“Kỹ sư làng” chế tạo máy sản xuất đũa tre

Quê Tài là vùng nguyên liệu tre, luồng có thể nói là lớn nhất trong cả nước với rất nhiều tre thuần tự nhiên vì được trồng tự phát từ gần trăm năm trước, nên được đánh giá rất cao về chất lượng. Tài nghĩ, sao quê mình có nguồn nguyên liệu tre nhiều thế mà chỉ chặt bán thô cho các nơi? Phải làm sản phẩm gì đó từ tre? Có thể làm đũa tre thủ công!
0:00 / 0:00
0:00
Anh Tài (ngoài cùng bên phải) giới thiệu và vận hành chiếc máy tự sáng chế.
Anh Tài (ngoài cùng bên phải) giới thiệu và vận hành chiếc máy tự sáng chế.

Chạy về từ đại dịch

Lớn lên ở vùng núi cao huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Nhà nghèo, học chưa hết cấp hai trường làng, Hà Đức Tài phải bỏ học, hằng ngày vào rừng kiếm củi, kiếm măng gánh ra chợ đổi gạo. Những năm tháng khó khăn, cái nghèo cái khổ luôn đeo bám. Khi những đứa con ra đời, cuộc sống càng bế tắc hơn. Tài để vợ con lại quê nhà, khăn gói vào Nam tìm kế đổi đời.

Chưa được bao năm thì đại dịch Covid-19 hoành hành. Thế là lại theo đoàn người chạy dịch về quê. Thất nghiệp, không vốn liếng, quê miền núi, kiếm việc làm phù hợp càng khó gấp bội mà nếu có thì ngày công cũng rất thấp và bấp bênh. Sau nhiều đêm thức trắng, Tài quyết định, phải làm một cái gì đó chứ không thể khoanh tay chấp nhận đói nghèo.

Tìm hiểu thị trường, Tài thấy đũa tre công nghiệp đã tràn ngập thị trường và ngay tại vùng tre quê mình cũng là nơi sản xuất đũa tre sơ chế cung cấp cho cả nước. Mặc dù đũa tre thủ công vót bằng tay thì rất được ưa chuộng. Nhưng là đũa tre làm bằng thủ công thì năng suất rất thấp, mẫu mã kém, ngày công thu nhập không thể đủ sống. Nhiều đêm vắt tay lên trán, Tài nung nấu ý chí phải làm đũa tre thật tốt, thật sạch không sử dụng hóa chất. Phải làm một chiếc máy vót đũa tre!

Nhưng vợ anh phản đối dữ dội, bởi biết chồng không học nghề và chưa từng làm cơ khí bao giờ. Điều kiện của vợ chồng lúc này rất khó khăn. Nhưng, mặc cho “nóc nhà” khóc hết nước mắt, Tài vẫn quyết tâm làm. Và rồi, dù không được học về kỹ thuật, với một người trình độ chưa hết cấp hai trường làng, tất cả phải tự mày mò căn căn vẽ vẽ bằng bút bi trên giấy… Khi bắt tay vào làm mới thật sự thấy khó làm sao! Tài muốn gì cũng phải tự mình gia công lấy. Đơn giản như hai cây sắt tròn dẫn hướng của chiếc máy dập ra chiếc đũa tròn hai đầu bằng nhau, anh phải dùng đến đoạn thép xoắn phi 18, ngồi mài hì hục suốt ba ngày thông mới đạt yêu cầu. Bánh đà của chiếc máy ấy cũng đã phải đúc bằng bê-tông, rồi hoàn thiện cả nửa tháng mới xong.

Thật may mắn là Tài đã thành công ngay trong lần đúc đầu tiên, nó hoạt động rất tốt và chính xác. Vẫn có lực dập, cắt, nén hàng tấn để xử lý ngọt ngào những cây nguyên liệu dăm chục năm tuổi…

“Kỹ sư làng” chế tạo máy sản xuất đũa tre ảnh 1

Bảng theo dõi thử nghiệm trong quá trình sản xuất và chống nấm mốc cho đũa.

Máy thành công, người… tiều tụy

Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Bình quân, mỗi một chi tiết máy Tài phải hàn vào, cắt ra, chỉnh đi, sửa lại từ ba đến 10 lần. Nếu tính tổng hợp mọi chi tiết lớn, nhỏ khác nhau của tất cả cỗ máy từ máy sơ chế, máy tinh chế, đánh bóng, hấp sấy mà anh tự tay gia công ấy cũng đã là con số không dưới 500 chi tiết. Có những chi tiết máy khi gia công, nó có độ khó khăn đến khủng khiếp. Chỉ một chi tiết thôi đã phải mất ăn, mất ngủ suốt hơn một tháng trời.

Công việc đã cuốn hết sức lực và tâm trí của Tài. Nhiều khi ngồi ăn cơm mà không biết có vợ con ở bên cạnh, tay chân múa may theo vòng quay của máy, bởi lúc nào chi tiết đó nó cũng vần vũ trong đầu. Quây một lán nhỏ làm xưởng cách nhà gần cây số, sáng bảnh mắt trên giường lăn xuống đất là lụi cụi đi, đến bữa vợ con gọi về ngồi ăn không nói câu nào, ăn xong là lại vội vàng đi luôn. Rồi đêm muộn mới về, tắm xong ra ngoài hè sử dụng điện thoại lướt mạng để tìm tòi, để học, rồi vẽ vời, gạch, xóa… Bao giờ buồn ngủ thì nằm vật ra, trời sáng lại đi thật sớm. Trong đầu chỉ sợ quên mất những chi tiết vừa nghĩ ra đêm qua.

