Khi các đối thủ cùng bàn về "chiến lệ"

Lâu nay, chiến lệ (một trận đánh tiêu biểu đã được tổng kết và rút kinh nghiệm) thường được đem ra kể chuyện truyền thống và thuộc về "lãnh địa" của nhà viết sử hoặc các nhân chứng. Trong một dịp thật đặc biệt, trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, chúng tôi may mắn chứng kiến những cựu phi công của hai phía đã tham gia "không chiến" trên bầu trời Hà Nội những tháng ngày lịch sử ngồi bên nhau để cùng chia sẻ những câu chuyện mà chỉ có họ mới thấu đáo về những gì đã diễn ra năm ấy. Những mái đầu đã bạc chăm chú lắng nghe nhau nói, cùng nhau tạo nên một "chiến lệ" song phương và cùng nhau hàn gắn những vết thương của chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát (thứ hai, bên phải) trò chuyện với các cựu phi công Mỹ về kỹ thuật tác chiến của phi công Việt Nam trong giai đoạn 1965-1975.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát (thứ hai, bên phải) trò chuyện với các cựu phi công Mỹ về kỹ thuật tác chiến của phi công Việt Nam trong giai đoạn 1965-1975.

Như một sự thúc giục của lương tri, cựu phi công Mỹ Marshall Michel đã nhiều lần đến Việt Nam để nghe những câu chuyện của quá khứ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Georgetown, Marshall Michel đã gia nhập không quân, được huấn luyện tại trường đào tạo phi công của Không quân Hoa Kỳ và tới Việt Nam tham chiến từ năm 1970 đến 1973. Sau chiến tranh, ông trở lại Mỹ rồi trở thành Tùy viên Không quân của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tel Aviv, Israel. Từ Israel trở về, Marshall Michel làm việc tại Bộ Tham mưu Không quân rồi học tại Đại học Havard, bắt đầu đi sâu nghiên cứu về chiến tranh trên không ở Việt Nam. Ông cũng là tác giả cuốn sách "The 11 days of Christmas - America’s last Vietnam battle" (11 ngày đêm Giáng sinh - những trận không chiến cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam).

Marshall Michel cho biết: "Khi ở trong quân đội, chúng tôi luôn ghi nhớ những người đã bay và chiến đấu cùng mình, kể cả những người đã hy sinh. Nhưng tôi nghĩ rằng, một điều cũng rất quan trọng đó là hãy nhớ đến những người bị lôi kéo vào cuộc chiến nhưng không thuộc một lực lượng quân đội nào - những nạn nhân của chiến tranh. Cuốn sách đầu tiên tôi viết chủ yếu dựa trên những nhận định từ phía Mỹ về chiến tranh trên không. Còn với cuốn thứ hai, tôi đã có cơ hội quay lại Hà Nội để nghiên cứu về trận ném bom B-52 trong chiến dịch 11 ngày đêm Giáng sinh, để thu thập nhiều thông tin hơn từ phía các bạn. Việc kể lại những câu chuyện như vậy là rất quan trọng".

Là một nhà nghiên cứu, một người trong cuộc, Marshall Michel bề bộn bao câu hỏi dành cho Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng, cựu phi công MiG-21, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam và là nhà nghiên cứu về lịch sử không chiến Việt Nam: "Một trong hai vấn đề mà tôi quan tâm, đó là hệ thống radar chỉ huy các trận địa tên lửa. Làm thế nào các ông có thể dò ra được đội hình máy bay ném bom của phía Mỹ bằng radar trong rải nhiễu. Các ông phải mất bao lâu để chuẩn bị mọi phương án trước khi có thể bắn rơi máy bay B-52? Tôi khẳng định các ông là những phi công giỏi, đã gây rất nhiều trở ngại cho chúng tôi dù tương quan lực lượng khá chênh lệch. Trên bầu trời Hà Nội, phi công Mỹ luôn phải ngoái lại phía sau xem có thêm máy bay khác tấn công không? Chúng tôi đã rất lo lắng".

Trả lời Marshall Michel, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, thời điểm đó, Mỹ đã huy động lên đến 200 máy bay B-52, bằng 50% tổng số máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, cùng hơn 1.000 máy bay chiến thuật của cả không quân và hải quân. Phía chúng ta thì để bảo vệ miền bắc lúc bấy giờ có 8 trung đoàn tên lửa, riêng bảo vệ Hà Nội có 2 trung đoàn đủ, 1 trung đoàn thiếu. Số phi công thực tế còn lại có thể tham gia không chiến chỉ còn 11 người vào ban ngày, ban đêm có 12 người. "Chúng tôi đã hạ quyết tâm: nếu bắn rơi 1-2% số lượng B-52 thì Mỹ còn chịu đựng được, đến 6-7% thì Lầu năm góc sẽ rung chuyển và đến 10% số B-52 tham chiến thì Mỹ sẽ chịu thua. Cũng phải nói rằng, chúng tôi rất biết ơn bộ đội tên lửa. Trong điều kiện khó khăn, số lượng ít như thế mà ngay đêm đầu tiên đã bắn rơi rồi, tạo niềm tin rất lớn. Về phía bộ đội không quân, vừa đánh B-52 ban đêm nhưng ban ngày bằng mọi cách bảo vệ trận địa tên lửa. Tất cả đều vô cùng nỗ lực" - ông khẳng định.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng cho biết thêm: "Đặc điểm lớn nhất chi phối phương thức tác chiến của lực lượng phòng không không quân là không quân, hải quân Mỹ sử dụng đòn tập kích chiến lược, chứ không phải những chiến dịch, trận đánh riêng lẻ. Cách chỉ đạo, điều hành, cách làm sao đối kháng lại với cuộc tập kích đấy khác với các trận đánh riêng lẻ. Đặc điểm lớn thứ hai là do tập kích chiến lược nên phía Mỹ sử dụng lực lượng, phương thức, cách đánh có khác. Lần này có cả không quân chiến thuật và không quân chiến lược, các loại máy bay và vũ khí của Mỹ có bước cải tiến rất lớn. Vấn đề lớn thứ ba là phương thức tác chiến, trước kia chỉ đánh B-52 ở khu 4, có trận ban ngày, có trận ban đêm nhưng lần này là ngay giữa lòng Hà Nội. Cho nên việc phân chia vành đai hỏa lực cũng có những điểm khác trước".

