CHUYÊN ĐỀ: “NGƯỜI TRẺ KỂ CHUYỆN HY SINH”

Khích lệ văn nghệ sĩ trẻ dấn thân

1/Theo độ lùi thời gian, tầm vóc của các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, những cuộc chiến đấu giữ gìn sự toàn vẹn của lãnh thổ tiếp tục được khẳng định qua những góc nhìn của giai đoạn mới, thời đại mới. Giống như hôm nay, chúng ta sống trong thời toàn cầu hóa, thời số hóa, nhìn về con đường máu và hoa của dân tộc trong thế kỷ 20 đầy bão táp. Khi đó, qua những trải nghiệm trong hòa bình, ổn định, phát triển và cả no ấm, sung túc, chúng ta thấm thía hơn khi suy ngẫm về sự hy sinh của các Anh hùng thương binh, liệt sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Hình tượng người lính được khắc họa thành công trong nhiều loại hình nghệ thuật. Ảnh: LÊ MINH
Hình tượng người lính được khắc họa thành công trong nhiều loại hình nghệ thuật. Ảnh: LÊ MINH

Thế hệ đó, trước khi dành một phần thân thể, thậm chí cả tính mạng cho độc lập, hòa bình, cũng đã trải qua những chặng đường vất vả, gian lao, đã sống trong những phút giây hiểm nguy. Để rồi, đỉnh điểm của sự dâng hiến, chính là phút hy sinh để hóa thành bất tử; hoặc trở về đời thường với cơ thể không lành lặn, với những vết thương cả thể chất và tinh thần đeo bám tháng năm dài.

2/Lòng biết ơn và những hành động tri ân, vỗ về những người thương binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ vẫn là trách nhiệm nhân văn của Đảng, Nhà nước và nhân dân nhiều năm qua. Cùng với cơ chế, chính sách, sự quan tâm thiết thực bằng vật chất ngay cả trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, không thể không nhắc đến sự tôn vinh, chăm sóc bằng tinh thần của thế hệ các văn nghệ sĩ mặc áo lính; hay những tác giả sinh ra, trưởng thành trong thời chiến, dù có thể không trực tiếp cầm súng, nhưng cuộc sống của họ đã cận kề, đã rất gần với bom đạn, đã gắn bó với những người thân lên đường chiến đấu, hay lớp lớp người trong cộng đồng hướng ra tiền tuyến. Các văn nghệ sĩ đó đã sáng tác nên nhiều bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, dàn dựng những bộ phim, vở diễn, viết và thể hiện các ca khúc, vẽ những bức tranh, đắp những khối tượng, để lại những bức ảnh… mà sau này trở nên tác phẩm đi cùng năm tháng. Trong đó, người lính, các Anh hùng thương binh, liệt sĩ là trung tâm được khắc họa như những biểu tượng đẹp đẽ.

Dòng sáng tạo đó vẫn chảy đến hôm nay, theo độ lùi của thời gian và đòi hỏi những nhận thức, cảm xúc mới, phương pháp thể hiện mới mẻ hơn của thế hệ sáng tạo hôm nay, ngày mai. Vậy bên cạnh các văn nghệ sĩ cha anh, lớp người cầm bút, cầm cọ, đứng trên sàn diễn… mà không ít người sinh ra trong hòa bình nay đã bước vào tuổi trung niên, cần phải hun đúc, vun đắp những gì để dòng chảy văn học nghệ thuật tri ân, tôn vinh, lý giải sự hy sinh tiếp tục bừng sáng, vạm vỡ, tiếp tục tạo dấu ấn với công chúng, đặc biệt là lớp bạn đọc, khán giả trẻ. Đây thật sự là vấn đề không nhỏ cho con đường, phương pháp cũng như quan điểm sáng tạo về đề tài thương binh, liệt sĩ, rộng hơn là đề tài người lính, chiến tranh cách mạng trong bối cảnh mới.

Khích lệ văn nghệ sĩ trẻ dấn thân ảnh 1

Cần những chương trình, định hướng cho việc sáng tác, quảng bá về mảng đề tài thương binh, liệt sĩ. Ảnh: ANH QUÂN

3/Câu hỏi với những người sáng tạo, đó cũng là câu hỏi cho những nhà tổ chức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về mảng đề tài này. Cho các nhà hoạch định chính sách về sáng tác, phổ biến tác phẩm ra xã hội. Câu hỏi hướng đến mỗi đối tượng liên quan, từ văn nghệ sĩ cho đến nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, trong lực lượng an ninh quốc phòng hay các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp về văn học nghệ thuật đều cần những nội dung trả lời cụ thể với điều kiện và năng lực thực hiện có tính khả thi.

Vài gợi mở: Với vai trò chủ quản liên quan mật thiết đến lịch sử chiến tranh cách mạng, ngành quốc phòng, an ninh… cần thúc đẩy những gì trong việc cung cấp đề tài, tư liệu, hỗ trợ văn nghệ sĩ thế hệ mới thâm nhập, sáng tác về thương binh, liệt sĩ.

Là ngành quản lý nhà nước trong việc xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân, các cơ quan, đơn vị văn hóa, xuất bản cần lan tỏa những tác phẩm về đề tài này đến công chúng là công nhân, học sinh, sinh viên, bộ đội… qua những hoạt động cụ thể như thế nào.

Rộng hơn, về đường lối phát triển văn hóa, xây dựng xã hội, chúng ta chủ trương xây dựng các hệ giá trị cho cộng đồng, gia đình, con người. Trong đó, chú trọng vun đắp tình yêu nước, thương nòi, đề cao tinh thần vì cộng đồng, ý thức dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp chung… Đó đều là những phẩm chất quý báu được thể hiện chân thực qua thực tế chiến đấu và hy sinh của các Anh hùng thương binh, liệt sĩ. Vậy thì từ chủ trương xây đắp các hệ giá trị đó, cần những định hướng và chương trình của Nhà nước, ngành văn hóa, khối các hội văn học nghệ thuật dành cho việc sáng tác, công bố, quảng bá về mảng đề tài thương binh, liệt sĩ.

Song song với đó, bên cạnh việc thúc đẩy đưa tác phẩm ra thị trường, thì chính sách, cơ chế đãi ngộ và phục vụ mang tính công ích của các tác phẩm cũng cần phải chú trọng hơn. Như vậy nhằm bảo đảm những điều kiện làm việc, sáng tạo và thù lao thiết thực cho văn nghệ sĩ thế hệ mới, thế hệ trẻ khi dấn thân vào mảng đề tài này. Cũng như để tác phẩm về thương binh, liệt sĩ có thể đến với công chúng rộng rãi hơn trong bối cảnh nhiều mảng đề tài khác và rất nhiều loại hình giải trí đều đang cạnh tranh sôi nổi.

Để khuyến khích người trẻ kể chuyện hy sinh, cần nhiều mối quan tâm và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, tổ chức kể trên. Sự đồng hành tích cực sẽ tạo thuận lợi hơn cho cơ hội tiếp nhận, mối quan tâm hưởng ứng của công chúng với mảng đề tài này. Tất nhiên, tác phẩm cần sự thẩm định của thời gian, nhưng những nỗ lực cho nó hiện diện là rất cần thiết.