Khát vọng Việt qua Cờ Mặt Trời

Vóc dáng thư sinh, nụ cười hiền lành, đạo diễn truyền hình Ninh Quang Trường trẻ hơn nhiều so tuổi. Sáng tạo ra Cờ Mặt Trời, trò chơi mới thuần Việt, Ninh Quang Trường muốn gửi gắm mong muốn lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống tới cộng đồng, nhất là giới trẻ. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Ninh Quang Trường bên bộ Cờ Mặt Trời do anh sáng tạo.
Đạo diễn Ninh Quang Trường bên bộ Cờ Mặt Trời do anh sáng tạo.

Phóng viên (PV): Cơ duyên nào cho anh ý tưởng sáng tạo Cờ Mặt Trời?

Đạo diễn Ninh Quang Trường: Tôi vốn là “trai phố cổ” Hà Nội. Tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, tôi vào VTV công việc đạo diễn truyền hình. Dịp Tết 2012, tôi được giao đạo diễn một chương trình và có ý tưởng gắn với “cầm, kỳ, thi, họa”, một chủ đề rất truyền thống, phù hợp không khí Tết. Với “cầm, thi, họa” thì dễ rồi: Việt Nam chúng ta có nhiều loại đàn, bài thơ, bức tranh đậm chất dân tộc. Nhưng đến “kỳ” thì tôi… bí. Tôi đã hình dung hình ảnh các cô gái mặc áo dài ứng với mỗi nét truyền thống, nhưng để họ chơi cờ gì bây giờ? Cờ tướng Trung Quốc dĩ nhiên không phù hợp, còn cờ vua lại tạo cảm giác hiện đại, châu Âu quá. Vì bế tắc về câu chuyện bộ cờ, ý tưởng cho cả chương trình tôi đành phải bỏ.

Nhưng cũng từ lúc ấy, tôi băn khoăn câu hỏi về môn cờ của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo. Tôi đã bỏ công đi nhiều nơi và biết rằng chúng ta sở hữu một số bộ cờ riêng, cờ dân gian có, cờ sáng tác có. Nhưng vì nhiều lý do, chúng không phổ biến rộng rãi. Đó là khi tôi nung nấu ý tưởng sáng tạo một bộ cờ mới, trên tiêu chí gắn kết truyền thống-hiện đại, gắn kết mọi người lại với nhau, trong bối cảnh chúng ta, nhất là thế hệ trẻ đang quá sa đà vào các thiết bị điện tử.

PV: Lý do nào khiến sau đến 12 năm “thai nghén”, bộ Cờ Mặt Trời mới được hoàn thiện?

Đạo diễn Ninh Quang Trường: Tôi luôn bị cuốn đi theo các chương trình. Thêm nữa, tôi cũng không tự đặt hạn chót cho mình, mà cố gắng trau chuốt, chỉn chu nhất có thể trong quá trình sáng tạo Cờ Mặt Trời.

Có 2 vấn đề khiến tôi mất nhiều thời gian là gameplay (cách chơi) và tạo hình quân cờ. Trong suốt 12 năm, tôi đã thử rất nhiều phiên bản gameplay, chơi đi chơi lại nhưng rồi phải bỏ. Có những lúc tôi sa đà vào những cách chơi phức tạp, gửi gắm nhiều triết lý, không phù hợp số đông. Cuối cùng, sau khi nghiên cữu kỹ, tôi chọn thể loại board game (là một thể loại trò chơi trí tuệ, gồm 2 hoặc nhiều người tương tác trực tiếp với nhau thông qua một bàn cờ, thường sử dụng vật dụng đi kèm như lá bài, xúc xắc, quân cờ… ). Thể loại này người mới cũng chơi được ngay, tiết tấu nhanh, kịch tính, không gây nhàm chán.

Thông thường, xong gameplay là đã cơ bản xong việc sáng tạo trò chơi. Nhưng chuyện tạo hình quân cờ cũng khiến tôi loay hoay rất lâu. Qua hàng trăm bản dùng thử với khá nhiều chi phí, tôi vẫn chưa chọn được tạo hình, vì điều khiến tôi trăn trở nhất là quân cờ phải chứa đựng yếu tố văn hóa truyền thống. Chọn đi chọn lại mãi, tôi dừng lại ở hình ảnh trống đồng. Đó là một biểu tượng văn hóa, lịch sử của dân tộc và cũng rất đẹp về tạo hình. Trống đồng có một cấu trúc hoàn hảo để thu nhỏ lại làm quân cờ, có chỗ thắt, chỗ nở, khi cầm vừa vững chãi vừa mềm mại, diện tích bề mặt lại đủ lớn để đưa luật chơi vào. Đến lúc này, bộ Cờ Mặt Trời cơ bản đã hoàn thiện.

Khát vọng Việt qua Cờ Mặt Trời ảnh 1

Cờ Mặt Trời được đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế đón nhận, yêu thích trong sự kiện ra mắt tại Bảo tàng Hà Nội.

