Đảo Wrangel có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt, nằm ở cả đông và tây bán cầu và được kinh tuyến 180 chia thành hai phần gần như bằng nhau. Ngày nay, về mặt hành chính, hòn đảo này thuộc về quận Iultinsky của Khu tự trị Chukotka thuộc Nga. Nằm giữa Bắc Băng Dương và cực bắc của vùng Viễn Đông, khu bảo tồn này đứng đầu thế giới về số lượng các loài động thực vật đặc hữu (chỉ sống trong một vùng khí hậu), xếp trên cả đảo Greenland của Đan Mạch.
Theo phát hiện của các nhà khảo cổ học, những người đầu tiên đặt chân đến đảo Wrangel vào khoảng năm 1750 trước Công nguyên. Đến giữa thế kỷ 19, hòn đảo này mới được lập bản đồ. Đến năm 1924, Liên Xô (trước đây) đã chính thức đánh dấu chủ quyền của mình bằng việc kéo quốc kỳ trên hòn đảo này. Sau đó, trạm địa cực đầu tiên được thành lập tại đây vào năm 1926 dưới sự lãnh đạo của nhà thám hiểm Bắc Cực người Nga Georgy Ushakov.
Cách đây hơn 50 năm, những nỗ lực đầu tiên để bảo tồn đảo Wrangel đã bắt đầu được triển khai. Năm 1960, một khu bảo tồn thiên nhiên được quy hoạch tại đây và đến năm 1976, một khu bảo tồn chính thức, bao gồm lãnh thổ của một hòn đảo nhỏ lân cận khác có tên là Herald, đã được thành lập.
Hiện nay, khu bảo tồn đảo Wrangel nằm trên hai hòn đảo Wrangel và Herald cùng với vùng nước liền kề, với tổng diện tích gần 800 nghìn ha. Núi chiếm tới hai phần ba diện tích khu bảo tồn, phần còn lại là lãnh nguyên Bắc Cực với khoảng 900 hồ và 150 suối nhỏ.
Người Chukotka gọi đảo Wrangel với cái tên Umkilir, nghĩa là “hòn đảo của gấu Bắc Cực”. Thật vậy, tại đây có số lượng loài thú săn mồi phương bắc lớn nhất thế giới. Hằng năm, có từ 400-500 cá thể gấu Bắc Cực ngủ đông trên đảo. Tuy nhiên, lịch sử hình thành khu bảo tồn lại bắt đầu với loài bò xạ hương. Chúng được đưa lên đảo vào năm 1975 với số lượng 20 con và sau nhiều năm đã thích nghi tốt, để hình thành nên quần thể với khoảng 900 cá thể như hiện nay.
Một loài động vật móng guốc khác là tuần lộc đã được đưa đến vào đầu những năm 1950, và ngày nay trở thành quần thể tuần lộc lớn duy nhất trên đảo, với khoảng 9.000-10.000 cá thể. Các vùng ven biển là lãnh thổ của loài hải mã, chúng di cư đến Biển Bering vào mùa đông. Trong các vùng nước của khu bảo tồn có nhiều loài động vật giáp xác, thường xuyên bắt gặp cá voi Beluga và cá voi xám, đôi khi xuất hiện cả cá voi đầu cung.
Hòn đảo còn là nơi có quần thể ngỗng trắng lớn. Nhìn chung, khu bảo tồn có hệ động vật độc nhất vô nhị về số lượng các quần thể. Đó là chưa kể đến những “cư dân” bản địa của đảo, như cáo Bắc Cực, chó sói, cáo đỏ, vượn cáo Siberia hay vượn cáo Vinogradov.
Khí hậu khắc nghiệt trên đảo là một bất lợi cho sự đa dạng của hệ thực vật. Mỗi năm chỉ có khoảng 20 ngày là không có băng giá, trong khi đêm vùng cực kéo dài trong suốt hơn ba tháng với nhiệt độ không khí ở dưới âm 30°C và tốc độ gió 40m/giây. Mặc dù vậy, nơi đây vẫn có tới 417 loài thực vật, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong vùng khí hậu Bắc Cực, chủ yếu là địa y, rêu và cây thấp.
Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đảo không có người định cư, chỉ có các nhóm nhà khoa học và nhân viên khu bảo tồn sinh sống và làm việc. Hoạt động tham quan khu bảo tồn đảo Wrangel cũng bị giới hạn, chỉ có khoảng 10 tuyến du lịch vào mùa hè và mùa thu. Tham gia các tour này, du khách được đi dọc các con sông, khe núi trên các phương tiện địa hình, ngắm các loài động vật như hươu, nai, gấu Bắc Cực... và nếu may mắn có thể trông thấy cá voi. Để tránh không phải đối đầu trực tiếp với những loài thú săn mồi hung dữ phương Bắc, du khách không được di chuyển quá khoảng cách 20m so người dẫn đường.
Năm 2004, quần thể khu bảo tồn thiên nhiên “Đảo Wrangel” chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.