Ròng rã hai năm lầm lụi cắm vào công việc, qua bao lần cay đắng, bật khóc vì gia công, vì chạy thử thất bại. Cũng không phải không có những lần đập kìm, đập kẹp muốn buông, muốn bỏ vì bế tắc trong kỹ thuật… nhưng rồi lại nghĩ, mình sẽ làm gì, sẽ sống ra sao, sẽ làm gì cho gia đình, rồi mọi người sẽ nhìn mình như một kẻ khùng, một kẻ tâm thần. Thế là Tài lại quyết tâm, lại tự nhủ mình không được thua, không được bỏ, lại âm thầm lầm lụi với công việc. Khi chiếc máy đã hoàn thành, lại phải trải qua không biết bao lần chạy thử tải và cân chỉnh.

Thế rồi trời đã không phụ lòng người, mồ hôi, nước mắt công sức của Tài cũng đã mang lại cho anh thành công. Khi những đôi đũa được làm ra đạt yêu cầu đòi hỏi, Tài đã bật khóc một mình. Tài đã tự mình chế tạo được một dàn máy sản xuất đũa tre hoàn chỉnh với 10 công đoạn vận hành gia công khác nhau từ sơ chế đến hoàn thiện sản phẩm. Nhìn dàn máy vận hành nhịp nhàng, Tài không thể tin nổi hai năm trời anh đã gom nhặt, đã cắt, đã gò, hàn bao nhiêu tấn sắt. Cũng không biết đã có bao nhiêu bộ quần áo của anh đã mủn ra bởi những tia lửa và mạt sắt văng ra từ máy cắt, máy hàn. Mặt mũi thì đen sạm bởi tia lửa... Bảy lần bị mạt sắt găm vào mắt và cũng không biết bao lần máu chảy. Từ một người cân nặng 66 kg, khỏe mạnh, bây giờ chỉ còn có 50 kg, sức khỏe cũng đã giảm sút đi rất nhiều. Thấy chồng quá quyết tâm sống chết với khát vọng của mình, vợ Tài từ giận chuyển sang thương…

Khát vọng đôi đũa sạch

Những đôi đũa tre già đã đẹp, đã vượt cả yêu cầu mong đợi nhưng Tài chỉ coi đó là thành công về kỹ thuật. Để có được những đôi đũa thật sự chất lượng và khác biệt, Tài đã bỏ công đi đến nhiều bản làng, gặp gỡ những thầy thuốc giỏi người dân tộc Thái, dân tộc Mường để tìm hiểu thêm về công dụng của những loài thảo dược. Rồi anh còn đi theo các thợ rừng tìm mật ong để xin sáp ong, sau này phục vụ cho việc đánh bóng. Lại vừa tìm hiểu vừa học hỏi về vi sinh vật để hiểu được phần nào về cơ chế lây lan của các tế bào nấm, mốc.

Tính ra, Tài đã hơn 70 lần sản xuất đũa thử nghiệm với nhiều loài tre khác nhau và cũng thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau về chống mốc không dùng hóa chất. Quá trình thử nghiệm được ghi chép tỉ mỉ từng loài cây, từng phương pháp, để lưu lại. Công trình thử nghiệm máy và chống mốc ấy đã ngốn mất của Tài đến… 10 nghìn đôi đũa. Anh bộc bạch: Đôi đũa tưởng như bình thường nhưng liên quan đến sức khỏe con người, mình chưa chấp nhận được thì ai người ta chấp nhận cho mình.

Thật may mắn cho Tài, trong quá trình tìm lựa chọn nguyên liệu để có được những sản phẩm tốt nhất ấy, anh đã mua được một vùng tre đặc biệt... Những bụi tre ấy là của hương hỏa truyền đời của một gia đình trong vùng. Họ đã giữ gìn suốt trăm năm qua. Những bụi tre đặc biệt già đanh, là loại tre đồng bào vùng cao thường dùng để làm cánh nỏ và vót tên nỏ. Đũa được sản xuất với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt với 10 công đoạn như: hấp tiệt trùng bằng nồi áp suất, nắn ép tỉ mỉ từng chiếc, hun khói nhiều ngày, đánh bóng bằng lá chuối khô và sáp ong rừng tự nhiên… tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất.

Hiện, xưởng sản xuất đũa tre sạch của Hà Đức Tài đã bắt đầu cho ra những mẻ đũa tre sạch và đưa ra thị trường. Ngay khi sản phẩm được đưa ra thị trường đã có được sự đón nhận và nhiều khách hàng đã đặt mua số lượng lớn. Tài dự định sau khi xưởng hoạt động ổn định, sẽ chế tạo thêm máy móc mở rộng sản xuất và mở thêm các sản phẩm khác từ tre để tận dụng hết phần nguyên liệu thừa khi sản xuất đũa, đồng thời để sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và lao động tại chỗ, giúp đỡ bà con quê hương có việc làm và thu nhập ổn định.

Tài bỏ bình rượu hằng ngày vẫn uống, dẹp luôn mạng xã hội mà lâu nay anh vẫn đam mê “chém gió” và tập tành viết lách. Chỉ duy nhất chiếc điện thoại song hành cùng tâm trí với công việc. Tài bắt đầu tìm hiểu sâu về cơ khí, các loại máy móc, nhất là máy móc và công nghệ làm đũa. Lên mạng tham khảo trên khắp các kênh thông tin, sau đó Tài đi lục lọi khắp những đống phế liệu quanh vùng, cái gì có thể dùng được thì nhặt, xin hoặc mua rẻ, mua chịu với họ để về tập đo đếm, cắt, gò, hàn... Máy hàn đi mượn của bạn, máy cắt tay cũng đi mượn nốt.