PV: Tại sao anh lại đặt tên bộ cờ là Cờ Mặt Trời?

Đạo diễn Ninh Quang Trường: Hình ảnh mặt trời là họa tiết chính trên chiếc trống đồng, cũng vì vậy tôi chọn làm quân chủ của bộ cờ với ý nghĩa khi người chơi đánh mất mặt trời, ván cờ sẽ kết thúc. Khi nghĩ tên gọi bộ cờ, tôi từng định lựa chọn phương án Cờ Trống Đồng. Đặt tên Cờ Trống Đồng là nhanh và dễ nhất, nhưng tôi muốn lan tỏa văn hóa truyền thống không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế, nên tôi nghĩ gọi như thế người nước ngoài sẽ không hiểu. Cờ Mặt Trời là tên gọi dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người, và tôi hy vọng khi được chơi thử, bộ cờ sẽ góp phần như một “đại sứ”, khơi gợi cho du khách quốc tế mong muốn đến gần hơn, tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tôi giới thiệu Cờ Mặt Trời vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tại một sự kiện đa trải nghiệm ở Bảo tàng Hà Nội. Nói đa trải nghiệm vì bộ cờ xuất hiện cùng triển lãm trưng bày với chuyên đề “Tiếng vọng” cùng hàng trăm hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý từ hơn 2.000 năm trước của dân tộc qua thời các vua Hùng, với nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử. Nổi bật trong có bảo vật quốc gia là trống đồng Cổ Loa. Đặt trong tổng thể đó, Cờ Mặt Trời cũng vinh dự là một trong các yếu tố “kéo” mọi người gần thêm một bước về với văn hóa truyền thống.

Bàn Cờ Mặt Trời gồm 49 ô vuông, theo cấu trúc 7x7 và 28 quân cờ, chia 2 mầu đen, đỏ với cách sắp xếp giống nhau. Mỗi bên có 14 quân cờ, chia 2 hàng. Ngoài quân cờ mặt trời (chỉ đi 1 bước), các quân còn lại có số chấm từ 1 đến 4 tương ứng số bước đi. Lần lượt từng người chơi sẽ luân phiên đưa ra các bước đi, quân cờ bắt buộc phải đi số bước bằng số chấm theo các hướng dọc, ngang, chéo, có thể nhảy qua quân cờ của đổi thủ, tuy nhiên không được thay thế vào vị trí quân cờ khác cùng màu. Nếu vị trí hạ quân cờ trùng với vị trí của quân đối phương, bạn có thể “ăn” quân cờ đó. Ai bị mất quân cờ mặt trời trước là người thua cuộc. Để tăng độ hấp dẫn cho trò chơi, người chơi có thể đưa thêm các luật phụ như: Giới hạn thời gian suy nghĩ để đi một nước cờ trong 30 giây; hoặc giới hạn thời gian chơi của một ván cờ. Chẳng hạn, sau 10 phút, vẫn chưa ai bị mất quân cờ mặt trời thì sẽ tiến hành tính điểm, số điểm tương ứng với trị số trên mỗi quân cờ, ai còn tổng điểm nhiều hơn là người chiến thắng. Riêng quân cờ mặt trời không tính điểm.

PV: Sau thời gian ra mắt, bộ Cờ Mặt Trời được đón nhận như thế nào?

Tại sự kiện này, tôi không chỉ giới thiệu một phiên bản Cờ Mặt Trời, mà đó là một “bộ sưu tập” các phiên bản từ chất liệu khác nhau. Tôi đã “đặt hàng” một số làng nghề gỗ, khảm trai, sơn mài, thêu… làm nhiều bộ cờ theo thiết kế của họ. Bởi vậy, tôi hy vọng Cờ Mặt Trời sẽ không chỉ là một trò chơi mà còn là một tác phẩm để chiêm ngưỡng, phù hợp nhiều không gian khác nhau, có thể làm sản phẩm trang trí trong nhà hay quà lưu niệm, vì nó mang theo tâm huyết và tài hoa của các nghệ nhân.

Về sự đón nhận của cộng đồng, tôi rất vui vì ngay trong sự kiện ra mắt, Cờ Mặt Trời đã được khoảng 10 nghìn lượt người đến trải nghiệm tại Bảo tàng Hà Nội. Một nhà phân phối lớn của các thể loại board game trong nước đã phát hành bộ cờ trên các sàn thương mại điện tử. Tôi nghĩ mình sẽ đi theo đúng công thức của ngành công nghiệp sáng tạo, đó là tác giả chỉ dừng lại ở vai trò tác giả, không tham gia vào sản xuất, phân phối sản phẩm.

Điều vui và ý nghĩa nhất với tôi là sau khi Cờ Mặt Trời ra mắt, có khá nhiều người, thậm chí một số doanh nghiệp lớn đã liên hệ, mong muốn góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến cộng đồng. Xuất phát từ việc chơi thử và yêu thích bộ cờ, họ thấy 2 bên có thể đồng hành.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.