Hiện nay tỷ lệ ký quỹ là 50%, tức là có 1 đồng sẽ được vay thêm 1 đồng để mua thêm cổ phiếu (CP) (tỷ lệ 1:1 hoặc 5:5). Mua danh mục CP trị giá 1 tỷ đồng, NĐT chỉ phải có sẵn 500 triệu đồng và vay thêm 500 triệu đồng nữa từ CTCK. Trong trường hợp dự thảo mới được áp dụng, để mua danh mục 1 tỷ đồng, vốn tự có của NĐT phải đạt ít nhất 600 triệu đồng (ký quỹ 60%) và chỉ có thể vay thêm 400 triệu đồng (tỷ lệ lúc này là 6:4). Từng NĐT sẽ phải bỏ nhiều vốn tự có hơn và CTCK cũng phải giảm số tiền cho vay tính trên từng NĐT.
Có thể hiểu tiêu chí của UBCKNN khi công bố dự thảo này một cách dễ dàng, đó là việc hạ nhiệt dòng vốn margin vốn đang cuồn cuộn chảy trên TTCK. VN Index càng lên cao, dòng tiền đổ vào thị trường (TT) càng gấp gáp để tận dụng cơ hội và tất nhiên margin cũng sẽ được sử dụng tối đa. TT tăng nóng, vốn nóng được sử dụng liên tục có thể gây ra những phiên điều chỉnh ngắn hạn với mức độ tổn thất cho NĐT là rất lớn, nên có thể khẳng định động thái của UBCKNN là rất phù hợp. Tuy nhiên, động thái của UBCKNN không nằm ở việc định lượng 10% mà nhìn rộng hơn có thể thấy được nhiều điều tích cực:
Thứ nhất, trong rất nhiều nguyên nhân khiến cho TTCK điều chỉnh sâu, lao dốc mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới thì dòng vốn nóng, vốn vay là một trong những nguyên nhân chủ đạo và lớn nhất. Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn margin cho thấy sự thận trọng cần thiết của cơ quan quản lý, đồng thời cũng nhất quán với tiêu chí bảo vệ lợi ích của NĐT. NĐT nước ngoài khi tham gia TT Việt Nam cũng sẽ thấy động thái này của UBCKNN mà an tâm hơn rất nhiều và có thể giải ngân với kỳ vọng dài hạn.
Thứ hai, dự thảo của UBCKNN cũng là lời nhắc nhở nghiêm khắc đến một số CTCK bằng cách này hay cách khác đã và đang tìm cách “xé rào” trong tỷ lệ ký quỹ. Dân chứng khoán không lạ gì việc mặc dù tỷ lệ ký quỹ tối thiểu hiện nay là 50%, nhưng các CTCK vẫn tìm cách lách để đẩy tỷ lệ này xuống 40% thậm chí 30%. Nhờ vậy, NĐT được vay nhiều hơn, trong khi CTCK cũng tăng thu từ phí giao dịch và lãi vay. Hiểu nôm na thì tỷ lệ ký quỹ vượt khung trước mắt sẽ được chỉnh đốn lên mức 50% chứ không bất chấp “xé rào” như trước nữa.
Thứ ba, sau khi dự thảo tăng ký quỹ xuất hiện, đã có một số NĐT đưa ra ý kiến rằng xu hướng tăng của TT sẽ bị hãm lại, thậm chí có điều chỉnh sâu. Diễn biến những ngày qua lại trái ngược khi cung-cầu vẫn cân bằng, dòng tiền không hề có chút e ngại, chứng tỏ rằng, dòng vốn tự có trên TTCK rất dồi dào. Vì vậy, việc kiểm soát dòng vốn margin một mặt sẽ hạn chế được những giai đoạn nóng bất thường của TT, mặt khác giúp cho dòng tiền dịch chuyển ổn định hơn và qua đó cũng tránh những tâm lý theo kiểu quá hưng phấn hoặc quá sợ hãi.