Khóa học làm xe lăn cho người khuyết tật

Từng chịu nhiều thiệt thòi vì là người khuyết tật, bà Zahida Qureshi (Pakistan) đã mở những lớp học làm xe lăn nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình.
0:00 / 0:00
0:00
Khóa học chế tạo xe lăn ở Multan. Ảnh: THE GUARDIAN
Khóa học chế tạo xe lăn ở Multan. Ảnh: THE GUARDIAN

Theo The Guardian, ước tính Pakistan có khoảng 3,3 triệu người khuyết tật. Bệnh bại liệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng này tại Pakistan, nơi thông tin sai lệch về vaccine tràn lan dẫn đến nhiều cuộc tuần hành phản đối các chiến dịch tiêm chủng. Pakistan đã phê chuẩn Công ước của LHQ về Quyền của người khuyết tật vào năm 2011, dù vậy các đối tượng yếu thế tại đây vẫn không được hỗ trợ xã hội. Trước tình hình đó, bà Qureshi (41 tuổi) đã quyết định hành động.

Bà cho biết: “Tôi từng cảm thấy tủi thân khi ngồi một mình tại bàn học trong khi các bạn cùng lớp của tôi đùa nghịch cùng nhau. Người ta miêu tả những người tàn tật là những kẻ vô dụng. Sáu trường từ chối nhận tôi với lý do sẽ làm gián đoạn việc học của các học sinh khác”. Năm 2007, bà thành lập Hiệp hội những người đặc biệt ở thành phố Multan để chế tạo những chiếc xe lăn tùy chỉnh cho trẻ em và người lớn. Kể từ đó, tổ chức của bà đã tặng 6.000 chiếc xe lăn.

Tổ chức của bà Qureshi cũng cung cấp các khóa đào tạo kéo dài sáu tháng cho mọi người, chủ yếu là những người bị bệnh bại liệt, và họ được khuyến khích tự làm xe lăn để sử dụng. Thực tập sinh Usman Malik (22 tuổi) đã theo học bốn tháng tại Hiệp hội những người đặc biệt. “Cha mẹ tôi không cho tôi tiêm phòng bại liệt và bây giờ họ hối hận vì đã không làm điều đó”, Malik cho biết.

Một sinh viên khác là Wajid Ali (27 tuổi) đã hoàn thành khóa đào tạo của mình, anh khẳng định: “Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã học được có ích. Tôi đang lên kế hoạch đào tạo những người khuyết tật khác. Tôi muốn giúp đỡ càng nhiều người khuyết tật càng tốt. Với chiếc xe lăn này, tôi dự định mở một tiệm may để hỗ trợ gia đình. Nếu không có khóa đào tạo này và ngồi xe lăn, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô ích”.

Hiệp hội của bà Qureshi nhận được những đánh giá tích cực thời gian qua. Bà cảm thấy “tự hào và hạnh phúc” về những gì mình đã đạt được và mong muốn tiếp cận nhiều người hơn, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa của Pakistan.