Từ dòng thơ, nốt nhạc đến những giá trị vượt thời gian

Vừa qua tại Hà Nội, Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội, Báo Nhân Dân, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình trong lĩnh vực văn hóa. Những ý kiến tại hội thảo đã bổ sung góc nhìn sắc sảo và hiện đại vào di sản mà nhà thơ để lại, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Thi được trưng bày tại hội thảo.
Nhiều tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Thi được trưng bày tại hội thảo.

Nguyễn Đình Thi (1924-2003) là một trong những nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Tài năng và tấm nhìn sâu rộng đã giúp ông góp phần to lớn cho nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà. Hôm nay, khi nhìn lại hành trình trong sáng tác, lý luận, phê bình và lãnh đạo văn nghệ của ông, ta không chỉ nhận ra những đóng góp đồng hành cùng dân tộc, mà còn có những giá trị trường tồn trong việc định hình diện một nền văn hóa đậm bản sắc Việt.

Tài năng đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật

Sinh năm 1924 tại Hà Nội, Nguyễn Đình Thi lớn lên trong thời kỳ đất nước chìm trong chiến tranh và những biến động lớn lao của lịch sử. Với tinh thần yêu nước mãnh liệt, ông đã sớm tham gia cách mạng và trở thành một trong những người tiên phong xây dựng nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Trong văn học, Nguyễn Đình Thi để lại dấu ấn sâu đậm với tiểu thuyết “Vỡ bờ”, một tác phẩm hiện thực xuất sắc mô tả cuộc sống của người dân Việt Nam trong bối cảnh xã hội bị chia cắt bởi chiến tranh và đấu tranh giai cấp. Cuốn tiểu thuyết không chỉ phản ánh sự chuyển mình của xã hội mà còn khắc họa tâm hồn người Việt Nam kiên cường, bất khuất. Từng trang văn của ông là sự hòa quyện giữa bút pháp hiện thực và tinh thần nhân văn, làm nổi bật những giá trị con người trong mọi hoàn cảnh lịch sử khốc liệt.

Trong thơ ca, Nguyễn Đình Thi để lại một thế giới ngôn từ đầy triết lý và xúc cảm. Những bài thơ như “Đất nước” (sáng tác 1948-1955), đã khắc họa hình ảnh quê hương kiên trung qua giọng điệu trang nghiêm, trữ tình. Hay những bài thơ như: “Nhớ” (1948), “Quê hương Việt Bắc” (1950), “Mùa thu vàng” (1992), “Trong cát bụi” (1992)… đều là những bài thơ mang hơi thở của thời đại, nhưng đồng thời cũng phản ánh những trăn trở sâu xa về thân phận con người, về mối quan hệ giữa cá nhân và dân tộc.

Không chỉ giới hạn ở văn học, ông còn để lại những giai điệu bất hủ trong âm nhạc. Ca khúc “Người Hà Nội” ra đời ngay sau ngày Thủ đô giải phóng, trở thành biểu tượng cho tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc. Cùng với đó, bài hát “Diệt phát xít” là khúc hùng ca của thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đầy khí phách và nhiệt huyết tuổi trẻ.

GS Phong Lê nhận định, chỉ với hai bài hát, Nguyễn Đình Thi xứng đáng đứng ở hàng đầu nền âm nhạc cách mạng-hiện đại thế kỷ XX. Điều đó được cắt nghĩa bởi tài năng và tầm vóc của tác giả.

“Với sân khấu, nói Nguyễn Đình Thi là nói một tác gia kịch bản không chỉ là “tài năng”, là “tầm vóc” mà còn là “bản lĩnh” với số lượng viết trên dưới 10 vở”, GS Phong Lê nói về những vở kịch của Nguyễn Đình Thi. Kịch bản “Rừng trúc” là một trong những đỉnh cao của sân khấu cách mạng, khắc họa bi kịch cuộc đời Nguyễn Trãi qua lăng kính nghệ thuật đầy tinh tế. Những vở kịch của ông không chỉ tái hiện hiện thực lịch sử mà còn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đạo đức, trách nhiệm và lẽ sống con người.

Người lãnh đạo văn hóa và những giá trị vượt thời gian

Với vai trò Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm (1958-1988), Nguyễn Đình Thi đã góp phần xây dựng nền móng cho văn học nghệ thuật nước nhà. Ông luôn ủng hộ sự sáng tạo tự do, khuyến khích các nghệ sĩ trẻ thử nghiệm và tìm tòi, đồng thời định hướng rõ ràng về vai trò của nghệ thuật trong việc phục vụ con người và đất nước.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, Nguyễn Đình Thi không chỉ định hình đường lối văn nghệ cách mạng mà còn thúc đẩy tự do sáng tạo trong nghệ thuật, giúp các nghệ sĩ tìm ra tiếng nói riêng của mình.

Trên lĩnh vực lý luận và phê bình, Nguyễn Đình Thi là người đặt nền móng cho lý thuyết văn học cách mạng. Những bài viết của ông về triết lý sáng tạo và giá trị nghệ thuật không chỉ mang tính học thuật cao mà còn định hướng cho các thế hệ văn nghệ sĩ trong việc nhìn nhận và phát triển nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

“Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, chúng ta rút ra bài học lớn về sáng tạo. Nghệ sĩ chỉ có thể tạo ra những tác phẩm trường tồn khi họ gắn bó máu thịt với nhân dân, với quê hương và sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp”, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết. Đây chính là kim chỉ nam giúp nghệ thuật không chỉ phục vụ xã hội mà còn đạt đến những giá trị phổ quát.

Tiếp nối và lan tỏa

Không dừng lại ở biên giới quốc gia, di sản văn hóa của Nguyễn Đình Thi đã lan tỏa ra thế giới. Nhiều tác phẩm của ông được dịch và giới thiệu ở các nước, góp phần đưa hình ảnh văn học, nghệ thuật Việt Nam ra quốc tế. Những giá trị nhân văn trong sáng tác của ông được bạn bè quốc tế đón nhận và tôn vinh, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam.

Nhìn lại di sản của Nguyễn Đình Thi, chúng ta không chỉ thấy những tác phẩm lớn, mà còn nhận ra tinh thần sáng tạo bền bỉ, tư duy sắc bén và trái tim luôn tràn đầy tình yêu đất nước. Di sản ấy vẫn tiếp tục sống động trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay. Và còn rất nhiều “đất” để khai thác như những gì GS Phong Lê nhận định: “Ngoài những gì được công bố, cuộc đời của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi chắc chắn còn không ít bí ẩn”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, di sản của Nguyễn Đình Thi là nguồn cảm hứng quý giá để chúng ta bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Ông đã chứng minh rằng, nghệ thuật, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn có sức mạnh để kết nối con người và xây dựng những giá trị bền vững.

“Tài năng của ông xuất phát từ sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo hiện đại và lòng yêu nước mãnh liệt. Ông đã đi đầu trong việc sử dụng nghệ thuật như một công cụ truyền tải thông điệp cách mạng”, GS Hà Minh Đức viết trong tham luận của mình.