Ông Marshall Michel bày tỏ: "Tôi đã xem cuốn Cẩm nang đỏ được lưu giữ trong Bảo tàng Không quân Việt Nam và nhận ra, các bạn đã nghiên cứu cách thức để bắn rơi B-52 từ năm 1966, sáu năm trước chiến dịch 11 ngày đêm Christmas. Trong nhiều năm, các bạn đã theo dõi các sóng nhiễu và nghiên cứu về quy luật bay của B-52. Mặc dù nhiều người trong bộ đội tên lửa chưa bao giờ nhìn thấy B-52 hay sóng nhiễu của B-52, nhưng vì đã được đọc cuốn cẩm nang đó, nên hiểu được các sóng nhiễu đó mang ý nghĩa gì, phải làm gì sau đó và thời điểm nào có thể phóng tên lửa. Tất cả những điều đó vô cùng thú vị đối với tôi. Có những điều chúng tôi tưởng chừng như đã biết, nhưng hóa ra lại chưa biết phần thú vị nhất, đó là những chi tiết cụ thể, thí dụ như chi tiết phía Việt Nam đã quan sát và nghiên cứu về chúng tôi trong một thời gian dài như thế nào".

Quả đúng là Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam đã có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bước vào trận đánh lớn. Marshall Michel thừa nhận không quân Mỹ có những lợi thế đặc biệt, đơn cử như hệ thống ném bom laser rất hiệu quả hay một số ưu thế khác nữa. Nhưng tương tự một trận bóng đá, đội rất cao lớn, mạnh mẽ và nhanh nhẹn lại có thể bại trận trước một đội bóng nhỏ với lối đá tốt hơn. Trung tướng Nguyễn Đức Soát khẳng định, hầu như cách đánh mới của Mỹ vừa xuất hiện thì không lâu sau, phía Việt Nam đều nghĩ ra cách để phá vỡ và buộc Mỹ phải tìm phương án khác. Sự thay đổi chiến thuật ấy cũng gây khó khăn nhưng chúng ta luôn có cách tận dụng thế mạnh của mình, kể cả biến thế mạnh của đối phương thành thế mạnh của mình để tìm ra cách chiến thắng.

Đối phó với âm mưu đánh phá các sân bay để máy bay MiG không thể cất cánh và tìm diệt các trạm radar ở trận địa tên lửa của Mỹ, không quân của ta nhanh chóng khắc phục khó khăn bằng cách cho MiG xuất phát từ đường lăn hoặc là những sân bay bị phá hủy rất nặng. Ban đêm tập trung đánh B-52 và số lần xuất kích chỉ khoảng trên dưới 30 lần, song các phi công và chiến thuật tác chiến hết sức linh hoạt và tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn này tuy chỉ bắn rơi 2 máy bay B-52 và 6 máy bay chiến thuật nhưng đóng góp rất quan trọng trong chiến thắng chung của Quân chủng Phòng không-Không quân cũng như của toàn quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Nhiều phi công như Nguyễn Văn Bảy, Lưu Huy Chao, Lê Hải, Lê Thanh Đạo, Vũ Đình Rạng... dù chỉ sử dụng vũ khí, khí tài lạc hậu nhưng đã liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ mà không nhảy dù lần nào.

Câu chuyện khép lại với rất nhiều thông tin thú vị được chia sẻ giữa các bên. Và chúng tôi rất nhớ lời ông Marshall Michel: "Điều mà tôi cảm thấy thú vị nhất đó là mọi người đã ngồi xuống cùng nhau, cầm lấy cây bút và tờ giấy, rồi vẽ lại mọi chi tiết của trận không chiến. Thường thì hai bên nhìn nhận sự việc khá giống nhau. Một cựu phi công Mỹ nói rằng đã nhìn thấy Trung tướng Soát bay lên từ phía dưới, còn Trung tướng Soát lại bảo, không, tôi bay từ phía trên xuống. Nhưng cựu phi công Mỹ là người đã bị bắn rơi, nên tôi nghĩ rằng chúng ta phải tin lời Trung tướng Soát thôi... Điều đáng giá nhất là tinh thần của chúng ta, giờ đây chúng ta có thể ngồi lại với nhau để nói về những điều rất cụ thể trong một trận không chiến. Cảm xúc mà chúng tôi có được thật tuyệt vời!".

Khi các đối thủ cùng bàn về "chiến lệ" ảnh 1

Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng, cựu phi công MiG-21 tặng cuốn sách "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam" cho cựu phi công Mỹ Marshall Michel.