Khó khăn giữ nghề dệt thủ công người Ba Na

Là một “cái nôi” dệt thổ cẩm lâu đời của người Ba Na, các nghệ nhân làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) còn giữ những kỹ thuật dệt điêu luyện. Nhưng làng thổ cẩm đang đối mặt nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Dệt thủ công truyền thống là nét văn hóa độc đáo của người Ba Na.
Dệt thủ công truyền thống là nét văn hóa độc đáo của người Ba Na.

1/Là một trong bảy làng có truyền thống dệt thổ cẩm ở xã Canh Thuận, kỹ thuật dệt ở làng Hà Văn Trên cũng được “mẹ truyền con nối”. Bà Đinh Thị Lên là một trong những người có kinh nghiệm dệt lâu năm nhất ở làng cho biết, nghề dệt thổ cẩm truyền thống không ai biết có từ bao giờ và ai là người đầu tiên biết dệt, chỉ biết rằng khi chúng tôi sinh ra thì đã có rồi, cứ thế truyền lại từ đời này sang đời khác và duy trì cho đến ngày nay.

Ngày trước, muốn có nguyên liệu dệt, người dân phải vào rừng kiếm bông về kéo sợi, dùng vỏ cây rừng để nhuộm nên vải chỉ có ba mầu chính là đỏ, đen và trắng. Nếu muốn có các mầu khác thì phải dùng các loại quả, củ, đồ lên lấy mầu rồi nhuộm, sau đó mới dệt. Vì thế, để dệt được một bộ đồ rất kỳ công, có khi mất hơn tháng trời. Ngày nay, len bán trên thị trường có nhiều loại mầu nên công đoạn chuẩn bị nguyên liệu cũng đỡ vất vả hơn, ngoài ra sản phẩm làm ra bây giờ cũng có độ bền đẹp, sắc sảo hơn so với trước.

Các nghệ nhân ở làng Hà Văn Trên có thể dệt nhiều loại mẫu mã như các bộ áo thổ cẩm được dệt từ len, lanh và sợi tự nhiên khác. Họa tiết trên các bộ quần áo thổ cẩm ở đây khá tinh xảo, thể hiện sự đa dạng với các gam mầu xanh, đỏ, đen, cam, trắng. Còn chất liệu và họa tiết trên váy thổ cẩm lại thể hiện sự tinh tế và sáng tạo của người thợ dệt. Với các loại khăn thổ cẩm hay được sử dụng để quấn cổ, đội đầu và làm phụ kiện thời trang lại thường mang họa tiết đẹp mắt và có nét riêng.

Biết dệt từ khi mới 15 tuổi, chị Đinh Thị Kem cho biết, từ nhỏ đã thấy các bà, các chị dệt rồi nên rất thích học. Tuy nhiên, học dệt thổ cẩm không dễ, nếu không tập trung học thì rất khó để hoàn thiện, bởi ngoài việc phải ngồi trong thời gian khá dài thì đôi mắt phải tập trung vào từng đường thêu, từng thoi dệt. Đến nay, chị đã có gần 30 năm làm bạn với khung cửi, đôi tay đã trở nên nhuần nhuyễn, thành thạo với nghề. Dẫu vậy, giờ đây khi không còn nhiều người trẻ thích học dệt thủ công nữa, chị khá trăn trở trong việc truyền nghề. “Liệu sau này còn ai muốn làm nghề dệt thổ cẩm nữa không khi mà các loại quần áo có trên thị trường đều rất đẹp. Vì thế, không còn nhiều người thích học cái nghề vừa vất vả mà thu nhập lại bấp bênh”, chị Kem cho biết.

2/Để giải quyết những khó khăn và thách thức, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức liên quan để tìm ra được hướng đi cho bà con trong việc phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Một trong những cách làm ở Canh Thuận để đáp ứng nhu cầu thị trường, đó là sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na nơi đây đã “cách tân” nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc trưng của quê hương. Các sản phẩm thổ cẩm bao gồm váy, quần áo, khăn địu em bé và nhiều mặt hàng khác đã được chuyển biến một cách khéo léo để đáp ứng nhu cầu thị hiếu nhiều người. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân thì cái khó hiện nay vẫn là đầu ra trên thị trường, và nguồn vốn hỗ trợ hoạt động sản xuất.

Chị Đinh Thị Hà, Tổ trưởng dệt thổ cẩm của làng Hà Văn Trên cho biết, làng nghề đang phải đối diện thực trạng nguồn vốn để duy trì sản xuất khá manh mún và nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư về cơ sở sản xuất, nhà trưng bày sản phẩm. Tất cả nghệ nhân làm nghề dệt thổ cẩm ở Canh Thuận đều mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền và cộng đồng để phát triển nghề của mình. Nhiều người hiểu rằng, để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một thì cần phải đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc tìm thị trường gặp khó khăn, cộng thêm việc sản xuất thủ công nên sản phẩm của làng nghề truyền thống chưa được phổ biến rộng rãi.

Là người tâm huyết với những giá trị truyền thống của cha ông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận Đinh Thị Xuân Bông luôn động viên chị em tại làng cố gắng giữ nghề. Bà Bông cho biết, muốn duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, trước hết phải có sự quan tâm về cơ sở vật chất, trong đó cần có nhà trưng bày sản phẩm để quảng bá rộng rãi trên thị trường. Thời gian tới huyện Vân Canh sẽ quy hoạch làng Hà Văn Trên thành khu du lịch cộng đồng, và mở nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm để quảng bá hình ảnh thổ cẩm địa phương đến với du khách.

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho nghề dệt thổ cẩm cũng gặp không ít trở ngại do nhiều người trẻ không muốn học nghề, một phần do nghề dệt thổ cẩm không mang lại thu nhập ổn định.