Hoàng Hà (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)
Sau nhiều lần đắn đo, những ngày cuối tuần qua, gia đình tôi đã quyết định đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vừa được khánh thành. Nguyên nhân của sự đắn đo này xuất phát từ hàng loạt hình ảnh phản cảm, được các phương tiện truyền thông đăng tải suốt những ngày bảo tàng mới mở cửa đón khách.
May mắn thay, khi chúng tôi có mặt tại bảo tàng, đã không còn cảnh người người trèo lên các hiện vật, nhà nhà dẫm lên những địa điểm đã có biển cấm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người tham quan vẫn tái diễn. Không ít trẻ nhỏ vẫn đu bám lên sa bàn và các hiện vật nhưng phụ huynh, người lớn đi cùng chẳng hề bận tâm nhắc nhở. Thậm chí, chính những người trưởng thành cũng vô tư chạm, sờ vào hiện vật để chụp ảnh như một cách “đánh dấu chủ quyền” khó hiểu.
Những tấm kính ở tủ trưng bày bám vân tay nhiều đến mức mờ hẳn đi dù lực lượng chức năng của bảo tàng đã lau chùi liên tục. Khắp nơi, mặc cho các cán bộ bảo tàng mỏi miệng nhắc nhở, không ít khách tham quan vẫn phải đứng thật sát, cố gắng “dính” lấy hiện vật để chụp bằng được ít nhất một tấm ảnh. “Đáng thương” nhất vẫn là những cỗ xe tăng, pháo cao xạ hay máy bay nằm ở khuôn viên bên ngoài bảo tàng. Chỉ trong khoảng 5 phút, tôi đếm được tới hàng chục người đu bám, leo lên như ở vườn hoa công cộng. Trong đó, có không ít ông bố, bà mẹ thản nhiên cố tình bế rồi đẩy con cái lên hiện vật.
Đây không phải lần đầu tiên các bảo tàng phải “kêu cứu” vì những hành vi thiếu ý thức của khách thập phương. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, trong các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, có những bảo vật cấp quốc gia vô giá, minh chứng sống động cho những chiến công lẫy lừng, niềm tự hào của dân tộc ta. Có thể sẽ có người nói rằng “trẻ nhỏ có biết gì đâu”. Nhưng còn những người lớn đi cùng, phải chăng chính họ mới cần được giáo dục về ý thức và kiến thức lịch sử?