Tín hiệu tích cực
Thị trường xuất bản phẩm điện tử tại Việt Nam vừa đón nhận “tân binh” là ứng dụng sách nói Bookas. Đến nay, ứng dụng này đã chính thức có mặt trên nền tảng CH Play, Apple Store và website https://bookas.vn/, cung cấp khoảng 1.000 đầu sách nói đa lĩnh vực thực hiện chủ yếu bằng AI (trí tuệ nhân tạo).
Đây là nhánh mới của Công ty Cổ phần Sbooks nhằm tận dụng tối đa công nghệ trong thời kỳ chuyển đổi số, gia tăng tiện ích cho độc giả và thêm kênh tiếp cận người dùng. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch công ty cho biết, mới hoạt động bốn tháng nhưng việc tối ưu hóa chức năng công nghệ đã giúp ứng dụng này kết nối tốt với nhiều tác giả và đa dạng hóa sản phẩm cũng như tệp khách hàng. Bên cạnh kho sách nói có phân vai theo tuyến nhân vật và tích hợp nhạc nền, thời gian qua, Bookas còn truyền tải gần 8.000 video trên các nền tảng mạng xã hội và thu về đến hơn 90 triệu lượt xem.
Là một trong những đơn vị tham gia quá trình chuyển đổi số xuất bản phẩm từ khá sớm, đến nay, NXB Trẻ đã có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Năm 2012, đơn vị tham gia thực hiện và phát hành sách điện tử. Đến năm 2020, phát triển thành sách nói. Điều này đã giúp người yêu sách, đặc biệt là độc giả ở nước ngoài, có thể tiếp cận được nguồn sách của NXB một cách dễ dàng và hiệu quả. Ngay từ năm 2014, NXB Trẻ đã nhúng công nghệ (nội dung qua QRCode) vào một số sách để tăng tính tương tác, đồng thời tăng thêm giá trị cho sách. Tem điện tử chống sách giả của đơn vị cũng ra đời trong giai đoạn này.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ, đơn vị còn đa dạng hóa các kênh phát hành trên hệ thống thương mại điện tử bên cạnh chuỗi nhà sách và đại lý truyền thống. Tăng kênh bán hàng trên nền tảng số không chỉ giúp việc lựa chọn và mua sách của bạn đọc dễ dàng hơn mà còn góp phần đáng kể giải bài toán kinh doanh của NXB trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. NXB cũng đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp giúp cho hoạt động nội bộ của đơn vị được thông suốt, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa hiệu suất lao động.
Mới đây, ngay sau khi ra mắt ứng dụng, Bookas đã ký hợp đồng với một số tác giả trong nước nhằm sớm chuyển tác phẩm của họ từ sách giấy sang sách nói nhằm cung cấp thêm lựa chọn cho người nghe. Là một trong ba tác giả tham gia ký kết lần này, nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ: “Hy vọng đây là kênh giúp tôi lan tỏa các tác phẩm của mình đến độc giả nhiều lứa tuổi. Trong quá trình phát triển của công nghệ, tôi nghĩ rằng tác giả sách cũng nên bắt đầu có sự chuyển đổi từ câu chuyện mình viết, in sách sang sách nói. Công nghệ góp phần làm cho việc chuyển đổi tác phẩm nhanh chóng, dễ dàng hơn, không còn mất quá nhiều thời gian và không phụ thuộc vào quá nhiều thứ. Đây cũng là sự chuyển đổi tất yếu theo xu hướng của xã hội ngày nay”.
Nỗ lực vì cái chung
Thời gian qua, Sbooks đã mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số trong truyền thông, phát hành và thu về khá nhiều “quả ngọt”. Ông Dũng cho hay, tính riêng nửa đầu năm 2024, công ty đã phát hành ra thị trường hơn hai triệu bản sách. Chủ động tham gia các sàn thương mại điện tử, kênh kinh doanh trên mạng xã hội, số sách tiêu thụ trên nền tảng số của Sbooks chiếm hơn 70% trong tổng doanh thu và tín hiệu tích cực là năm sau cao gấp nhiều lần năm trước. Đặc biệt tại TikTok, mỗi tháng doanh nghiệp này nhận về khoảng 200 triệu lượt xem sản phẩm, từ đó phát hành hơn 30 nghìn đơn hàng. Do vậy, trong giai đoạn tới, tận dụng thế mạnh công nghệ để tăng lượng tương tác với khách hàng tiếp tục là hướng đi của công ty này.
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023, toàn ngành xuất bản có 4.000 xuất bản phẩm dạng điện tử. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán sách trên nền tảng TikTok đạt 600 tỷ đồng. Cả nước hiện có gần 30 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử, tạo nên bức tranh đa sắc màu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho thấy, quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 tại Việt Nam đạt 80 tỷ đồng. Trong đó, số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt 12% so chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so kế hoạch).
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, lợi thế và tiềm năng từ chuyển đổi số trong xuất bản, phát hành sách là rất lớn. Tuy nhiên, các đơn vị cần vượt qua một số thách thức để sớm bắt nhịp so thị trường thế giới. Hiện tại, nhiều đơn vị vẫn có tâm lý chờ đợi, đi sau nhằm hạn chế rủi ro. Thế nhưng, với chuyển đổi số, các bên phải đi đầu để tiếp cận, vừa làm vừa cập nhật thay vì sợ thất bại mà chờ đợi mãi. Nhân lực cho chuyển đổi số cũng là bài toán hóc búa mà không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng đáp ứng. Và quan trọng hơn cả là câu chuyện bảo vệ bản quyền trên nền tảng số khi AI xuất hiện.
Diễn ra từ ngày 25 đến 31/10 tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, “Tuần lễ sách và chuyển đổi số năm 2024” thu hút 24 nhà xuất bản, đơn vị tham gia với hơn 30 chương trình giao lưu.