Gỡ vướng việc cấp sổ hồng

TP Hồ Chí Minh vừa lập tổ công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố. Điều này sẽ giúp hàng vạn hộ dân đến gần hơn với điều mong mỏi bấy lâu nay sau nhiều năm bị treo quyền lợi chính đáng.
0:00 / 0:00
0:00
Cư dân tại chung cư thương mại Homyland Riverside (phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức) vẫn chưa nhận được sổ hồng.
Cư dân tại chung cư thương mại Homyland Riverside (phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức) vẫn chưa nhận được sổ hồng.

Hàng vạn căn hộ mong ngóng sổ hồng

Theo dữ liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, thành phố triển khai 335 dự án với hơn 191 nghìn căn hộ, nhưng có hơn 81 nghìn căn chưa được cấp sổ. UBND thành phố cũng đã phân ra 6 nhóm vướng mắc khi cấp sổ và giao Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng giải quyết.

Theo anh Lại Thế Huân ở chung cư thương mại Homyland Riverside (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức), gia đình anh chuyển về sống tại đây từ năm 2019 nhưng đã hơn 5 năm, chủ đầu tư chưa có giấy hồng trao cho cư dân nên rất thiệt thòi mỗi khi làm thủ tục liên quan đến quyền sở hữu nhà.

Bên cạnh đó, người dân đăng ký thường trú phải đem một chồng hồ sơ (gồm bản vẽ, hợp đồng mua bán, xác nhận của chủ đầu tư, biên bản bàn giao nhà...) để chứng minh nơi cư trú hợp pháp. Cha mẹ muốn tặng cho nhà hay lập di chúc đều phải nhờ chủ đầu tư, đủ các kiểu phiền phức, rắc rối… Điều đáng nói, muốn bán nhà, chủ cũ phải được chủ đầu tư cấp giấy xác nhận là chủ nhà, sau khi bán cho chủ mới sẽ được chủ đầu tư xác nhận chủ nhà mới. Căn hộ có giá trị hàng tỷ đồng nhưng hiện chỉ có một ngân hàng (có liên kết với chủ đầu tư) chấp nhận duyệt hồ sơ thế chấp cho vay với lãi suất khá cao.

Còn theo một số chủ đầu tư nhà ở thương mại, hiện nay vẫn chưa có sổ hồng cấp cho người dân, vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc nhiều chung cư, dự án nhà ở không có sổ hồng hiện nay không chỉ lỗi ở chủ đầu tư. Thực tế, nhiều dự án chậm giấy hồng có cả phần lỗi của các cơ quan quản lý. Các quy định pháp luật về đất đai ban hành rồi điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí bãi bỏ nội dung của văn bản trước. Nhiều văn bản ban hành chưa kịp thời. Doanh nghiệp bị vướng mắc nếu dự án kéo dài, buộc phải chọn cách “vừa chạy vừa xếp hàng”, đến khâu cấp sổ hồng cho người mua nhà (là khâu cuối cùng) ách tắc, kéo dài...

Gỡ những vướng mắc…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, hiện nay, một số vấn đề đã được bổ sung, đưa vào Luật Đất đai và Luật Nhà ở mới nên đã có cơ sở để các cơ quan nhà nước xử lý vướng mắc. Đặc biệt, thành phố có thể hoàn toàn xử lý được theo tinh thần của Nghị quyết 98/2023 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của thành phố. Hy vọng việc thành lập tổ giải quyết vướng mắc cấp sổ hồng sẽ gỡ vướng được cho các dự án và cấp giấy tờ sở hữu cho người dân thời gian tới.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, cần tách bạch giữa sai phạm của người dân và chủ đầu tư. Hơn nữa, việc cấp sổ hồng cần theo tinh thần ưu tiên xử lý cấp cho người dân trước, sai phạm của doanh nghiệp sẽ xử lý sau.

Theo quyết định của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác sẽ tham mưu cho thành phố giải quyết vướng mắc, phân loại và thống nhất quy trình cấp sổ hồng cho người dân. Cụ thể, triển khai công việc trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là rà soát, thu thập số liệu, hồ sơ, thống kê danh mục các dự án nhà ở thương mại. Giai đoạn 2 sẽ phân loại các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ lên UBND thành phố dự kiến hoàn tất trước ngày 15/11. Giai đoạn 3 là tập trung các giải pháp tháo gỡ và giải quyết cấp sổ hồng cho người mua nhà, dự kiến triển khai từ tháng 11 đến hết tháng 12.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là thực hiện rà soát tổng thể và thống kê số liệu các khu nhà, các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được cấp phép đầu tư xây dựng và được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến việc chưa hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận, phân nhóm, phân loại, thống kê số liệu, danh sách dự án cụ thể theo từng nhóm, đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo kế hoạch, lộ trình và thời gian cụ thể…

Đơn cử như Khu dân cư Hiệp Bình Chánh theo quy hoạch cũ, chỉ cho xây dựng thấp tầng. Thế nhưng sau này nhiều người dân có nhu cầu xây dựng cao tầng hơn nên vi phạm. Do đó có thể xem xét nếu vi phạm không ảnh hưởng đến quy hoạch chung, không ảnh hưởng đến môi trường sống chung quanh nên cho phép điều chỉnh quy hoạch (ông Lê Hoàng Châu).