An toàn lao động, SOS!

Kỳ 3: Khi môi trường làm việc không an toàn

NDO - Khi thực hiện loạt bài điều tra này, chúng tôi nhận thấy việc buông lỏng, thiếu quản lý trong ATLÐ không chỉ khiến tai nạn tại các công trường nhà máy ngày một gia tăng, mà còn dẫn đến tình trạng sức khỏe người lao động bị sa sút trầm trọng. Môi trường làm việc ô nhiễm, cường độ làm việc cao, tính mạng luôn bị tai nạn lao động rình rập... đang là mối đe dọa lớn với hàng triệu công nhân lao động. Làm thế nào cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế TNLÐ và góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động đang là  mối quan tâm chung của toàn xã hội.

Người lao động chủ quan, điều kiện làm việc không bảo đảm

Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Nền công nghiệp lạc hậu về công nghệ và thiết bị, nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nằm rải rác trong các đô thị và khu dân cư, cơ cấu ngành công nghiệp không hoàn chỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, nước ta có khoảng 200 nghìn doanh nghiệp với gần 10 triệu lao động hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng DN, ngành nghề sản xuất mà phần nhiều có công nghệ chắp vá, nhà xưởng chật chội cộng với việc phân bố các cơ sở sản xuất thiếu quy hoạch đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Ðiều đó ẩn chứa nhiều nguy cơ gây TNLÐ và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Kết quả điều tra của Viện Bảo hộ lao động, Liên đoàn Lao động Việt Nam, khảo sát, đo đạc tại hơn 2.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên toàn quốc với nhiều ngành nghề sản xuất, nhiều loại hình doanh nghiệp trong bảy năm qua cũng cho thấy, chỉ có rất ít cơ sở sản xuất có môi trường lao động hợp vệ sinh (có giá trị các yếu tố gây ô nhiễm nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chuẩn cho phép). Còn lại phần lớn đều bị ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm nặng.

Hay, xây dựng các công trình trọng điểm, cao tầng đang là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho hàng chục nghìn hộ gia đình. Tuy nhiên, một tồn tại thực tế dễ nhận thấy, đó là điều kiện làm việc của người lao động trên các công trường xây dựng trong nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện, cuộc sống và sức khỏe người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Bên sử dụng lao động hầu như chỉ quan tâm đến tiến độ, chất lượng công trình, còn trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người công nhân hầu hết mang tính đối phó. Phương tiện, thiết bị an toàn khi làm việc trên cao không đáp ứng với yêu cầu. Nhiều công trình khi khởi công đều có trang bị cho người lao động áo quần, mũ nhựa cứng, giày vải, găng tay... nhưng hầu như đó cũng là lần trang bị duy nhất. Ðiều này dẫn đến sự suy giảm sức khỏe của người lao động sau một thời gian tham gia thi công xây dựng. Khi không đủ sức khỏe để gắn bó cùng các công trình xây dựng, người lao động đành phải tự tìm một việc khác phù hợp hơn đối với mình. Tại các công trường mà chúng tôi đến, rất hiếm những lao động gắn bó cả cuộc đời của mình với nghề xây dựng cho đến khi đủ tuổi về hưu...

Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp do mang tính chất đặc trưng của nghề nghiệp tác động thường xuyên, kéo dài của các yếu tố nguy hiểm đến cơ thể người lao động gây ra hiện tượng bệnh lý đang có chiều hướng gia tăng. Theo thông tin của cơ quan chức năng, ở nước ta có tới 25 bệnh nghề nghiệp được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Bảo hộ lao động cho rằng: Con số vẫn là thấp so với thế giới. Chẳng hạn, tại một cuộc điều tra thực tế gần đây từ các công nhân ngành thủy sản cho thấy, sau một ngày làm việc, các chuyên gia theo dõi và kiểm tra tình hình sức khỏe của công nhân thì đều thấy, công nhân khi đứng làm việc bị giãn tĩnh mạch ở bắp chân và số vòng đo giãn trung bình từ 0,5 đến 1,5 cm. Mức độ nguy hiểm và hậu quả của bệnh nghề nghiệp cũng không thua kém so với những vụ TNLÐ thông thường và còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người lao động. Thực tế ở nước ta mỗi năm có từ 1.000 đến 1.500 người lao động mắc các bệnh nghề nghiệp mới. Vì vậy, bệnh nghề nghiệp, theo chúng tôi cũng cần được nghiên cứu để có biện pháp phòng ngừa và có các chính sách đền bù thỏa đáng.

