi là Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ, diễn ra vào ngày mồng một tháng Tư âm lịch hàng năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Sau 70 năm gián đoạn, lễ hội rước Mục đồng được phục dựng và tổ chức 3 lần vào các năm 2007, 2010 và 2014.

Nghi thức quan trọng nhất là rước Thần Nông từ cồn Thần về đình Thần Nông; tiếp theo là lễ an vị thần; sau cùng là lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ. Đây là lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu - nhân vật chủ chốt của lễ cúng đình Thần Nông và cồn Thần. Từ việc thu gom vật phẩm trong làng, đến nấu nướng, mua sắm dọn lễ... đều do trẻ chăn trâu trong làng đảm trách. Các chức sắc cao niên trong làng chỉ đạo văn tế lễ. Sau lễ cúng tổ chức dọn tiệc ngay tại đình. Toàn bộ trẻ chăn trâu và các vị chức sắc cao niên trong làng ngồi dự bình đẳng với nhau. Trong tâm thức của người dân nơi đây, Thần Nông là vị thần bảo trợ nông nghiệp, ban cho mùa màng bội thu nên cứ 3 năm 1 lần người nông dân tổ chức lễ hội Mục đồng nhằm tạ ơn Thần. Đến ngày lễ rước mục đồng, người dân trong làng cùng đoàn tụ về làng để tham dự, hóa thân thành những mục đồng.

Đã khá lâu rồi mới có dịp hòa mình vào không khí lễ hội Mục đồng, được cùng con cháu trong làng ôn lại những ký ức về văn hóa làng quê Phong Lệ, ông Ngô Tấn Sang, 78 tuổi, xúc động nói: “Mỗi khi làm lễ, xuống rước về, coi như là cầu an cho dân, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt. Ba năm một lần là lễ hội được tổ chức quy mô lớn, còn lại hằng năm thì dân làng làm lễ cúng tế tại đình làng Thần Nông. Lễ hội Mục đồng được tổ chức và con cháu noi theo, hiện nay lễ hội càng có ý nghĩa hơn khi được tạo điều kiện phục dựng trở lại”.

Hồi sinh lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu ảnh 1

Lễ hội tái hiện hình ảnh mục đồng.

Có một không hai

Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ năm 2024 vừa được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/5 (29 tháng Ba đến mồng 1 tháng Tư âm lịch). Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, triển khai thí điểm xây dựng thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trở thành làng kiểu mẫu có bản sắc riêng.

Ông Ngô Tất Hiền, 72 tuổi, Trưởng làng Phong Lệ, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết, nghi thức thờ Thần Nông thì nhiều nơi thờ chứ không phải chỉ có riêng Phong Lệ. Nhưng cái riêng của Phong Lệ là trên thờ Thần, cung kính nhớ công đức tiền nhân, tiền hiền; dưới, không quên những đứa trẻ sớm cơ cực, sống với công việc chăn giữ trâu. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng Đinh Thị Trang, cho rằng: Đây là một lễ hội độc đáo, có một không hai trên cả nước mà thành phố nên gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị của nó trên cả phương diện văn hóa và du lịch.

Ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, cho biết: Theo đề án của UBND huyện Hòa Vang về xây dựng làng văn hóa đặc trưng của thôn Phong Nam, tại làng Phong Lệ sẽ được xây dựng nhà trưng bày nông cụ, tôn vinh trọn vẹn các giá trị gắn với nông nghiệp - nông thôn, trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo nét văn hóa riêng của con người Hòa Vang, giàu tính nhân văn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, cộng đồng dân cư, tộc họ.

Em Lê Văn Thanh chia sẻ: “Được tham gia đóng vai trẻ chăn trâu, cầm lồng đèn tham gia đoàn rước Thần Nông từ cồn Thần về tới đình làng Thần Nông, em vừa háo hức vừa tự hào. Mặc dù đã nghe ông nội em kể lại về lễ hội này nhưng khi được tham gia vào lễ hội, em mới hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất nơi các em được sinh ra và lớn lên sau hòa bình.