Phan Thanh Nga (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)
Theo các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, các biển hiệu quảng cáo phải có nội dung tiếng Việt, trừ một số trường hợp như nhãn hiệu, thương hiệu bằng tên riêng tiếng nước ngoài hoặc những từ ngữ đã được quốc tế hóa mà không thể thay thế bằng tiếng Việt. Mục đích không chỉ để tạo thuận lợi cho người dân, người đi đường khi tìm kiếm địa chỉ, mà còn thể hiện chủ quyền quốc gia, bản sắc dân tộc không thể thay đổi trên lãnh thổ Việt Nam.
Thế nhưng, bấy lâu nay, ở khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), xuất hiện hàng loạt cửa hàng, quán ăn, giải khát… trưng biển hiệu “đặc sệt” tiếng nước ngoài. Đi ngang qua một số con phố như Hoàng Trọng Mậu, Trần Văn Lai…, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên vì tỷ lệ tiếng Việt trên các tấm biển hiệu, bảng quảng cáo là vô cùng nhỏ nhoi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lác đác một số cửa hàng có sử dụng song song cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt, tuy nhiên kích thước, màu sắc của phần tiếng nước ngoài lại bắt mắt, nổi bật và lấn át hoàn toàn. Cá biệt, có những cửa hàng sử dụng tiếng Việt nhưng lại… sai chính tả.
Dù phải thường xuyên đến khu vực này để làm việc, nhất là gặp gỡ, trao đổi với đối tác, nhưng tôi vẫn không thể phân biệt được vị trí và địa chỉ của nơi cần tìm. Có lần, tôi đã “dở khóc dở cười” do vào nhầm địa điểm, ngồi chờ cả giờ đồng hồ vẫn không gặp được đối tác. Hỏi đường thì nhiều người cũng… chịu thua. Chung quanh tôi, một số nhân viên giao hàng cũng đang ngơ ngác, cố gắng đọc những dòng chữ tiếng Việt li ti trên các tấm biển hiệu có diện tích hàng chục m2. Đề nghị các lực lượng chức năng sớm kiểm tra, rà soát, đưa mọi việc trở lại khuôn khổ, đúng pháp luật hiện hành.