Không chỉ là tự nguyện

Giới chức Liên minh châu Âu (EU) vừa xác nhận rằng, nền tảng mạng xã hội Twitter đã rút lại cam kết tham gia Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Quyết định được Twitter đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố danh sách các nền tảng trực tuyến chịu sự giám sát theo DSA.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OGUZ GUREL
Biếm họa: OGUZ GUREL

DSA nằm trong gói luật mới của EU cùng với Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền cơ bản của người dùng trực tuyến và thúc đẩy sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực số. Trong khi DSA bảo đảm tính minh bạch, an toàn của người dùng và trách nhiệm giải trình đối với các nền tảng trực tuyến, thì DMA xác định các quy tắc rõ ràng về cách thức các nền tảng trực tuyến có thể hoạt động.

Được khởi xướng thảo luận từ năm 2018 và thông qua vào tháng 11/2022, DSA dựa trên quy tắc tự nguyện giữa EU với khoảng 30 nền tảng mạng xã hội như Meta, Google, Twitter và TikTok. Song, đạo luật vẫn bắt buộc các nền tảng trực tuyến chống thông tin sai lệch và giảm rủi ro từ tình trạng này. Các công ty đối mặt mức phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu không tuân thủ DSA.

Ngày 25/4 vừa qua, EC ban hành danh sách 19 nền tảng trực tuyến đầu tiên do DSA giám sát, trong đó có Twitter. Theo lộ trình, trước ngày 3/7 tới, các công ty phải cung cấp thông tin số lượng người dùng; trước ngày 6/9, EC chỉ định “nhà giám sát” và tháng 3/2024 là hạn chót các công ty phải hoàn tất cam kết và nghĩa vụ theo DSA.

Theo giới quan sát, sau khi mua lại Twitter vào tháng 10/2022, tỷ phú Elon Musk đã nới lỏng quy định kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội. Và hệ quả trực tiếp là thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng gia tăng trên nền tảng này. Đây có thể là lý do Twitter rút lại cam kết tham gia tuân thủ đạo luật của EU.

Thông tin sai lệch trên mạng xã hội, trong đó có Twitter, ngày càng nhiều, gây khó chịu cho người dùng và tác động xấu tới xã hội. Mục tiêu lớn nhất của DSA là phối hợp tốt giữa các hãng công nghệ và người giám sát để xác minh thông tin, ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch.

EC nêu rõ, là đạo luật mang tính tự nguyện, song DSA vẫn đòi hỏi các “ông lớn công nghệ” tham gia và tuân thủ cam kết. Chống thông tin sai lệch phải là nghĩa vụ đối với các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số.