Không thể chậm trễ

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao hàng loạt vụ TNLÐ dẫn đến những cái chết thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn không được đưa ra xử lý nghiêm khắc? Chúng tôi nhận được một thông tin tích cực: Ðoàn điều tra TNLÐ TP Hồ Chí Minh giữa tháng 11 vừa qua đã đề nghị cơ quan Công an, Viện Kiểm sát khởi tố hình sự ba vụ TNLÐ nghiêm trọng gây chết người tại Công ty CP Ðầu tư - xây dựng và thương mại Thái Bình Dương, Công ty CP Xây dựng sản xuất - thương mại-dịch vụ Cam Ranh, Công ty TNHH Ðức Phương. Ðây là một tín hiệu đáng mừng để thiết lập lại kỷ cương an toàn lao động, một vấn đề mà lâu nay các cơ quan chức năng còn xem nhẹ.

Quá trình làm việc tiếp xúc với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động cũng như các công nhân, chúng tôi nhận thấy yêu cầu hạn chế tình trạng tai nạn lao động không phải là quá nan giải. Nhiều sáng kiến, giải pháp được áp dụng tuy còn đơn lẻ tại một số nhà máy, cơ sở sản xuất một vài năm qua đã cho kết quả khá khả quan. Ðể khắc phục tình trạng nói trên, đẩy mạnh công tác ATLÐ, phòng, chống có hiệu quả TNLÐ trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn lao động nhằm nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động để mọi người đều có ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn lao động. Khi ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người lao động được nâng cao, người lao động trước hết phải tự biết lường trước và tự bảo vệ mình khỏi những hiểm họa có thể gặp phải khi làm việc. Hoặc có thể đề cập những quyền lợi về lao động mà mình đáng được hưởng khi ký hợp đồng với các chủ lao động.

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bắt buộc các DN sử dụng LÐ tuân thủ các quy trình của Nhà nước về ATVSLÐ. Các công trình trọng điểm, tập trung đông CNLÐ, điều kiện LÐ phức tạp, nguy hiểm được tập trung kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm, các biện pháp ATLÐ đã được lập và phê duyệt kể cả hồ sơ quản lý, chỉ đạo thi công... Người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm tra máy, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động để bảo đảm cho môi trường an toàn. Xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn và hướng dẫn cho người lao động trước khi làm việc.

Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, có hình thức xử phạt thích đáng, kể cả việc đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự những tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định, để xảy ra TNLÐ. Phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, chính xác các vụ tai nạn lao động chết người trong các thành phần kinh tế, chú ý các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy trình sản xuất phức tạp, độc hại, ảnh hưởng môi trường nhưng thiếu ý thức phòng ngừa TNLÐ; có chế tài xử phạt những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc báo cáo TNLÐ.

Nhà nước cần sớm ban hành một văn bản pháp luật để điều chỉnh, quy định các vấn đề liên quan đến ATLÐ nói chung và TNLÐ nói riêng cho khu vực lao động tự do, cá thể, lao động trong khu vực ngư nghiệp, nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ðây sẽ là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động ATVSLÐ, phòng chống TNLÐ (Bộ luật Lao động hiện hành không quy định cho khu vực này).

Cần thực hiện các nghiên cứu về TNLÐ theo phương pháp điều tra ngẫu nhiên để thu thập thông tin về TNLÐ trong từng thời kỳ, làm cơ sở kiểm chứng các số liệu thống kê hằng năm từ các cơ sở báo cáo lên. Nghiên cứu, phân tích nguyên nhân TNLÐ một cách khoa học để từ đó có biện pháp phù hợp phòng, chống TNLÐ cho các ngành sản xuất khác nhau...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn công tác ATVSLÐ của nước ta sẽ có bước phát triển mới, đạt được hiệu quả cao.

* Bác sĩ Trần Trung Thuận, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường Ðồng Nai: Hiện nay, tại Ðồng Nai, nhiều nơi người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ về ATVSLÐ, và nhiều nhà máy, xí nghiệp người lao động không được khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế của Nhà nước, hoặc nhiều doanh nghiệp tự đưa công nhân vào các Trung tâm y tế tư nhân, không đủ điều kiện khám sức khỏe. Các bệnh nghề nghiệp mà người lao động mắc phải là những bệnh về đường hô hấp, mắt, cơ, xương, khớp... trong đó cao nhất là bệnh bụi phổi si-lic, tiếp theo là bệnh điếc nghề nghiệp.

* Ông Vũ Như Văn, Quyền Cục trưởng Cục ATLÐ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Hiện nay xảy ra tình trạng khó xử lý những vụ việc liên quan đến ATLÐ bởi vì doanh nghiệp gây khó khăn, tìm mọi cách né tránh để không bị phạt. Chế tài xử lý hành chính mặc dù có sửa đổi rồi (tăng từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng) nhưng chưa răn đe được đối với các doanh nghiệp lớn còn doanh nghiệp nhỏ thì đã chấp hành. Còn chế tài hiện nay đã bảo đảm răn đe được không? Theo tôi cho rằng là chưa đủ răn đe. Các công trình như KeangNam thì phải thanh tra hai lần/năm. Ðối với các công trình trọng điểm thì cần phải thanh tra càng nhiều càng tốt. Ðặc biệt, các doanh nghiệp nên có cán bộ ATLÐ.