“Cú huých” cho đô thị Hà Nội

Theo quy hoạch chung Thủ đô tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với tổng chiều dài 610 km. Đây được coi là hạt nhân trung tâm giúp Thủ đô xây dựng chùm đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit Oriented Development ) gọi tắt là TOD.
0:00 / 0:00
0:00
Đường sắt là nền tảng để thúc đẩy phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.
Đường sắt là nền tảng để thúc đẩy phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Sức bật từ đường sắt đô thị

Với năng lực vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, ĐSĐT được coi là xương sống trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Tại TP Hà Nội, đến nay đã có hai tuyến ĐSĐT (Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội) đi vào hoạt động, góp phần thay đổi thói quen di chuyển của người dân. Theo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ bổ sung thêm 5 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài

200 km. Còn trước mắt đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng hơn 10 tuyến ĐSĐT với chiều dài 410 km. Trong đó, giai đoạn 2024 - 2030 xây dựng 96,8 km; giai đoạn 2031 - 2035 xây dựng 301 km ĐSĐT.

Việc quan tâm đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông sẽ giúp Hà Nội đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, giãn mật độ dân cư, giảm tải giao thông và gánh nặng hạ tầng xã hội cho trung tâm thành phố. Các chuyên gia cho rằng, ĐSĐT sẽ đóng vai trò trục xương sống cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được quan tâm đầu tư như đường vành đai 4, vành 5, sân bay thứ hai… giúp Thủ đô phát triển chuỗi đô thị từ phía bắc sang phía tây nam. Hiện, các huyện như Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai kéo dài đến Sơn Tây là những khu vực còn rất nhiều dư địa để xây dựng chuỗi đô thị theo mô hình TOD.

Phát triển đô thị TOD là mô hình đô thị tích hợp chức năng giao thông vận tải hành khách công cộng và sử dụng đất hiệu quả. TS, KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng: Phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội như giải quyết ùn tắc giao thông, giúp tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp cần thiết cho những đô thị lớn, mật độ dân số cao như Hà Nội.

Chùm đô thị TOD

Về khía cạnh xã hội, TS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, mô hình TOD giúp chuyển đổi lối sống đô thị của cộng đồng từ sử dụng giao thông cá nhân sang sử dụng giao thông công cộng. Về tổ chức không gian đô thị, mô hình TOD sẽ chuyển đổi hình thái từ phân tán, lan tỏa mật độ thấp sang tập trung, nhỏ gọn, mật độ cao.

Dưới góc nhìn quy hoạch, theo TS Phạm Thị Nhâm, mô hình TOD đô thị Hà Nội cần phân loại theo tầng bậc. Trong đó, TOD loại 1 đóng vai trò đầu mối giao thông của vùng, có mối liên kết giao thông cấp quốc gia - quốc tế. Hiện, về hàng không, Hà Nội có sân bay Nội Bài, sân bay thứ hai đang quy hoạch. Về đường sắt, đường bộ có ga Ngọc Hồi là đầu mối giao thông liên kết quốc gia, quốc tế; ga Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thông liên vùng, mang ý nghĩa lịch sử. Về đường thủy có tổ hợp hai bên cầu Long Biên. Liên kết giao thông cấp vùng (đường sắt liên vùng, đường sắt đô thị, quốc lộ) có ga Yên Viên; tính chất chức năng cấp vùng có thành phố khoa học - công nghệ Hòa Lạc. TOD loại 2 (cấp đô thị) là khu vực đô thị có tính chất chức năng là chuỗi đô thị mới, đô thị vệ tinh; có tiềm năng về quỹ đất khai thác. Còn TOD loại 3 cấp đơn vị ở các điểm dọc tuyến trong bán kính 500- 1.000m sẽ giảm bớt tình trạng tập trung dân số quá mức ở đô thị trung tâm.

Mặc dù là hướng đi đúng đắn nhưng phát triển đô thị theo định hướng TOD cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cho Hà Nội trong khoảng 20 năm tới. Các rào cản này hiện chủ yếu vẫn xoay quanh việc chậm triển khai, đội vốn các dự án ĐSĐT hay việc thiếu gắn kết với tái cấu trúc không gian đô thị; thiếu kết nối với chính hệ thống giao thông; khó khăn trong việc tiếp cận nhà ga...

TS, KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, để thực hiện tốt mô hình TOD, Nhà nước cần hoàn thiện xây dựng các cơ chế về pháp lý để thúc đẩy thực hiện mô hình TOD tại các đô thị lớn, trong đó cần có sự điều tiết của các luật như: Luật Đầu tư, Đấu thầu, Xây dựng, Đất đai... Các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phát triển TOD, các yêu cầu nguyên tắc hướng dẫn đối với quy hoạch, thiết kế đô thị. Bên cạnh đó, phát triển các dự án ĐSĐT gắn với dự án TOD để khai thác hiệu quả quỹ đất và tạo nguồn lực đầu tư, vận hành hệ thống ĐSĐT. Phát triển ĐSĐT, TOD gắn với chương trình phát triển đô thị theo các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tạo được mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau.

“ĐSĐT và TOD là khung xương để dẫn hướng cho phát triển đô thị. Việc quy hoạch đô thị với mô hình phát triển theo định hướng giao thông công cộng - TOD sẽ góp phần xây dựng Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn của chúng ta phát triển hiện đại, bền vững, giàu bản sắc”, TS, KTS Lê Chính Trực nhấn mạnh.