Khảo cổ thích ứng biến đổi khí hậu

Được mệnh danh là “Stonehenge của Tây Ban Nha”, vòng tròn đá có tên gọi chính thức là “Dolmen of Guadalperal” nằm ở một góc của hồ chứa Valdecanas, tỉnh Caceres ở miền trung Tây Ban Nha, gần đây đã lộ ra do nước rút. Trên thế giới, hàng loạt di tích khảo cổ xuất hiện trở lại do biến đổi khí hậu (BĐKH), đặt ra những hướng đi mới đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng của ngành khảo cổ.
0:00 / 0:00
0:00
Vòng tròn đá The Dolmen of Guadelperal của Tây Ban Nha đã lộ ra khi mực nước sông hạ thấp. Ảnh: REUTERS
Vòng tròn đá The Dolmen of Guadelperal của Tây Ban Nha đã lộ ra khi mực nước sông hạ thấp. Ảnh: REUTERS

Vòng tròn đá Dolmen of Guadalperal có từ 5.000 năm trước Công nguyên và được nhà khảo cổ học người Đức Hugo Obermaier phát hiện vào năm 1926, sau đó đã bị nước nhấn chìm vào năm 1963. Kể từ đó, vòng tròn đá mới chỉ được nhìn thấy bốn lần. Hiện, các nhà chức trách cho biết mực nước tại hồ Valdecanas chỉ còn chiếm 28% dung tích, vì vậy di tích quan trọng này một lần nữa xuất hiện trở lại. Theo Reuters, do bán đảo Iberia đang trải qua đợt khô hạn nhất trong 1.200 năm qua nên không chỉ vòng tròn đá Dolmen of Guadalperal mà có thể sẽ có nhiều cảnh tượng khác lộ ra hơn trong tương lai.

Ở Italy, sông Tiber đang nhanh chóng bị thu hẹp trong đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua ở nước này. Mực nước xuống thấp kỷ lục đã làm lộ ra hai trong số những trụ cầu cổ của cầu Nero - cây cầu có từ thời La Mã cổ đại. Được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, các cầu tàu đã bị hư hỏng nặng vào thế kỷ thứ ba và thường bị nhấn chìm dưới nước. Vào mùa khô hạn nhất của Italy, một trong những cầu tàu thường nổi lên nhưng việc nhìn thấy hai cầu tàu là rất hiếm gặp. Nhà sử học Anthony Majanlahti cho biết: “Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Cảnh quan trên khắp châu Âu và hơn thế nữa đang thay đổi do cháy rừng, sông băng tan chảy và các thảm họa khác đe dọa quét sạch toàn bộ khu vực. Hạn hán đã làm khô cạn các lòng sông trên toàn cầu, làm lộ ra những kho báu khảo cổ chưa từng thấy”.

Ở Iraq, thành phố đã mất của Đế chế Mitanni từ thời kỳ đồ đồng đã được phát hiện trong đập Mosul. Khu khảo cổ Kemune có niên đại khoảng 3.400 năm và từng là một thành phố quan trọng của Đế chế Mitanni. Việc lộ ra cả một thành phố là do Iraq xả nước hồ chứa của đập Mosul nhằm cứu hạn cho diện tích lớn cây trồng đang chết dần. Song, Iraq cũng nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của BĐKH, đe dọa đến hàng ngàn di tích cổ quý hiếm và có ý nghĩa khoa học không thể thay thế. Những di tích này đều là các địa điểm đặc biệt, đánh dấu những giai đoạn phát triển quan trọng của các nền văn minh nhân loại và lưu giữ những thông tin quan trọng. BĐKH đang gây ra những tác động có hại trên toàn thế giới, nên ngoài việc bảo tồn di tích trong tình trạng nguy hiểm hiện nay cũng đòi hỏi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về các sự kiện tương tự trong lịch sử cổ đại và cận đại của loài người.

Ngày nay, ngành khảo cổ còn giúp tìm hiểu về BĐKH qua lăng kính lịch sử và khám phá ảnh hưởng của nó đối với các xã hội loài người trong quá khứ, cũng như quan trọng hơn là cách các cộng đồng trong quá khứ thích nghi với BĐKH. Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học và sử học đã quan tâm nghiên cứu việc BĐKH trong quá khứ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phát triển của văn minh nhân loại. Chẳng hạn, Bảo tàng BĐKH ở Wadi Al-Hitan khánh thành vào năm 2016, là bảo tàng đầu tiên trên thế giới khai thác địa điểm cổ sinh vật học lưu trữ hàng trăm hóa thạch của loài cá voi cổ đại nằm tại Faiyum của Ai Cập, cách Thủ đô Cairo 150 km về phía tây nam. Nhiều bảo tàng khí hậu gần đây cũng được thành lập ở Mỹ, Anh và Na Uy, đã tổ chức các buổi triển lãm về quá trình biến đổi và thích ứng với khí hậu trong lịch sử.

Bên cạnh đó, một số quốc gia đã đi đầu trong việc lên kế hoạch tổ chức các chuyến đi và trải nghiệm du lịch khí hậu, du lịch khảo cổ tới các địa điểm mới xuất hiện trở lại. Những hoạt động độc đáo này không chỉ có ý nghĩa giáo dục và nâng cao nhận thức, mà còn mở ra những cơ hội và trải nghiệm mới cho du khách khám phá những di tích tưởng chừng như đã “ngủ yên” chợt xuất hiện trở lại khi địa hình này thay đổi.