Không chủ quan với bệnh tật khi trời lạnh

Thời tiết chuyển lạnh khiến số bệnh nhân nhập viện tăng cao. Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người dân cần điều chỉnh thói quen hằng ngày một cách phù hợp để giữ gìn sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện E trung ương.
Thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện E trung ương.

Nhiều bệnh dịch chưa thuyên giảm

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Ngoài ra, có khoảng 60-70% bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong, nếu không xử trí kịp thời. Khi thời tiết chuyển rét, một số người có sức đề kháng kém có thể bị viêm phế quản, viêm phổi… Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm.

Thời gian gần đây, khi thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám tại Khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu T.Ư) cũng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Châm cứu trung ương tiếp nhận khoảng 10 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu T.Ư) cho biết, các ca bệnh được ghi nhận tại bệnh viện hầu hết là do mở cửa, đi ra ngoài trời buổi sáng khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn. “Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da, nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này sẽ bị co lại gây ra tổn thương. Chỉ cần vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh, người bệnh đã có thể mắc bệnh. Vì vậy, cần có thời gian để cơ thể làm quen với sự chênh lệch nhiệt độ cũng như giữ ấm cơ thể, nhất là ở vùng cổ và gáy”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Đáng lưu ý, thời điểm hiện tại vẫn lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm, như: Sốt xuất huyết, cúm, Covid-19, virus hợp bào hô hấp (RSV)… Vì vậy, người cao tuổi, nhất là những người có các bệnh mạn tính dễ đối mặt với nguy cơ “bệnh chồng bệnh” do hệ miễn dịch bị suy giảm.

Hiện, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm. Khác với những mùa dịch trước, năm nay có một lượng lớn bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Trong 15 ca tử vong do sốt xuất huyết được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư từ đầu tháng 5/2022 đến nay, trường hợp nhiều tuổi nhất là 82 tuổi. Nguyên nhân tử vong là do bệnh nhân nhập viện muộn, không thể cứu chữa. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong, có đến 50% có dấu hiệu sốc từ rất sớm. Nhiều ca rơi vào tình trạng sốc từ ngày thứ ba của bệnh, trong khi thông thường, tình trạng này xảy ra ở ngày thứ năm đến ngày thứ bảy.

“Người cao tuổi, người có bệnh nền chính là đối tượng dễ bị nặng khi mắc sốt xuất huyết. Thế nhưng, người dân lại cho rằng, cứ phải có triệu chứng xuất huyết thì mới là sốt xuất huyết. Trong khi trên thực tế, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết nhưng vẫn giảm tiểu cầu và tử vong. Do đó, người dân cần vào bệnh viện sớm hơn, từ khi có dấu hiệu sốt, đợi đến khi có xuất huyết thì bệnh đã trở nặng”, bác sĩ Phạm Văn Phúc lưu ý.

Không chỉ sốt xuất huyết, thời điểm này, số người mắc cúm hay các bệnh viêm đường hô hấp khác cũng đang gia tăng. Với người cao tuổi, khi hệ hô hấp bị tổn thương do một mầm bệnh thì rất có thể họ sẽ đồng nhiễm hoặc bội nhiễm thêm hai đến ba tác nhân khác. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi trung ương, thời điểm này, số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp gia tăng. Bệnh nhân có thể mắc bệnh giống lần trước hoặc có thể khác lần trước nên cần đến gặp bác sĩ để được khám và đánh giá chính xác.

Tiêm vaccine càng sớm, càng tốt

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, người bệnh có bệnh lý tim mạch, nếu mắc thêm một bệnh lý truyền nhiễm thì tỷ lệ tử vong có thể tăng cao lên năm lần. Người có bệnh lý nền về hô hấp mắc cúm, phế cầu… tăng nguy cơ tử vong lên 12 lần. Nếu người có đồng thời cả hai bệnh nền hô hấp và tim mạch, khi mắc thêm một bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ tử vong tăng 20 lần. Không chỉ nhiễm một virus hoặc vi khuẩn, người cao tuổi, người có bệnh nền còn rất dễ bị bội nhiễm. Chính vì vậy, người cao tuổi cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp, như: Đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm hô hấp, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý... Mặt khác, tiêm vaccine tăng cường đề kháng hệ hô hấp là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có đến 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà có thể dự phòng bằng vaccine. Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC khuyến cáo, người cao tuổi, người có bệnh nền cần tiêm vaccine phòng bệnh càng sớm càng tốt. Người cao tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng viêm phổi, như: Phế cầu, cúm mùa, Covid-19… Riêng vaccine cúm cần tiêm nhắc lại hằng năm. Ngoài ra, người cao tuổi, người có bệnh nền cũng cần tiêm vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván để tăng cường miễn dịch. “Sau ba năm dịch Covid-19, số người cao tuổi quan tâm đến những vaccine để phòng bệnh ngày càng nhiều. Bởi, khi tiêm một mũi vaccine không chỉ giúp bản thân tránh khỏi bệnh truyền nhiễm đó mà còn giúp phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng, đồng thời giảm chi phí và gánh nặng y tế”, bác sĩ Bùi Thanh Phong nhấn mạnh.

Với bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể để lại các di chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngoại hình và sự tự tin trong cuộc sống. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu T.Ư) cảnh báo, bệnh viện đã ghi nhận không ít trường hợp nhập viện muộn do điều trị không đúng hướng, nghe theo những cách chữa bệnh dân gian, đồn thổi không có căn cứ khoa học khiến bệnh không đỡ, thậm chí cơ mặt bị cứng, khó hồi phục...

Đối với bệnh đột quỵ, PGS, TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, do thiếu hiểu biết, nên nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu, cùng lắm là trong 6 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.

Để phòng tránh bệnh trong mùa lạnh, các bác sĩ lưu ý, khi trời lạnh cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu muốn tập thể dục có thể tập trong nhà vào thời gian muộn hơn. Ngoài ra, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Thêm vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.